Phòng chống xâm hại trẻ em: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ hơn

HÀN GIANG 27/05/2020 14:23

(QNO) - Sáng nay 27.5, tham gia thảo luận trực tuyến về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình cao với báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội. Cùng với sự kỳ vọng, sau kết quả giám sát tối cao này, sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em, không còn những vụ việc đau lòng, bảo vệ an toàn mầm non tương lai của đất nước.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Quảng Nam sáng 27.5. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Quảng Nam sáng 27.5. Ảnh: N.Đ

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ ngày 1.1.2015 đến 30.6.2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Qua số liệu thống kê giai đoạn 2015 - 2018 so với giai đoạn trước (2011 - 2014), số trẻ em bị xâm hại đang có xu hướng tăng, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2019 số trẻ em bị xâm hại đã gần bằng 80% so với cả năm 2018. Phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng đa dạng, tinh vi và phức tạp hơn. Trong đó, đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội, lấy hình ảnh, thông tin giả mạo để dụ dỗ, lừa gạt hoặc gây sức ép đối với trẻ em; tham gia các trò chơi trực tuyến, các trang mạng xã hội kết bạn để tạo dựng lòng tin, tiếp cận, sau đó thực hiện hành vi xâm hại.

Nhức nhối

Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng, trong đó 857 trẻ em là nạn nhân, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.

Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Trong khi đó, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, có cả đối tượng là người lạ và người quen biết với trẻ, có người thân thích trong gia đình; giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ hưu trí, người cao tuổi… Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là nam giới, chiếm hơn 95%.

Qua giám sát cho thấy, thời gian gần đây tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em và có xu hướng gia tăng. Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ việc cha đẻ xâm hại con ruột, cha dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính…

Địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em đã xảy ra ở 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, đặc biệt khó khăn, mà tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cũng đang có xu hướng gia tăng.

Xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều vụ xảy ra tại nơi vắng vẻ, ít người qua lại, nơi kín đáo, biệt lập. Nhiều vụ xảy ra ngay tại gia đình người thân, người quen, họ hàng, hàng xóm. Xâm hại trẻ em còn xảy ra tại khu vực công cộng, nơi vui chơi của trẻ như: cơ sở giáo dục, cơ sở trông giữ trẻ, cơ sở bảo trợ xã hội, điểm sinh hoạt, điểm vui chơi của trẻ em, cầu thang máy chung cư...

Kiến nghị khởi tố 100% vụ việc

Nêu ra những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế đối với công tác này. Qua giám sát cho thấy, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em trong một số vụ việc còn chưa kịp thời, bỏ lọt tội phạm, một số vụ vi phạm thủ tục tố tụng, chưa đảm bảo điều tra thân thiện với trẻ em.

Tại một số địa phương Đoàn giám sát trực tiếp làm việc cho thấy, báo cáo của viện kiểm sát về số lượng tố giác, tin báo tội phạm xâm hại trẻ em thấp hơn nhiều số lượng tố giác, tin báo thực tế cơ quan điều tra đã tiếp nhận, giải quyết. Một số trường hợp cơ quan điều tra quyết định không khởi tố vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nhưng vẫn được viện kiểm sát nhân dân chấp nhận. Việc giám định thường chậm, kéo theo việc xử lý, giải quyết kéo dài gây mệt mỏi, thậm chí gây hoài nghi cho người dân.

Trong khi đó, một số vụ án, vụ việc áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ còn chưa chính xác. Việc áp dụng hình phạt trong một số trường hợp còn nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe, nhất là đối với một số vụ án về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 20 ngày 5.11.2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đối với Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện chính sách, các luật liên quan đến phòng chống xâm hại trẻ em. Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em...

Đoàn giám sát cũng yêu cầu Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế được chỉ ra trong báo cáo giám sát, giảm số vụ trẻ em bị xâm hại và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được đoàn nêu ra. Trong đó, chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Cùng với đó, chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt hơn 95%; 100% vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; điều tra khám phá tội phạm đạt hơn 90%; kiềm chế và kéo giảm 5 - 7% tội phạm xâm hại trẻ em; xây dựng các mô hình phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật...

HÀN GIANG