Sắc mới Chơ Chun
Xã Chơ Chun (Nam Giang) bây giờ không còn là “xã 5 không” thuở trước, khi mọi thứ đã dần đổi khác. Câu chuyện về cuộc sống của người Cơ Tu, Tà Riềng hiện hữu những sắc màu tươi mới, lạc quan.
Những đổi thay
Tháng 5, nắng trải khắp núi. Con đường bê tông uốn lượn, xuyên qua những tán lá tràm xanh mát. Không còn là “xã 5 không” về điện - đường - trường - trạm, Chơ Chun đang dần chuyển mình, phá thế cô lập vốn được xem như một “rào cản” trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương những năm trước đây. Dễ dàng nhận thấy điều đó, ngoài diện mạo mới ở trung tâm xã, còn là những đổi thay hiện hữu trên từng ngôi làng của đồng bào vùng cao.
Theo ông Coor Dương - Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chun, vài năm trở lại đây, người dân đã bắt đầu chú trọng mở rộng trao đổi buôn bán, dần tạo thói quen giao thương, quan tâm hơn đến việc vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. “Toàn xã hiện có 246 hộ/1.238 nhân khẩu, chủ yếu là người Cơ Tu, Tà Riềng sinh sống từ lâu đời. Những năm qua, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 5,3%, đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra” - ông Dương nhấn mạnh.
Ông Pơloong Ađốc - Chủ tịch UBND xã Chơ Chun cho biết, từ khi điện lưới quốc gia và đường bê tông mới được đầu tư, đời sống của người dân đã thay đổi đáng kể. Không còn phải ngược đường rừng đi bộ hàng chục cây số về tận xã La Dê để mua sắm nhu yếu phẩm, nhờ có đường mà cả xã nay đã có tới 6 cơ sở hoạt động thương mại, dịch vụ. Chưa kể, cũng nhờ có đường sá thuận lợi, nhiều mặt hàng nông sản được thu mua, mở ra cơ hội thoát nghèo, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương.
Ngoài ra, từ việc quy hoạch sử dụng đất gắn liền với bố trí đất sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, đến nay Chơ Chun đã đạt được 8/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, góp phần giải quyết được bài toán khó về tìm kiếm mặt bằng tái định cư miền núi.
“Kể từ khi có điện, có đường, Chơ Chun đã thực sự có bước thay đổi lớn. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo gần như tuyệt đối ở thời điểm mới tái lập vào năm 2011, đến nay con số này giảm còn 54,1%. Đây là kết quả rất đáng mừng, thể hiện sự đổi thay về chất lượng cuộc sống của người dân địa phương” - ông Ađốc chia sẻ.
Những năm gần đây, bên cạnh chú trọng đầu tư hạ tầng, xã Chơ Chun còn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Công tác này, ngoài triển khai theo chương trình riêng của ngành y tế, địa phương còn mở rộng liên kết, phối hợp với lực lượng bác sĩ quân y của Đồn Biên phòng La Êê trong việc khám và điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn. Nhờ thế, năm 2018, Trạm Y tế xã Chơ Chun được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trở thành một trong số điểm xã ở miền núi có bác sĩ phụ trách.
Ngoài ra, hoạt động về câu lạc bộ không sinh con thứ ba trở lên; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ nhỏ luôn được duy trì, đảm bảo song song với nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Quyết tâm giảm nghèo
Chủ tịch UBND xã Chơ Chun - Pơloong Ađốc cho hay, những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp, chính quyền xã còn khuyến khích người dân trong việc mở rộng chăn nuôi gia súc gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng, từng bước giảm nghèo hiệu quả. Theo đó, năm 2019, diện tích gieo trồng toàn xã đạt hơn 314ha. Trên cơ sở duy trì và phát triển mô hình sản xuất lúa nước, Chơ Chun đặt mục tiêu trong những năm tới xóa dần tình trạng đốt nương làm rẫy, lấn chiếm rừng tự nhiên trong cộng đồng.
Cũng theo ông Ađốc, thực hiện tinh thần Nghị quyết 03 của Huyện ủy Nam Giang về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng “3 cây 3 con”, địa phương đã hình thành hàng chục mô hình phát triển chăn nuôi trang trại theo nhóm hộ gia đình. Trong đó, chủ yếu phát triển đàn heo cỏ địa phương, kết hợp với chăn nuôi trâu, bò tập trung tại khu dân cư.
Ngoài ra, chính quyền xã còn tích cực vận động người dân khai hoang, cải tạo vườn tạp và chuyển đổi giống cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế, thay vào đó là đưa vào trồng một số cây chủ lực như: bưởi da xanh, bơ, lim, lát lấy gỗ; cùng một số loại cây dược liệu đảng sâm, ba kích… với tổng diện tích hơn 134ha.
“Từ thuận lợi về đường sá, chúng tôi cũng đang tính toán đến việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách. Thời gian quan, địa phương khuyến khích khôi phục một số làng nghề rèn, dệt thổ cẩm, đan lát… vừa góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, vừa tạo thêm thu nhập, giúp ổn định đời sống người dân” - ông Ađốc cho biết thêm.