Vì một cộng đồng không khói thuốc

ĐĂNG NGUYÊN 29/05/2020 09:17

Thuốc lá như một liều thuốc độc, có thể sẽ khiến người dùng bị nghiện, rồi dần dần gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Dù biết rất rõ tác hại của việc hút thuốc, nhưng nhiều người vẫn rất chủ quan, bất chấp cảnh báo từ cơ quan chuyên môn.

Thuốc lá như một liều thuốc độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Thuốc lá như một liều thuốc độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Tật xấu” trong cộng đồng

Như một thói quen cố hữu, nhiều người (nhất là đàn ông) thường xem thuốc lá như vật “bất ly thân”. Đi đâu, làm gì, trong túi quần đều có sẵn một bao thuốc lá để… giải trí. Có ông chồng, dù vợ đang mang thai, nhưng vẫn phì phèo thuốc lá chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.

Những hình ảnh đó, rất dễ bắt gặp, từ nhà ra ngõ, như một “tật xấu” không thể bỏ trong đời sống cộng đồng. Thậm chí trong môi trường sư phạm, cơ sở y tế, dù biển cấm được dán nhiều nơi, nhưng việc hút thuốc vẫn diễn ra công khai. Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang chia sẻ, trước đây, người dân, thậm chí là bệnh nhân thường có thói quen hút thuốc lá trong bệnh viện. Sau nhiều lần được y, bác sĩ tại trung tâm nhắc nhở, nhiều người đã hạn chế dần “tật xấu” của mình. Nhờ vậy, những năm gần đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc không hút thuốc lá trong bệnh viện.

Khảo sát của phóng viên tại khu vực TP.Tam Kỳ cho thấy, số lượng người dân hút thuốc tại các điểm công cộng, khu vui chơi, giải trí, các quán cà phê… vẫn thường xuyên diễn ra, khiến nhiều người bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Hồng D., một người dân ở khối phố An Hà Nam (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) cho hay, mỗi khi có việc đi ra ngoài đường, chị thường mang khẩu trang để hạn chế việc hít phải khói thuốc từ “người lạ”. Ở thời buổi đi đâu cũng gặp người hút thuốc lá, chị không dám dẫn con nhỏ đi chơi chỗ đông người, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ.

“Ở quán cà phê hay nơi nào đó tập trung đông người, việc tránh khói thuốc là điều rất khổ sở. Nhiều người vô tư hút thuốc, mặc cho nơi đó có phụ nữ và trẻ nhỏ. Hình như họ đã quá quen với việc hút thuốc công khai như vậy rồi” - chị D. nói.

Văn minh không khói thuốc

Gần 10 năm nay, anh Bh’riu Na (ở thôn Agrồng, xã A Tiêng, Tây Giang) đã bỏ hẳn việc hút thuốc lá. Anh kể, quyết định của mình diễn ra sau đợt vợ sinh đứa con thứ 2. Hồi đó, vì thương vợ, vì lo cho sức khỏe của các con, anh đã quyết tâm bỏ thuốc lá, dù “thâm niên” hút thuốc cả gần 20 năm.

“Trước đây, khi còn thanh niên, vì theo đám bạn nên mình bắt đầu tập hút thuốc. Không ngờ, sau một thời gian, mình nghiện hút, rồi không thể nào bỏ được. Sau này, khi có gia đình, mình đã lên kế hoạch quyết tâm bỏ hút thuốc để giữ sức khỏe cho cả gia đình” - anh Na tâm sự.

Hiệu quả thấy rõ về sức khỏe, anh Na vận động nhiều gia đình khác cùng bỏ thuốc lá và được nhiều người ủng hộ. Vì thế, anh Na nói, ý tưởng mô hình “Tổ ấm không khói thuốc” được hình thành từ chính tinh thần và quyết tâm bỏ thuốc lá của mỗi gia đình, mà đặc biệt là những ông chồng, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người thân, cộng đồng.

Ở thôn 3 (xã Trà Mai, Nam Trà My), nhiều năm nay, người dân đã bỏ hẳn việc hút thuốc, thay vào đó là khuyến khích nhai trầu để giữ sức khỏe. Nhiều năm trước, từ sự vận động của già làng và chính quyền địa phương, đồng bào Ca Dong, Xê Đăng đã đồng loạt bỏ hút thuốc lá. Để chống lại thời tiết rét buốt vốn rất đặc trưng ở vùng núi Ngọc Linh, bà con chuyển sang nhai trầu và “kă crâu” - tục nhai dạng bột thuốc của người Xê Đăng. Vì thế, suốt nhiều năm nay, thuốc lá ít xuất hiện dần trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng ở một số nóc của xã Trà Mai.

Ở một số địa phương, nhiều tộc họ gắn việc không hút thuốc lá vào quy ước, hương ước của dòng tộc, xem đó như một cách để hạn chế sử dụng thuốc lá. Bắt đầu từ việc không khuyến khích mời thuốc tại các cuộc họp tộc họ, đồng thời vận động các hộ gia đình bỏ dần việc hút thuốc lá để phòng ngừa hậu quả bệnh tật sau này...

ĐĂNG NGUYÊN