Bóng đá và khán giả

ANH SẮC 24/05/2020 04:23

Tin vui cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam, cuối tuần này (ngày 24.5), sân cỏ trên khắp cả nước sẽ sôi động trở lại sau thời gian dài im ắng với các trận đấu đầu tiên thuộc vòng loại Cúp quốc gia và tiếp theo đó là giải vô địch quốc gia V-League 2020 (ngày 5.6). Nhưng câu chuyện mà nhiều người yêu chuộng môn thể thao vua quan tâm nhất lúc này, đó là các sân vận động có mở cửa để đón khán giả vào sân theo dõi và cổ vũ cầu thủ thi đấu?

Hai vòng đầu tiên của V-League 2020 không có khán giả song sắp tới sẽ khác khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên cả nước. Ảnh:A.S
Hai vòng đầu tiên của V-League 2020 không có khán giả song sắp tới sẽ khác khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên cả nước. Ảnh:A.S

Trước đó, do dịch bệnh Covid-19 nên 2 vòng đấu đầu tiên của V-League và cả trận Siêu cúp quốc gia hồi đầu tháng 3 đã diễn ra mà không có khán giả trên sân. Và đến nay, khi Chính phủ cho phép tổ chức các hoạt động thể thao thì ngay lập tức các giải bóng đá đã được ngành chức năng lên kế hoạch trở lại để phục vụ người hâm mộ.

Nhịp sống bình thường đã dần trở lại trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Các biện pháp giãn cách xã hội cũng dần được tháo gỡ. Vì vậy, chẳng có lý do gì mà ngăn cản tình yêu của người dân đối với bóng đá. Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, các địa phương được ủy quyền quyết định việc có mở cửa sân hay không. Song với tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt như thế này, có lẽ không có địa phương nào “nói không” với khán giả.

Bóng đá không có khán giả sẽ không còn là môn thể thao vua. Tất cả các trận đấu của 2 vòng đấu đầu tiên V-League buộc phải “nói không” với khán giả khiến cho không khí trận đấu nguội lạnh hơn bao giờ hết. Cầu thủ trên sân thiếu hẳn sự nhiệt tình như khi thi đấu trước hàng nghìn người hâm mộ cổ vũ trên khán đài.

Bởi vậy, nói đến bóng đá là nói đến khán giả, thậm chí họ còn được xem là cầu thủ thứ 12 trên sân. Đánh giá một trận đấu hay rộng hơn là một giải đấu thành công hay không, bên cạnh vấn đề chất lượng chuyên môn thì yếu tố khán giả cũng là “thước đo”. Không thể có chuyện giải đấu được đánh giá cao song 4 phía khán đài trống vắng sự cổ vũ của người hâm mộ.

Khán giả là tài sản quý giá của đội bóng. Các cầu thủ, ban huấn luyện rất cần người hâm mộ luôn sát cánh động viên. Không chỉ vậy, đứng ở góc độ tài chính, với nhiều đội bóng thì khán giả là nguồn thu đặc biệt quan trọng. Khoản tiền bán vé, bán quần áo thi đấu sẽ giúp các đội bóng có thêm một khoản kinh phí không hề nhỏ, nhất là những sân vận động lúc nào cũng thu hút khá đông khán giả như Thiên Trường của Dược Nam Hà Nam Định hay Hàng Đẫy của Hà Nội, mỗi trận đấu thu được từ 500 - 700 triệu đồng. Thế nên, các sân mở cửa trở lại không chỉ giải tỏa “cơn khát” của người hâm mộ mà còn giải quyết bài toán kinh tế cho các đội bóng, đặc biệt là các đội “nhà nghèo”.

Bóng đá rất cần khán giả và lẽ dĩ nhiên, khi các giải đấu trở lại, điều mong mỏi lớn nhất lúc này là các sân cỏ cả nước sẽ rộng cửa để chào đón người hâm mộ. Hơn lúc nào hết, sau bao háo hức chờ đợi, khán giả cả nước sẽ lại được đắm mình với các trận cầu hấp dẫn ở  phía trước.

ANH SẮC