30 năm lưu giữ “hồn Việt”
Hơn 60 tuổi, cô Phạm Thị Vạn vẫn cần mẫn gắn đời mình với những đường kim mũi chỉ, mong mỏi lưu giữ hồn Việt qua từng tà áo dài…
Có duyên với áo dài
Ở tiệm áo dài Vạn nằm trên đường Tôn Đức Thắng (TP.Tam Kỳ), không khí lúc nào cũng vui vẻ rộn ràng. Âm thanh sôi động, náo nhiệt phát ra từ những chiếc máy may, máy vắt sổ và từ những người khách đến thử áo, may áo. Nhìn dòng người tấp nập ra vào cửa tiệm, cô Phạm Thị Vạn gợi lại bao cảm xúc hoài niệm xa xưa, nhắc nhớ về những ngày tháng khốn khó, ngồi cặm cụi bên chiếc máy may thủ công, dùng kim tay để khâu từng mảnh vải, cắt ghép thành những chiếc áo dài trông đơn giản mà không kém phần duyên dáng, thướt tha.
Cô Vạn kể, vì sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lại đông anh chị em nên cô sớm được mẹ chỉ bày cho những việc nữ công gia chánh, thêu thùa may vá để đỡ đần gia đình. Lớn lên, đi học ở Huế, cô có dịp làm thêm cho những cơ sở chằm nón lá và may áo dài. Sẵn có chút hoa tay, lại được mọi người giới thiệu và truyền kinh nghiệm, cô Vạn hiểu rõ hơn và thêm yêu thích những trang phục truyền thống của người Việt, đặc biệt là áo dài.
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm, cô Vạn về dạy tại một trường THPT ở quê nhà. Công việc ổn định, nhưng trong cô Vạn vẫn không thôi niềm đam mê may vá. Sau giờ lên lớp, cô Vạn tranh thủ thời gian may áo dài. Những chiếc áo tự may được, cô trân quý dành tặng những người bạn, đồng nghiệp và người thân.
“Tuy là trang phục truyền thống, lại được yêu thích từ lâu nhưng mãi đến năm 1991 mọi người mới bắt đầu rộ lên xu hướng mặc áo dài. Họ mặc ở nhiều nơi, nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Đó cũng là thời điểm nhiều người tìm đến tôi để may áo. Từ việc may vá chỉ là thú vui nhỏ, tôi bắt đầu nhờ chồng phụ giúp thêm mới có thể hoàn thành số lượng lớn những đơn đặt hàng lúc bấy giờ. Dần dần, may áo dài trở thành một nghề theo tôi xuyên suốt hơn 30 năm qua” - cô Vạn chia sẻ.
Không quảng cáo, không giới thiệu rộng rãi, tiệm may lại nằm nép mình trong căn hẻm nhỏ nhưng tiếng lành đồn xa, áo dài “Vạn” ngày càng đông khách, đội ngũ thợ phụ có lúc tăng lên con số hàng chục người, mỗi ngày tiệm may hoàn thành 30 - 40 bộ áo dài cho khách hàng. Điều đáng quý là cô Vạn vẫn theo đuổi nghề giáo cho đến ngày về hưu.
Gìn giữ “hồn Việt”
Ngày trước, tuy chất liệu đơn giản nhưng kỹ thuật may phức tạp hơn nhiều so với áo dài bây giờ vì áo thường được thiết kế cài nút, tà rời, không ly eo. Mặt khác, máy móc còn ít nên thời gian hoàn thiện một bộ áo thường kéo dài từ 6 - 8 tiếng. Còn bây giờ, nhờ thiết kế đơn giản hơn với tà liền, có 4 ly ở eo để tiện cho việc điều chỉnh độ rộng - chật, máy móc cũng nhiều và hiện đại hơn nên thời gian rút ngắn, ít tốn nhân công hơn. Nhưng theo cô Vạn, dù có cách tân với nhiều kiểu dáng mới, màu sắc bắt mắt, đa dạng thế nào đi nữa thì áo dài vẫn luôn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của nó, đó là tôn lên vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ Việt Nam, tạo cho người mặc nét kín đáo, uyển chuyển pha lẫn nét nhẹ nhàng và duyên dáng.
Tuy đẹp đẽ, thanh lịch là thế nhưng áo dài cũng rất kén người mặc. Vì áo thường ôm sát đường cong của cơ thể nên đòi hỏi người thợ may phải tỉ mỉ, khéo léo và có sự tinh tế cao mới cho ra những bộ áo vừa vặn, mang lại cho khách hàng cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sang trọng, quý phái. Để làm được điều đó, mỗi khi nhận đơn hàng, ngoài việc nắm chắc số đo, cô Vạn còn quan sát thật kỹ những ưu, nhược điểm trên cơ thể khách hàng để khi may, cô chú trọng nhiều hơn vào những đường nét sao cho chiếc áo hài hòa, phù hợp với dáng vóc, màu da và sở thích của họ. Bên cạnh đó, cô còn quan tâm xử lý chất liệu của chiếc áo.
“Đối với vải lụa tơ tằm thiên nhiên có độ co rút cao, tôi thường ngâm vải vào nước, sau đó ủi cho vải thẳng trở lại mới tiến hành đo cắt. Làm như vậy sẽ tốn nhiều công sức và thời gian hơn, nhưng sẽ giúp khách hàng hạn chế được những sự cố về sau như áo bị ngắn, chật hơn sau khi giặt…” - cô Vạn chia sẻ.
Hơn 30 năm làm nghề, số lượng áo dài đã may, cô Vạn không đếm được. Điều khiến cô vui nhất là đã truyền lửa, truyền nghề lại cho gần 100 học viên và phần lớn họ đều thành công, tiếp bước cô trên con đường may trang phục truyền thống.
Theo học cô Vạn từ năm 14 tuổi, sau 25 năm gắn bó, đến nay chị Trần Thị Yến (SN 1979, đường Thanh Hóa, TP. Tam Kỳ) đã tự mở cho mình một cửa hiệu may áo dài. Chị Yến chia sẻ: “Không chỉ truyền đạt những kiến thức kinh nghiệm trong nghề, cô Vạn còn chỉ dạy tôi nhiều về cách đối nhân xử thế, trong đó cô luôn nhắc đến cái tâm với nghề và sự kiên nhẫn, cần cù. Nhờ cô, tôi mới có động lực vượt qua được những ngày gian khó lúc trước và thành công như ngày hôm nay…”.