Bồi thường quyền lợi bảo hiểm xe máy: Hồ sơ rắc rối
Nhiều chủ xe máy, mô tô tìm mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, mua bảo hiểm là một chuyện, còn việc có đòi quyền lợi khi xảy ra rủi ro hay không lại là chuyện khác, vì hồ sơ quá nhiêu khê.
Khi tai nạn xảy ra trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/người/vụ; với tài sản là 50 triệu đồng/vụ tai nạn. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác để thu thập các tài liệu liên quan vụ tai nạn giao thông để lập hồ sơ bồi thường.
Theo quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC ngày 16.2.2016 của Bộ Tài chính, hồ sơ bồi thường bao gồm nhiều tài liệu. Đơn cử: tài liệu liên quan đến xe, lái xe (gồm giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm); tài liệu chứng minh thiệt hại về người, tùy theo mức độ thiệt hại có thể bao gồm một hoặc nhiều tài liệu (giấy chứng thương, giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật, hồ sơ bệnh án, giấy chứng tử trong trường hợp nạn nhân tử vong); tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản (gồm hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm; các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm).
Ngoài ra, còn phải cung cấp bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn (biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn; sơ đồ hiện trường, bản ảnh, nếu có; biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn; thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông; các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn, nếu có).
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không có các tài liệu liên quan và thiệt hại xảy ra ước tính dưới 10 triệu đồng, hồ sơ bồi thường phải có các tài liệu liên quan đến xe, lái xe; tài liệu chứng minh thiệt hại về người, chứng minh thiệt hại về tài sản và các tài liệu khác, như biên bản xác minh vụ tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra tai nạn.
Biên bản phải ghi thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn; thông tin do chủ xe cơ giới hoặc lái xe gây tai nạn, nạn nhân hoặc đại diện của nạn nhân, các nhân chứng tại địa điểm xảy ra tai nạn (nếu có) cung cấp.
Các đối tượng cung cấp thông tin phải ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ; mô tả hiện trường vụ tai nạn và thiệt hại của phương tiện bị tai nạn (kèm theo bản vẽ, bản ảnh); biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập; các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).
Như vậy, chỉ riêng điều khoản quy định hồ sơ bồi thường đã quá rắc rối; chưa kể các điều khoản khác về giám định thiệt hại hợp đồng bảo hiểm, các trường hợp loại trừ bảo hiểm, nguyên tắc bồi thường… Hồ sơ quá nhiều và rắc rối có lẽ là một trong những lý do khiến người tham gia bảo hiểm ngại làm thủ tục khi xảy ra tai nạn mà tự thỏa thuận, dàn xếp với nhau.
Kết quả cuộc thăm dò có nội dung “để bảo hiểm xe máy không chỉ là hình thức, phải thay đổi thiết thực những hành động cụ thể nào?” trên báo Tuổi trẻ mới đây cho thấy, hầu hết người tham gia khảo sát chọn phương án “cần cải thiện thủ tục theo hướng nhanh chóng, thuận lợi, minh bạch” trong 4 phương án được khảo sát.