Triển khai gói hỗ trợ Covid-19: Tăng cường giám sát song hành với thực hiện chính sách
(QNO) - Sáng 22.5, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca chủ trì hội nghị giao ban công tác giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là gói hỗ trợ Covid-19). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đến dự.
Nhiều vướng mắc
Thực hiện Hướng dẫn 27 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Công văn 342 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác giám sát gói hỗ trợ Covid-19, thời gian qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã triển khai hoạt động giám sát song hành với quá trình thực hiện chính sách của chính quyền các cấp.
Theo báo cáo, đến nay phần lớn địa phương đã triển khai hỗ trợ đảm bảo các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công. Qua triển khai giám sát, Mặt trận các địa phương ghi nhận một số vấn đề phát sinh, nhất là khi xác minh nhóm đối tượng “không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm”.
Ông Phạm Phú Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn cho biết, việc hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, có công cách mạng, bảo trợ xã hội rất thuận lợi vì đã có sẵn danh sách. Mặt trận chỉ giám sát chi đúng, đủ, trùng hay không. Vướng mắc nhất nằm ở nhóm đối tượng lao động tự do vì nhiều khái niệm quy định không rõ ràng, như người bán hàng rong, bốc vác…
“Mặt trận muốn giám sát việc lập danh sách với các đối tượng này có chính xác hay không thì cũng phải có cơ sở để hiểu cho đúng. Chứ hiện nay, việc thực hiện ở các địa phương không có sự thống nhất. Cùng một trường hợp như nhau nhưng có địa phương kê khai, địa phương thì không” - ông Thủy nói.
Đồng ý kiến, đại diện Mặt trận một số địa phương ở miền núi nêu ví dụ, trường hợp những người làm nghề bốc vác keo, phụ hồ… thì có được hiểu là hành nghề “bốc vác” theo quy định gói hỗ trợ Covid-19?
Ông Võ Nễ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An cho biết, ngành du lịch Hội An chịu tác động mạnh nhất do dịch bệnh Covid-19 với nhiều hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các quy định hỗ trợ lại không bao quát hết với nhóm đối tượng này.
“Đơn cử, ở phường Minh An có hơn 100 trường hợp buôn bán hàng rong ở chợ đêm. Do dịch bệnh, chợ đêm đóng cửa, phần lớn những người này đều nghỉ làm, nhưng họ lại không thuộc đối tượng được kê khai. Ngoài ra, phần lớn cơ sở kinh doanh lưu trú dừng hoạt động từ tháng 2 - 3, nhưng quy định hỗ trợ Covid-19 chỉ tính từ sau 1.4 thì cũng không hợp lý” - ông Nễ nói.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác nêu bất cập ở nhóm đối tượng giáo viên, người lao động ở các cơ sở mầm non tư thục. Ông Trần Công Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên cho biết: “Các giáo viên, người lao động ở cơ sở mầm non tư thục bị ảnh hưởng nhưng không thuộc quy định hỗ trợ. Ngoài ra, giáo viên thời vụ trong các trường công lập cũng không nằm trong quy định. Đây là những bất cập phát sinh từ cơ sở”.
Không cầu toàn
Tại hội nghị, ông Trần Ngọc Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã trả lời, giải đáp nội dung mà Mặt trận các cấp phản ánh. Đồng thời lưu ý các địa phương vận dụng đầy đủ các quy định của trung ương, tỉnh để khu trú, xem xét xác lập danh sách các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. “Chúng tôi mong muốn nhận được sự đồng hành, giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong suốt chặng đường thực hiện gói hỗ trợ này” - ông Chiến nói.
Ủng hộ việc Mặt trận các cấp triển khai giám sát song hành với thực hiện chính sách gói hỗ trợ Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đề nghị Mặt trận các địa phương tiếp tục phối hợp với chính quyền cùng cấp để theo dõi, nắm bắt kịp thời quá trình triển khai để giám sát hiệu quả. Mặt trận giám sát để tránh chi trùng, bỏ sót đối tượng, trục lợi chính sách; đồng thời hỗ trợ, đôn đốc chính quyền các cấp để chính sách đến với các đối tượng trong thời gian nhanh nhất theo tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Ông Tùng cũng cho rằng, nhiều khái niệm trong Nghị quyết 42, Quyết định 15 về gói hỗ trợ Covid-19 còn trừu tượng, trong đó có nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương cố gắng khu trú, vận dụng để lập danh sách các đối tượng giới hạn theo quy định Nghị quyết 42 và Quyết định 15.
“Việc rà soát không nên cầu toàn. Đối tượng rõ thì đưa vào danh sách A, chưa rõ thì đưa vào danh sách B, để UBND các cấp có cơ sở sớm chi trả hỗ trợ cho các đối tượng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng gợi ý.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca đề nghị, Mặt trận các cấp tiếp tục giám sát chặt chẽ để đảm bảo chính sách được thực hiện nhanh chóng, công bằng, không để xảy sai sót. Những trường hợp gặp khó khăn nhưng không thể vận dụng theo quy định gói hỗ trợ Covid-19 thì Mặt trận cũng cần nắm bắt để nghiên cứu hỗ trợ, giúp đỡ, có thể thông qua nguồn vận động ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua.