Cấp mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thay cho sổ hộ khẩu

NGUYÊN ĐOAN 23/05/2020 11:01

(QNO) - Sáng nay 23.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên họp sáng nay 23.5 tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: N.Đ
Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên họp trực tuyến sáng nay 23.5. Ảnh: N.Đ

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú và đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đến nay, việc tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả quan trọng như: đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; triển khai thu thập thông tin dân cư và tổ chức cấp hơn 18 triệu số định danh cá nhân cho công dân.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 43 điều (tăng 1 chương, 1 điều), được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Cụ thể là bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú bằng sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi), theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật này. Dự thảo luật đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật liên quan đến sổ hộ khẩu, điều kiện đăng ký cư trú để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Theo quy định của Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an thống nhất quản lý và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác (Điều 12). Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, theo Tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12.2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.

"Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công an thì công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư, bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế nên quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc... Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nói.

NGUYÊN ĐOAN