Phát triển cụm công nghiệp ở Điện Bàn

CÔNG TÚ 03/06/2020 10:23

Theo quy hoạch chi tiết đã phê duyệt, Điện Bàn đang thực hiện quản lý, đầu tư các cụm công nghiệp (CN), cụm làng nghề, nhất là chú trọng nâng cao năng lực quản lý và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về mặt bằng nhằm thu hút doanh nghiệp (DN).

Đường vào cụm CN An Lưu được đầu tư thời gian qua để tạo thuận lợi cho DN trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Ảnh: C.N
Đường vào cụm CN An Lưu được đầu tư thời gian qua để tạo thuận lợi cho DN trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Ảnh: C.N

Còn nhiều hạn chế

Sau hơn 15 năm hình thành cụm CN, đến nay thị xã Điện Bàn đã có 9 cụm CN, 1 cụm làng nghề được quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Đây là môi trường thuận lợi để thu hút DN vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tại các cụm CN, cụm làng nghề, có 68 DN đăng ký đầu tư với tổng vốn 3.735,7 tỷ đồng, diện tích đất đăng ký thuê 156,4311ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 83,34%. Hiện tại, 37 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 5.154 lao động; 21 DN xúc tiến thủ tục đầu tư mới, 5 DN triển khai xây dựng, 5 DN khác ngừng đầu tư.

Năm 2019, giá trị sản xuất CN tại Điện Bàn đạt 17.533 tỷ đồng, trong đó Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc chiếm gần 13.848 tỷ đồng, còn CN địa phương là 3.685,3 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất CN địa phương giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,79%.

“Phát triển các cụm CN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất CN, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Đạt đánh giá.

Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý, đầu tư các cụm CN ở Điện Bàn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Điển hình, tổ chức bộ máy quản lý cụm CN có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn nhưng chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Gần nhất là mô hình Trung tâm Phát triển cụm CN - thương mại và dịch vụ chưa đạt hiệu quả do thiếu nhân lực, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ như quản lý quy hoạch, xúc tiến đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB), đất đai, đầu tư hạ tầng kỹ thuật…

Công tác quản lý DN, xúc tiến đầu tư, bảo vệ môi trường trong các cụm CN, quản lý tình hình sử dụng đất, an ninh trật tự, GPMB... dù đã được các cấp quan tâm, hỗ trợ nhưng hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn, việc xúc tiến và thu hút đầu tư trong giai đoạn đầu hình thành cụm CN chưa có đơn vị độc lập quản lý nên khi hướng dẫn cho DN đôi lúc còn thiếu sót một số thủ tục pháp lý. Hạ tầng kỹ thuật của một số cụm CN chưa đầu tư hoặc đã đầu tư nhưng chưa đầy đủ, không đồng bộ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định do huy động nguồn vốn còn hạn chế; trong khi thu hút DN đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật chung cụm CN không hề đơn giản.

Tiếp tục hoàn thiện

Nhu cầu vốn cho điều chỉnh quy hoạch, GPMB và đầu tư hạ tầng các cụm CN, cụm làng nghề của Điện Bàn giai đoạn 2020 - 2025 là 579,24 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 40 tỷ đồng, ngân sách thị xã 220,75 tỷ đồng, vốn DN chiếm 318,49 tỷ đồng. Thị xã đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất CN giai đoạn 2020 - 2025 là 9 - 10%; trong đó CN địa phương đạt 7 - 8%. Đến năm 2025, giá trị sản xuất CN đạt 30.030 tỷ đồng, cơ cấu ngành CN chiếm khoảng 43% trong cơ cấu kinh tế toàn thị xã; trong đó, giá trị sản xuất CN địa phương đạt 4.995 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Nguyễn Đạt chia sẻ, quỹ đất CN trong các cụm CN hiện không còn nhiều; chuyện thu hút, bố trí dự án sản xuất CN ngoài khu CN, cụm CN rất hạn chế. Ngược lại, nhu cầu đầu tư của DN vào các cụm CN rất lớn. Do đó, việc đánh giá lại tình hình quản lý nhà nước, đầu tư và hoạt động các cụm CN khi hình thành cho đến nay là cần thiết nhằm tìm ra mô hình quản lý phù hợp.

Từ đây, có kế hoạch quản lý, đầu tư theo chiều sâu và hiệu quả trước hết đáp ứng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN; có sự chuẩn bị tốt về mặt bằng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của cụm CN nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Chính vì vậy, UBND thị xã đã xây dựng “Đề án quản lý và đầu tư các cụm CN trên địa bàn thị xã Điện Bàn giai đoạn 2020 - 2025”.

Qua đó, tạo sự đồng bộ trong chỉ đạo, là công cụ quản lý, điều hành, thực hiện định hướng phát triển các cụm CN mang tính chất mũi nhọn của địa phương. Đề án này đã được HĐND thị xã Điện Bàn thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 15.11.2019.

Ông Dương Tấn Bình - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn cho hay, đơn vị được giao trách nhiệm chủ yếu là chủ trì, phối hợp tổ chức triển khai, quản lý, đảm bảo tiến độ GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm CN. Riêng trong năm 2020, đơn vị tiến hành công tác GPMB các cụm CN Trảng Nhật 1, Trảng Nhật 2, Cẩm Sơn trên diện tích 12,66ha với tổng vốn khoảng 29,63 tỷ đồng.

Cùng với đó, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cụm CN An Lưu (trồng cây xanh vỉa hè), cụm CN Thương Tín (xây dựng cổng chào), cụm làng nghề Đông Khương (làm đường giao thông, điện chiếu sáng, trồng cây xanh tuyến số 2, số 4, số 6 và xây dựng cổng chào) với tổng kinh phí 7,68 tỷ đồng. Thời gian tới, các cụm CN tiếp tục được đầu tư để tạo nên diện mạo hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

CÔNG TÚ