Chủ động phòng dịch sốt xuất huyết

KHÔI QUÂN - ÁNH MINH 27/05/2020 13:00

Cùng với việc phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế đang tăng cường các biện pháp, chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH).

Phun hóa chất, diệt trừ nơi trú ngụ của lăng quăng, bọ gậy để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Q.M
Phun hóa chất, diệt trừ nơi trú ngụ của lăng quăng, bọ gậy để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Q.M

Giảm số ca mắc so với cùng kỳ

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 14 ổ dịch SXH với 812 ca, trong khi năm 2019 là 940 ca. Như vậy số ca mắc giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhiều nhất là thị xã Điện Bàn với 8 ổ dịch, Phú Ninh 4 ổ, Phước Sơn 1 ổ và Nông Sơn 1 ổ dịch. Hiện chỉ còn 1 ổ dịch tại Nông Sơn vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ, các ổ dịch khác đã cơ bản khống chế.

Chia sẻ lý do về số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm 2019, ông Trần Văn Kiệm cho rằng, thời điểm này thời tiết vẫn còn nắng nóng, chưa xuất hiện mưa nên các vũng đọng nước để muỗi sinh sôi không có.

“Thêm nữa công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh SXH qua kinh nghiệm của năm ngoái nên năm nay bám sát và theo dõi tích cực hơn so với trước. Đây cũng là một trong yếu tố quan trọng làm cho số ca mắc giảm đi” - ông Trần Văn Kiệm nói. Thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, các địa phương bắt đầu tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết.

Ông Trần Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Lâm (Nông Sơn) cho biết: “Chính quyền địa phương luôn chỉ đạo sát sao công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch sốt xuất huyết nói riêng. Theo dõi thường xuyên diễn biến ổ dịch tại thôn Tứ Trung, xã Quế Lâm, kịp thời phát hiện các ca mắc mới để xử lý. Không kể ngày nghỉ, khi xảy ra dịch, các ban ngành, đoàn thể cùng phối hợp xử lý các ổ lăng quăng, bọ gậy”.

Giám sát, phát hiện sớm ca bệnh

Dù đã được địa phương thường xuyên tuyên truyền kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết, thế nhưng vẫn còn một số hộ dân rất chủ quan. Các vật dụng chứa nước không được che đậy, tạo môi trường sống cho lăng quăng, bọ gậy sinh trưởng và phát triển. Theo các nhân viên y tế, qua điều tra thực địa, chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy ở những hộ gia đình tại các địa phương phát hiện ổ dịch được điều tra ở ngưỡng cao (BI = 50). 

Chị Phạm Thị Phượng, nhân viên y tế thôn Tứ Trung, xã Quế Lâm (Nông Sơn) chia sẻ: “Không chỉ tuyên truyền trên loa phát thanh mà chúng tôi đi đến tận nhà vận động, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đi thường xuyên để làm giúp công việc này, chỉ mong người dân nhận thức tốt và thực hiện nghiêm túc”.

Cùng với việc phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế tăng cường các biện pháp, chủ động phòng chống SXH với quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch, kịp thời giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên. Song song đó, quyết liệt triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh với phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn người dân cùng thực hiện.

Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam, cho biết: “Thời gian qua, vừa phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi cũng không lơ là công tác phòng chống SXH bởi dịch bệnh này không phải theo mùa mà lưu hành quanh năm. Hiện nay, vào thời điểm nắng nóng, người dân thường chứa nước để sinh hoạt, tạo điều kiện cho lăng quăng, bọ gậy sinh sôi phát triển, nên việc đậy kín tất cả vật dụng chứa nước, súc rửa thường xuyên hoặc thả cá 7 màu là rất cần thiết. Hàng tuần người dân nên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, thay nước bình hoa... Ngủ màn, mặc quần áo dài khi làm vườn vào sáng sớm và chiều tối. Mọi người tập trung dọn dẹp vệ sinh nhà ở, phát quang bụi rậm, không cho muỗi trú ở, đặc biệt không chủ quan với bệnh SXH” - ông Quang nói.

SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh này rất nguy hiểm nếu người mắc không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, theo ngành y tế, để tăng cường phòng ngừa dịch bệnh SXH, không để dịch bùng phát, rất cần hành động hàng ngày của mỗi cá nhân, tự giác bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cả cộng đồng.

KHÔI QUÂN - ÁNH MINH