Thí điểm mô hình một cấp chính quyền đô thị Đà Nẵng

HÀN GIANG 23/05/2020 16:52

(QNO) - Cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP.Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác được trình tại phiên họp sáng nay (23.5) của Kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ kỳ vọng Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển, xứng tầm với đô thị trung tâm, thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình phát biểu thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Ảnh: N.Đ
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình phát biểu thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Ảnh: N.Đ

Không tổ chức HĐND cấp quận, phường

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo nghị quyết nêu trên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự thảo cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và hai cấp hành chính (quận, phường).

Theo mô hình này, chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND và UBND thành phố; một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận cho phù hợp.

Cơ cấu tổ chức cũng được thí điểm đổi mới như tăng cường vai trò giám sát của HĐND thành phố tại quận, phường và quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để giám sát các hoạt động của quận, phường khi không tổ chức HĐND.

Đồng thời, quy định UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ nhằm phù hợp chức năng là cơ quan hành chính tại quận, phường khi không tổ chức HĐND quận, phường. Chỉ tổ chức một cấp ngân sách thành phố, theo đó quận và phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách của thành phố thay vì ba cấp ngân sách thành phố, quận, phường như trước đây.

Theo dự thảo nghị quyết, mô hình một cấp chính quyền như nêu trên phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị trên địa bàn quản lý nhỏ gọn, số lượng đơn vị hành chính cấp quận ít của Đà Nẵng (chỉ có 6 quận, 2 huyện) nếu so sánh với TP.Hà Nội (12 quận) và TP.Hồ Chí Minh (19 quận).

“Đây là mô hình mà TP.Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2009-2016 và tổng kết thí điểm cho thấy công tác chỉ đạo điều hành quản lý hành chính của UBND từ cấp thành phố đến quận, phường được xuyên suốt; nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu; tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và người dân thành phố” - ông Dũng nói.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và ba cấp chính quyền ở nông thôn tại TP.Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.

Để tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực trong điều kiện không tổ chức HĐND ở cả quận và phường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận để cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm trước HĐND thành phố của chức danh này. Đồng thời giao HĐND thành phố thẩm quyền xem xét báo cáo công tác của TAND, Viện KSND quận và xem xét trả lời chất vấn của Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND quận...

Giám sát, kiểm soát quyền lực

Phát biểu thảo luận sáng nay 23.5, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình bày tỏ đồng thuận tình cao với tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Theo ông Phan Thái Bình, TP.Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) vào năm 1997, qua nhiều năm phát triển đã nhanh chóng trở thành động lực mới thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Do vậy, việc xây dựng cơ chế thí điểm cho TP.Đà Nẵng phát triển xứng tầm của một đô thị lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa... như tờ trình đã nêu là hết sức cần thiết.

Những điều kiện đặc thù của Đà Nẵng không phải địa phương nào cũng có, khác với hai địa phương TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội, bởi sự đa dạng về địa lý tự nhiên, cảng biển, có sân bay, đặc biệt là đô thị có biển. Ưu tiên những cơ chế chính sách đặc thù để TP.Đà Nẵng cũng là định hướng mà chúng ta đang tập trung phát triển kinh tế biển ở các địa phương có biển. Sự phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới, không chỉ riêng cho địa phương này, mà còn là động lực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

“Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng khác với TP.Hà Nội (đang tổ chức mô hình chính quyền thí điểm gồm hai cấp: thành phố và cấp phường có HĐND, bỏ HĐND cấp quận). Như vậy khi tổng kết sẽ có nhiều mô hình để đánh giá, trên cơ sở đó lựa chọn một mô hinh hiệu quả để áp dụng. Đà Nẵng cũng cần tập trung, tranh thủ để Trung ương hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Hòa Vang tiếp tục phát triển, nâng cấp lên thành quận, các xã nâng cấp lên thành phường nhằm thống nhất, thuận lợi trong công tác quản lý” - ông Bình phát biểu.

Từ thực tiễn thí điểm ở TP.Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng cần quan tâm tăng số lượng đại biểu dân cử, tăng đại biểu chuyên trách. Để làm sao mỗi quận, huyện phải có một đại biểu chuyên trách đại diện cho cử tri, nhân dân ở địa bàn đó. Các đại biểu này có thể hoạt động chuyên trách ở các ban HĐND thành phố, vừa đảm bảo giữ được mối liên hệ với cử tri, phát huy dân chủ ở địa phương; đồng thời nâng cao năng lực các ban HĐND trong quá trình giám sát của HĐND.

“Việc giám sát, kiểm soát quyền lực - ở đây không phải đặt vấn đề năng lực và quyền hạn, cũng như trách nhiệm của riêng HĐND mà còn đặt ra một tổng thể hơn, đó là sự lãnh đạo của cấp ủy, tính kỷ cương, kỷ luật của UBND và sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Mặt trận và các tổ chức đoàn thể” - ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu quan điểm.

HÀN GIANG