Tam Kỳ xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Luôn tìm cách làm mới và chọn lối đi riêng để phát triển du lịch, thời gian qua TP.Tam Kỳ đã tạo ra bước tăng trưởng đáng kể cho ngành “công nghiệp không khói” này.
Sản phẩm đặc trưng
Vào thời điểm này năm trước, TP.Tam Kỳ đang sôi động trong không khí lễ hội “Festival Du lịch biển năm 2019”. Làm mới bằng việc nâng quy mô với cách làm chuyên nghiệp, bài bản hơn trước; song đáng chú ý, lần đầu tiên nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống địa phương được đưa vào chương trình lễ hội như hô hát bài chòi, hát bả trạo, ẩm thực “Hương vị Tam Kỳ”.
Cùng với đó là khôi phục con đường thuyền thúng tại làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh và “tô điểm” thêm bằng giải bóng chuyền nữ bãi biển quốc tế đầy màu sắc, tất cả đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, khó quên.
Một lễ hội khác cũng thu hút sự quan tâm không kém trong năm 2019 đó là “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa”. Đây là sản phẩm du lịch độc đáo, gần như riêng có của đất Hà Đông với những hàng sưa cổ thụ nở hoa vàng rực tại Vườn Cừa, làng Hương Trà (phường Hòa Hương).
Biết chọn những gì đặc sắc, mang đậm bản sắc của vùng đất và con người để giới thiệu cho du khách, thế nên lễ hội du lịch biển ở đâu cũng có, song Festival Du lịch biển Tam Kỳ vẫn tạo được dấu ấn riêng có. Nhờ đó mà năm nay, dù không tổ chức các lễ hội, du khách vẫn tìm về với Tam Thanh, Vườn Cừa.
Không chỉ lễ hội du lịch biển và hoa sưa, Tam Kỳ còn hình thành nên một số sản phẩm du lịch đặc trưng bước đầu khẳng định thương hiệu của mình. Nếu như du khách muốn tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử, có thể tìm đến địa đạo Kỳ Anh - một trong 3 địa đạo của cả nước hay Văn thánh Khổng miếu.
Còn với những người yêu thích du lịch sinh thái, trải nghiệm, đã có làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, làng sinh thái Hương Trà cùng sự hoang sơ của bãi sậy sông Đầm sẽ mang đến nhiều bất ngờ. Chưa kể, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng cũng là một địa chỉ du lịch có một không hai trên cả nước.
Nhờ tạo ra những sản phẩm du lịch ấn tượng nên ngày càng nhiều khách du lịch trên cả nước tìm đến Tam Kỳ. Theo thống kê của thành phố, trong 5 năm qua, địa phương này đã thu hút khoảng 1,63 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 22%/năm và tăng gần 15 lần so với giai đoạn trước. Trong số đó, Tam Kỳ từng đón những vị khách khá đặc biệt: phu nhân Tổng thống Hàn Quốc bà Kim Jung Sook cùng đoàn đại biểu cấp cao Hàn Quốc đến thăm làng bích họa Tam Thanh năm 2017.
Đầu tư mạnh hạ tầng
Có thể thấy, xuyên suốt thời gian qua TP.Tam Kỳ dành sự quan tâm đầu tư nguồn lực khá lớn cho du lịch, nhất là cơ sở hạ tầng. Có thể kể đến như địa đạo Kỳ Anh - một biểu tượng về tinh thần và ý chí sáng tạo, kiên cường của quân dân Tam Kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được tôn tạo, nâng cấp nhiều hạng mục nhân Festival Di sản Quảng Nam năm 2017. Hạ tầng bãi tắm Tam Thanh cũng được đầu tư xây dựng, giới thiệu cho du khách một bãi biển Tam Thanh đẹp thuộc loại nhất nhì miền Trung.
