Không thu hút đầu tư PPP đối với các dự án nhà máy thủy điện
(QNO) - Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều có chung quan điểm như vậy khi tham gia thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào sáng nay 28.5.
Về lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP (Điều 4), tại Khoản 1, dự thảo luật quy định có 5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP gồm: giao thông vận tải; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế, GD-ĐT; hạ tầng công nghệ thông tin; năng lượng. Riêng lĩnh vực năng lượng, dự thảo đưa ra 2 phương án để các ĐQBH lựa chọn, cụ thể phương án 1: lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện); phương án 2: lưới điện.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn và thể hiện tại Khoản 1 Điều 4 dự thảo luật là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Về quy định “nhà máy điện”, do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Cụ thể phương án 1: giữ quy định cho phép áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện); phương án 2: không quy định áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 1 vì chính sách thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP vào lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.