Thủy điện xoay xở với nguồn nước
Tình trạng khô hạn cục bộ nhiều tháng qua khiến một số nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh thiếu hụt nguồn nước dự trữ, nên rất chật vật trong việc phát điện lẫn xả nước cho sản xuất và sinh hoạt ở vùng hạ du.
Nguồn nước thiếu hụt
Dừng chân nghỉ dọc quốc lộ 14D sau khi vừa ra khỏi rừng, bà Alăng Thị Như (xã Cà Dy, Nam Giang) than vắn thở dài: “Nắng nóng khốc liệt quá, mấy cây bắp trên rẫy lá đã chuyển màu héo đỏ không biết cầm cự được bao lâu. Cả làng chung tiền mua sắm lễ vật vào rừng cúng cầu mưa nhưng ông trời chả thương cho giọt nước nào cả tháng nay”.
Một tốp thanh niên, người già ngồi dưới gươl truyền thống của xã Cà Dy cho biết, để có nước sử dụng dân làng đào giếng sâu gần 100m dưới lòng sông. Nhiều tháng nay, trời không mưa khiến nhiều hồ thủy điện hạn chế xả nước.
Từ ngã 3 Bến Giằng (Nam Giang) ngược về phía thượng lưu sông Đắc Mi gần 50km là đến thủy điện Đắc Mi 4A (thuộc địa bàn huyện Phước Sơn). Dòng sông này trước đây là nguồn sống của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ ngày nhà máy thủy điện Đắc Mi 4A xây đập, chặn ngang dòng sông Đắc Mi để chuyển nước về phía sông Thu Bồn phát điện, người dân sống dọc sông Đắc Mi mất đi nguồn thu nhập từ nghề khai thác thủy sản. Theo người dân địa phương, các cửa van của thủy điện xả nước về phía sông Đắc Mi gần đây bị đóng chặt.
Trong khi đó, ông Đinh Hữu Tấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắc Mi (đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Đắc Mi 4A) cho rằng, cửa xả vẫn mở với lưu lượng nhỏ vào ban đêm. Do lượng nước về hồ ít nên công ty phải ưu tiên cho việc xả nước phát điện.
Được biết, nhà máy thủy điện Đắc Mi 4A nằm trong hệ thống các thủy điện của tỉnh thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của Chính phủ. Tuy vậy, do nắng nóng dẫn đến khô hạn mà nhà máy thủy điện này có thời điểm không thực hiện đúng việc xả nước về phía sông Đắc Mi theo quy định.
Ông Lê Đình Bản - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung (đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Sông Bung 4) cho biết, nếu nhà máy thủy điện A Vương và Sông Bung 4 xả nước về phía sông Vu Gia như cam kết thì cũng chỉ giải cứu được đoạn sông từ Bến Giằng (Nam Giang) đổ về xuôi. Còn đoạn 50km từ Bến Giằng lên đập thủy điện Đắc Mi thì nguồn nước khó có thể chảy ngược lên được.
Ông Lê Đình Bản thông tin thêm, trung bình 4 tháng qua, lượng nước về hồ thủy điện Sông Bung 4 chỉ đạt 58% so với năm ngoái và thấp hơn nhiều so với tính toán trung bình các năm. Công ty đã phối hợp với ngành chức năng của tỉnh và TP.Đà Nẵng lên lịch phát điện và sử dụng nước tiết kiệm. Hiện, Công ty Thủy điện Sông Bung hạn chế phát điện để giữ nước. Trong 4 tháng đầu năm sản lượng điện của nhà máy chỉ đạt 9,1% so với kế hoạch. Cụ thể, nhà máy thủy điện Sông Bung 4 chỉ phát được 52 triệu kWh, trong khi kế hoạch năm là 440 triệu kWh.
Nhiều nhà máy thủy điện bắt buộc phải thực hiện điều tiết nước về phía sông Vu Gia để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nhà máy thủy điện A Vương đã chỉ đạo dừng chạy máy phát điện để tích nước cung cấp cho hạ du. Hiện, mực nước hồ thủy điện A Vương ở cao trình hơn 367m, dung tích hữu ích là 161 triệu mét khối. So với năm ngoái thì mực nước hồ năm nay nhiều hơn 20 triệu mét khối, trong khi lưu lượng nước về hồ thì thấp hơn nhiều. Nhà máy thủy điện này sử dụng nước trong hồ để cấp thêm về hạ du trong thời điểm này.