Địa phương ban hành đề án phát triển du lịch TP.Tam Kỳ giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, cho thấy quyết tâm tạo đột phá, hướng tới trở thành trung tâm du lịch phía Nam của tỉnh. Nhiều dự án đang và sẽ được đầu tư như làng du lịch sinh thái Hương Trà, bãi sậy sông Đầm…
Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm đến, TP.Tam Kỳ đang tính toán các giải pháp thúc đẩy thu hút dự án đầu tư về đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở vùng đông. Đây là nơi tập trung hệ thống sông hồ uốn lượn quanh thành phố như sông Bàn Thạch, Trường Giang, Tam Kỳ, một vùng bãi sậy sông Đầm có diện tích lên tới 180ha với điều kiện tự nhiên hết sức phong phú hay bờ biển Tam Thanh còn hoang sơ dài hơn 7km, bãi cát trắng mịn và độ rộng bờ cát hơn 300m. Đồng thời đây còn là vùng đất có mạch nguồn văn hóa vô cùng phong phú với nhiều di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống được gìn giữ qua bao thế hệ.
Một yếu tố nữa là khả năng kết nối với các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng; các địa chỉ du lịch trong tỉnh như phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên) và cùng các địa phương theo đề án định hướng phát triển du lịch phía Nam tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 theo Quyết định 2090 (27.6.2019) của UBND tỉnh.
Hỗ trợ xây dựng 1.326 nhà ở cho người có công cách mạng
Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng, giai đoạn 2013 - 2019, TP.Tam Kỳ đã hỗ trợ xây dựng 1.326 nhà, trong đó xây mới 137 nhà, sửa chữa 1.189 nhà.
Ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương 40 triệu đồng/nhà xây mới, 20 triệu đồng/nhà sửa chữa, thành phố còn hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương 10 triệu đồng/nhà xây mới, 5 triệu đồng/nhà sửa chữa, với tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công theo chủ trương của Trung ương, trong năm 2020 thành phố tiếp tục dùng ngân sách để hỗ trợ thêm xây dựng mới và sửa chữa nhà ở bằng mức hỗ trợ như trước đây. (T.VY)
Hơn 14.500 lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp
Theo UBND TP.Tam Kỳ, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đang thu hút 55 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 14.500 lao động.
Trong đó, Khu công nghiệp Tam Thăng thu hút số lượng lao động nhiều nhất với hơn 8.000 người, tiếp theo là cụm công nghiệp Trường Xuân hơn 3.900 lao động và cụm công nghiệp Thuận Yên hơn 2.600 lao động. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2019 của Tam Kỳ đạt hơn 5.200 tỷ đồng; trong đó khu vực nhà nước hơn 20%, ngoài nhà nước 43%, khu vực FDI 36%.
Thời gian qua, địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân thành phố và các vùng phụ cận. (X.PHÚ)
Đưa công an chính quy về các xã
Thực hiện chủ trương tăng cường công an chính quy về làm công an xã nằm trong đề án “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Bộ Công an, thời gian qua, Công an tỉnh đã có quyết định điều động công an chính quy về đảm nhận chức danh công an tại các xã thuộc TP.Tam Kỳ.
Theo đó, nhiều cán bộ thuộc các đơn vị Công an tỉnh và Công an Tam Kỳ được điều chuyển về xã Tam Phú, Tam Thăng, Tam Ngọc, Tam Thanh. Việc đưa công an chính quy về làm công an xã cũng là giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Trước đó, Thượng tá Phạm Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh được Bộ trưởng Bộ Công an điều động về giữ chức vụ Trưởng Công an TP.Tam Kỳ. (A.SẮC)
5 năm, phê duyệt 270 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của UBND TP.Tam Kỳ, 5 năm qua (2015 - 2020), thành phố đã phê duyệt 270 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn. Có tổng cộng 3.376 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 533 hộ giải tỏa trắng. Thành phố đã bố trí 816 lô đất tái định cư.
Thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm của Trung ương, tỉnh trên địa bàn đã được triển khai thuận lợi, đảm bảo đúng tiến bộ nhờ người dân ủng hộ trong công tác giải tỏa, bàn giao mặt bằng. Có thể kể đến như đường Điện Biên Phủ, Nam Quảng Nam, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, kè sông Bàn Thạch, Khu công nghiệp Tam Thăng… (A.NHI)