“Loạn chữ”

THỤY BẤT NHI 23/05/2020 16:57

Dùng từ sai, từ không chính xác, thậm chí phản cảm, đang thực sự là vấn đề nan giải của truyền thông đại chúng hiện nay. Ngày càng có nhiều thông tin, đặc biệt ở mạng xã hội, vi phạm các nguyên tắc dùng từ ngữ, gây sai lệch, hiểu nhầm. Làm sao để hạn chế được tình trạng này?

Hình ảnh của chiến dịch “Lòng tốt dễ lây”.
Hình ảnh của chiến dịch “Lòng tốt dễ lây”.

Nhiều người trên mạng xã hội nhìn nhận, có thể do hoạt động truyền thông xã hội gần đây phát triển rầm rộ, dẫn đến tình trạng dễ dãi về dùng từ ngữ, mà những vấn đề lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp khi sử dụng Tiếng Việt đã bị cộng đồng xem nhẹ. Kể cả một số nhà báo, nhà văn trẻ, khi viết bài cũng tùy tiện đưa khẩu ngữ vào trong hành văn, dùng nhiều từ ngữ sai lệch, tối nghĩa, làm độ nhạy trong cảm thụ của công chúng giảm đi. Tất cả đã khiến ngôn ngữ Tiếng Việt trong hành văn truyền thông ngày càng bị biến tướng và trở thành mối nguy hại cho cả cộng đồng.

Từ một chữ lây…

Đầu tháng 5.2020, Bộ Y tế lại gây xôn xao dư luận với chiến dịch “Lòng tốt dễ lây”, một chương trình truyền thông do bộ cùng Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc phát động, nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Mục tiêu chương trình là rất tích cực, và câu chuyện không có gì đáng nói, nếu từ dùng của Bộ Y tế là đích xác. Đáng tiếc, là với từ “lây” ở thông điệp lan tỏa của chiến dịch này, Bộ Y tế đã hướng cảm nhận của người nghe vào một nội dung sai lệch ý nghĩa.

Từ dùng này, ai cũng biết, là một động từ chỉ trạng thái tiêu cực là chính, nhất là với lĩnh vực y tế, trỏ ngay vào nghĩa “lây bệnh, truyền nhiễm”. Dù trong từ điển có chú nghĩa, từ lây cũng chỉ trạng thái gần gũi mà lan truyền trạng thái tâm lý, như “vui lây buồn lây”, song rõ ràng hướng thông tin tiêu cực ở từ dùng này chiếm ưu thế. Danh từ “lòng tốt”, lại không phải trạng thái tâm lý, nên việc dùng chữ “lây” cho trường hợp này, là sự khiên cưỡng và lệch lạc ý nghĩa hoàn toàn.

Nhiều người trên mạng xã hội lập tức phản ứng với chương trình của Bộ Y tế, đề nghị nhanh chóng chỉnh sửa, dùng một từ khác hợp tình hợp lý hơn, tránh đi những liên tưởng tiêu cực ở người đọc. Cụ thể bối cảnh dịch bệnh hiện nay, trạng thái “lây bệnh” là nỗi lo sợ lớn nhất, bởi virus viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang phát tán khắp toàn cầu với “chức năng” lây. Vậy tại sao Bộ Y tế lại không thể tế nhị khéo léo hơn, trong việc dùng ngôn từ chuyên môn và văn hóa giao tiếp để tránh những hiểu lầm?

Đến căn bệnh loạn ngữ

Chữ “lây” dùng không thỏa đáng của Bộ Y tế, chỉ là một trong những câu chuyện bất cập của hoạt động truyền thông đại chúng, thông tin công luận thời gian qua, mà những người quan tâm đều chỉ trích.

Trước câu chuyện này, người ta cũng từng đề cập một cách gay gắt đến các từ dùng “méo nghĩa” như từ “thu giá” ở Bộ Giao thông… Công luận cũng nhiều lần đối diện một từ dùng “tưởng như đùa”, là “thất thủ”. Từ Hán Việt này dùng chỉ trường hợp vị trí phòng thủ quan trọng (chính trị, quân sự) bị đối phương đánh chiếm. Song trên nhiều mặt báo và trang thông tin mạng xã hội, nhiều người đã dùng để chỉ tình trạng trở ngại do sự cố xã hội hay thiên tai, ví dụ “mưa to, Hà Nội thất thủ”. Đã có nhiều nhà ngôn ngữ lên tiếng việc này, nêu từ đúng cho trường hợp muốn nói, là từ Hán Việt “thúc thủ” (nghĩa là bó tay). Song dường như, phản ảnh đó không nhận được hồi đáp chính xác, các bài viết truyền thông đến nay vẫn dùng từ “thất thủ” một cách sai lệch tùy tiện.

Nhiều người lý giải, tình trạng dùng những từ sai lệch có thể bắt nguồn từ một số bạn trẻ muốn “biến tấu ngôn ngữ” cho hài hước, dung dị hơn. Nhưng sự thật, dù có “tếu táo và nghịch ngợm” đến thế nào, việc dùng sai lệch những từ Tiếng Việt truyền thống, nhất là dùng sai nghĩa từ, cũng là điều không thể chấp nhận được. Do đó, trong những trường hợp Tiếng Việt bị dùng sai, rất cần có thái độ minh bạch, cứng rắn của cộng đồng lên tiếng, buộc phải điều chỉnh và chấm dứt việc sai sót đó. Hơn nữa, thực tế phải thấy, là trong quá trình lịch sử dịch chuyển chữ viết Tiếng Việt từ chữ tượng hình (Hán Nôm) sang ký âm (chữ Quốc ngữ), đã có một trường đoạn “bị gãy khúc” trong giáo dục, truyền đạt văn hóa ngôn ngữ dân tộc. Trường đoạn này lại diễn ra trong bối cảnh đất nước bị chiến tranh, càng khiến cho khả năng điều chỉnh, xử lý trả lại đúng các giá trị ngữ nghĩa Tiếng Việt bị hạn chế.

Hậu quả là đến nay, có một số bộ phận không nhỏ từ Tiếng Việt bị hiểu sai hoặc bị tối nghĩa trong từng ngữ cảnh nhất định, và người dùng, nhất là giới trẻ lại không được trang bị các kiến thức cần thiết để làm rõ. Cho nên, tình trạng từ Tiếng Việt bị dùng sai nghĩa, gây nhầm lẫn, đánh đố người đọc về mặt truyền thông ngày một phổ biến.

Hướng giải quyết chỉ có thể là công tác giảng dạy Tiếng Việt ở các trường phổ thông và trong cộng đồng xã hội cần được đánh giá xem xét lại, tổ chức lại. Đây thực sự là vấn đề cấp thiết và lâu dài đối với công tác học tập, tra cứu và sử dụng Tiếng Việt hiện nay!

THỤY BẤT NHI