Nỗ lực của Sông Tranh 2
Hôm qua 20.5, nông dân Quảng Nam bắt đầu xuống giống vụ hè thu với diện tích hơn 4.000ha lúa. Trong thời điểm khô hạn như hiện nay, ngoài tận dụng nguồn nước thủy lợi thì việc nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) xả nước đã giúp người dân yên tâm vào vụ sản xuất mới.
Hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có dung tích hơn 700 triệu mét khối nước. Song, do hạn hán kéo dài, hiện tại dung tích nước trong hồ chỉ ở cao trình 167m, tương đương 356 triệu mét khối. Tuy gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tích nước, phát điện, nhưng nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đang xả nước về hạ du theo quy trình vận hành của tỉnh.
“Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Sở NN&PTNT và chính quyền các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức… để điều tiết nước hồ chứa, đảm bảo lưu lượng nước xả về hạ du theo đúng quy trình. Đặc biệt là giai đoạn đổ ải từ ngày 11.5 đến 10.6, chúng tôi xả nước với lưu lượng 80 - 85m3/s” - ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Tranh cho biết.
Tại xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức), những ngày qua nhiều nông dân sửa soạn đồng ruộng cho vụ hè thu. Tại cánh đồng thôn 3 của xã có diện tích hơn 36ha. Nếu như trước đây, chỉ sản xuất được vụ đông xuân, còn vụ hè thu thường bỏ hoang gần một nửa diện tích do không chủ động nước tưới, thì từ năm 2018 đến nay, nhờ thủy điện điều tiết nước về hạ du trong mùa khô hạn nên 100% diện tích được người dân đưa vào sản xuất.
Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức cho biết, việc xả nước của thủy điện Sông Tranh 2 là hết sức kịp thời, vừa giúp nông dân xuống giống vụ hè thu đúng lịch thời vụ, vừa đảm bảo theo nội dung cam kết phối hợp giữa UBND huyện và Công ty CP Thủy điện Sông Tranh. Vụ hè thu năm nay, toàn huyện có hơn 931ha lúa chủ động nước tưới, trong đó có hơn 300ha lúa sử dụng nguồn nước tưới từ thủy điện Sông Tranh 2 điều tiết.
Còn tại xã Quế Trung (Nông Sơn), nhờ việc điều tiết nước của thủy điện nơi thượng nguồn, nên nhà máy nước Nông Sơn vẫn hoạt động bình thường và chưa xảy ra tình trạng thiếu nước, cúp nước. Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Chủ tịch UBND xã Quế Trung, mặc dù tình trạng khô hạn đang diễn ra, nhu cầu sử dụng nước của nhân dân tăng cao, song nguồn nước sinh hoạt của hơn 10.600 nhân khẩu ở địa phương luôn đảm bảo. Ngoài ra, người dân còn bơm nước từ sông Thu Bồn để phục vụ tưới cho diện tích cây ăn trái ở làng Đại Bình cũng như vựa rau sạch vùng ven sông.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trước tình trạng khô hạn xảy ra trên diện rộng như hiện nay, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, ứng phó. Đặc biệt là yêu cầu các nhà máy thủy điện phối hợp chặt chẽ với địa phương trong điều tiết nước về vùng hạ du, làm sao vừa đảm bảo nước tưới, nước sinh hoạt, vừa đảm bảo cung ứng điện năng cho quốc gia.
“Qua theo dõi thì tại nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đang xả với lưu lượng ngày 80 - 85m3/s. Đây là đơn vị vận hành điều tiết nước về hạ du đúng quy trình, góp phần phục vụ cho giai đoạn đổ ải của hơn 4.000ha lúa vụ hè thu này. Phải nói rằng nguồn nước thủy điện năm 2020 này có cải thiện so với năm 2019, đây là điều đáng mừng. Hiện nay Sở NN&PTNT vẫn tiếp tục theo dõi việc xả nước của các nhà máy thủy điện để có những giải pháp điều tiết phù hợp với từng giai đoạn. Điều quan trọng là việc sử dụng nước ở hạ du phải thật sự hiệu quả và đảm bảo nguồn nước của các hồ thủy điện sử dụng đến cuối mùa cạn” - ông Trương Xuân Tý nói.