Mỹ tuyên bố rời khỏi WHO
(QNO) - Ngày 29.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ cắt đứt quan hệ hoàn toàn với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì đại dịch Covid-19, gây chú ý cộng đồng quốc tế.
Quyết định trên của Tổng thống Trump không phải quá bất ngờ bởi từ nhiều tuần trước đó, ông Trump có nhiều phát biểu đe dọa về ngừng đóng góp hoàn toàn cho WHO.
Như vào giữa tháng 4, ông Trump yêu cầu Chính phủ Mỹ tạm ngừng tài trợ cho WHO vì cách thức giải quyết đại dịch Covid-19 của tổ chức này chưa phù hợp và cáo buộc WHO có mối quan hệ quá gần gũi với Trung Quốc.
Hay vào ngày 19.5 mới đây, ông Donald Trump gửi một bức thư dài 4 trang cho Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus để cảnh báo ông sẽ cắt giảm vĩnh viễn tài trợ của Mỹ cho WHO, xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ nếu WHO không cam kết cải thiện đáng kể trong vòng 30 ngày tới.
Do vậy, lý do được ông Trump cho biết khi tuyên bố rút Mỹ khỏi WHO là do WHO không thực hiện những cải cách sau đại dịch Covid-19 mà Mỹ đã yêu cầu. Thay vì tài trợ cho WHO, số tiền này sẽ được chuyển sang để tài trợ cho một số mục tiêu y tế khẩn cấp khác trên thế giới và xứng đáng, tuy chưa nêu cụ thể.
Hiện tại, ngoài khoản đóng góp bắt buộc từ các quốc gia thành viên, khoảng 80% nguồn tài trợ tự nguyện còn lại cho WHO là do một số quốc gia hoặc khu vực tư nhân tình nguyện đóng góp. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp khoảng 450 triệu USD hằng năm, kể cả phí thành viên và đóng góp tự nguyện, trong đó chiếm gần 15% tổng số tiền đóng góp tự nguyện cho WHO trên toàn cầu.
Quyết định của Tổng thống Trump ngay lập từ nhận được phản ứng của các chuyên gia y tế và các nước. Họ cho rằng việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ làm suy yếu các nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu. Ngược lại, việc Mỹ thiếu vắng sự hợp tác quốc tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phản ứng của hệ thống y tế Mỹ đối với Covid-19 và các dịch bệnh khác. Bộ trưởng Y tế của Đức - Jens Spahn nhận xét việc Washington cắt đứt tài trợ cho WHO là một “tổn thất nghiêm trọng cho y tế toàn cầu”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen kêu gọi ông Trump xem xét lại cũng như nên tránh những hành động làm suy yếu kết quả quốc tế; đồng thời cho rằng giờ là lúc tăng cường hợp tác và tìm ra những giải pháp chung để ngăn chặn dịch bệnh.
Quyết định rút Mỹ khỏi WHO diễn ra trong lúc thế giới ghi nhận khoảng 6 triệu ca nhiễm Covid-19, với hơn 365.000 trường hợp tử vong. Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,7 triệu ca nhiễm và hơn 100.000 ca tử vong.
Hiện chưa rõ thời gian khi nào Mỹ sẽ chính thức chấm dứt quan hệ với WHO. Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp, một đặc quyền mà Washington nhấn mạnh trước khi phê chuẩn Hiến pháp của WHO và quyết định rút khỏi WHO của Mỹ sẽ có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ ngày ra thông báo.