Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng
Việc sử dụng các thiết bị điện với công nghệ mới, tiết kiệm điện (TKĐ) và phát triển điện năng lượng mặt trời (NLMT) đang trở thành xu thế tất yếu, đặc biệt là đối với những đô thị mới ở Quảng Nam.
Tiết kiệm năng lượng
Để khuyến khích khách hàng sử dụng NLMT, ngành điện đã ban hành cơ chế chung. Theo đó, khách hàng sẽ được lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều, cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt nếu hệ thống pin mặt trời đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đề ra. Từ công tơ 2 chiều được đo xa, khách hàng có thể theo dõi, giám sát sản lượng điện tiêu thụ, sản lượng NLMT phát lên lưới điện hàng ngày và biết được số tiền ngành điện sẽ thanh toán cho phần sản lượng điện đã phát lên lưới. Toàn bộ phương thức chốt chỉ số, thanh toán đều được PC Quảng Nam thực hiện công khai, minh bạch.
Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp (KCN), nhà hàng, khách sạn cao cấp... ra đời kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện năng khá lớn. Vì thế, từ nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường giải pháp sử dụng thiết bị công nghệ mới, TKĐ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Chỉ tính riêng hệ thống đèn chiếu sáng công cộng TP.Tam Kỳ có khoảng 5.500 bóng đèn các loại; trong đó có hơn 4.000 bóng đèn cao áp công suất từ 70 - 400W. Trung bình mỗi năm, hệ thống vận hành thắp sáng sẽ tiêu tốn hơn 4,5 triệu kWh, tương ứng 6,7 tỷ đồng.
Ngay từ năm 2013, TP.Tam Kỳ đã đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng ứng dụng hệ thống thiết bị điều khiển tự động có chế độ điều chỉnh công suất để giảm công suất chiếu sáng về đêm khi mật độ giao thông giảm; đồng thời thay thế dần đèn hư hỏng bằng đèn Led hoặc các loại đèn TKĐ. Nhờ đó, mỗi năm TP.Tam Kỳ đã tiết kiệm được 40% lượng điện tiêu thụ, tương ứng 1,7 triệu kWh/năm trong chiếu sáng công cộng.
Mới đây, UBND tỉnh đã triển khai dự án đầu tư thí điểm lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng TKĐ và đèn cảnh báo an toàn giao thông sử dụng NLMT cho tuyến đường 129, đoạn từ cầu Cửa Đại (Hội An) đến dốc Diên Hồng (Tam Kỳ).
Tổng chiều dài tuyến đường lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng TKĐ là 22,3km. Trong đó, chiều dài tuyến chiếu sáng công cộng sử dụng đèn Led NLMT là 2,3km; chiều dài tuyến chiếu sáng công cộng sử dụng đèn Led dùng điện lưới là 20km. Đèn cảnh báo an toàn giao thông sử dụng NLMT bố trí tại các ngã tư giao nhau giữa đường 129 với đường dân sinh thuộc các xã Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa (Thăng Bình).
Việc đầu tư thí điểm lắp đặt hệ thống đèn TKĐ trong hệ thống chiếu sáng công cộng, công nghệ mới, với tổng vốn hơn 40 tỷ đồng sẽ góp phần giảm lượng điện năng tiêu thụ, vừa tiết kiệm chi phí từ ngân sách của địa phương và cũng vừa tiết kiệm nguồn năng lượng cho quốc gia.
Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú cao cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã ứng dụng giải pháp TKĐ. Ông Nguyễn Trúc - Trưởng bộ phận quản lý điện khách sạn Cửa Đại, cho biết: “Để tiết giảm chi phí tiêu thụ điện năng cho tòa nhà của khách sạn, ngoài áp dụng giải pháp kỹ thuật, bảo dưỡng thiết bị điện, khách sạn còn sử dụng các vật liệu làm mát không gian sống tại các khu vực có nhiều nắng. Việc tận dụng nguồn nhiệt của máy sấy phát ra và lắp đặt hệ thống nước nóng đun bằng NLMT có dung tích lớn để cung cấp nước nóng ổn định (nhiệt độ từ 40 đến 70 độ C) cho bồn nước tại các phòng nghỉ của du khách. Nhờ đó, bình quân mỗi tháng, khách sạn Cửa Đại đã tiết giảm gần 30% điện năng tiêu thụ”.
Phát triển điện mặt trời trên mái nhà
Theo ông Lưu Đức Lợi - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), việc đầu tư hệ thống điện mặt trời (ĐMTMN) tại khu vực Quảng Nam đang trên đà phát triển mạnh, các dự án ĐMTMN thực hiện theo cơ chế mua bán điện mới của Chính phủ càng tạo sức hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư tham gia. Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã có thêm 70 khách hàng lắp đặt mới với tổng công suất 2,7MWp (vượt tổng công suất lắp đặt của cả năm 2019). Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 366 khách hàng đầu tư lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt hơn 5,4MWp và thực hiện hợp đồng mua bán điện với PC Quảng Nam.
Cùng với hàng trăm hộ gia đình, nhiều DN ở các KCN đang triển khai lắp đặt hệ thống NLMT với quy mô lớn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Điển hình như Công ty CP Hanacans, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng điện Hòa Bình (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) với công suất 1.000kWp, Công ty TNHH Sâm Sâm (KCN Tam Thăng), có công suất 990kWp...
Ông Nguyễn Đình Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tuấn Đạt cho biết, công ty đã tiến hành đầu tư lắp đặt hệ thống NLMT có công suất gần 100kWp. Ngoài giá trị kinh tế mang lại, công trình NLMT đối với DN may xuất khẩu sẽ mang lại giá trị kinh tế vô hình. Điều này giúp nâng cao giá trị hình ảnh, thương hiệu thân thiện với môi trường cho DN khi tiên phong trong xu hướng sử dụng năng lượng sạch về bảo vệ môi trường.