Du lịch phải duy trì điểm đến khác biệt

QUỐC TUẤN 18/05/2020 09:51

Tạo dựng thương hiệu du lịch khác biệt đã khó, duy trì và phát huy được điều này trong nhiều năm về sau càng khó. Hội An, Mỹ Sơn và rộng hơn là các điểm đến khác của Quảng Nam cần nhận rõ giá trị khác biệt của mình trong mọi sự chuyển động để luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng du khách.

Cần cố gắng giữ vẻ đẹp “tĩnh” của đô thị cổ Hội An trong quá trình phát triển du lịch.
Cần cố gắng giữ vẻ đẹp “tĩnh” của đô thị cổ Hội An trong quá trình phát triển du lịch.

Đừng để mất đi vẻ đẹp “tĩnh”

Những năm 1990, Hội An chỉ là một thị xã hiu hắt và Khu đền tháp Mỹ Sơn vẫn chìm trong hoang vu, phế tích, còn người dân hầu như chưa quan tâm đến làm du lịch. Du lịch Quảng Nam đi sau nhiều điểm đến nổi tiếng khác trên cả nước nhưng lại nhanh chóng vào tốp 5 địa phương đón khách quốc tế nhiều nhất trong những năm gần đây với gần 5 triệu lượt (chỉ xếp sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh, số liệu năm 2019). Và sự bứt tốc này có đóng góp không nhỏ từ lợi thế sở hữu các giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo, riêng biệt - yếu tố mà dòng khách Âu - Mỹ rất chuộng khi chọn điểm đến.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cảnh báo, sự náo động đang rục rịch len lỏi vào di sản Hội An và có thể làm chuyển dịch cả hồn cốt cư dân và nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Ông Nguyễn Sự cho rằng: “Sau bao năm khách vẫn yêu mến, ùn ùn về Hội An chính bởi họ yêu thích cái tĩnh, cái đã thành thương hiệu riêng biệt của nơi này với mong muốn tận hưởng không gian thanh bình, còn nếu muốn náo nhiệt họ đã tìm tới các điểm đến, đô thị trẻ sôi động hơn và Hội An không thể cạnh tranh”.

Còn theo PGS-TS. Phạm Trung Lương - Viện Du lịch bền vững Việt Nam: “Ngoài di sản vật thể, cái mà Hội An cũng như những điểm đến khác ở Quảng Nam được lòng du khách chính là yếu tố con người. Người dân thân thiện, nhã nhặn, thậm chí nhịp sống có phần chậm rãi, thong thả khiến du khách vô cùng thích thú. Đó cũng là một vẻ đẹp tĩnh vô hình không dễ nơi nào có được”.

Khác với nhiều di sản, Hội An là di sản “sống” nên nét đẹp này đang đứng trước thách thức lớn từ sự gia tăng đột biến của khách du lịch và giá trị kinh tế của tài sản khu vực phố cổ. Sau gần 20 năm, vì nhiều lý do khác nhau đã có 380 chủ nhân xưa cũ của các ngôi nhà/di tích lần lượt rời khỏi khu vực phố cổ Hội An và hiển hiện nguy cơ mang theo cả nếp sống thuần hậu từ bao đời của di sản này.

Ông Võ Đăng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An thông tin: “Số di tích dùng làm nhà ở hiện còn rất ít, nó không mất đi đâu cả mà chuyển đổi dưới dạng kinh doanh trước nguồn lợi quá lớn từ khách du lịch”. Nếu một ngày, số di tích sử dụng làm nhà ở kia trong phố cổ bị “tuyệt chủng” và mọi ngõ ngách nơi này sẽ hoàn toàn biến thành khu phố thương mại thì Hội An đâu còn vẻ đẹp tĩnh lặng riêng biệt.

Chưa dung hòa “chất” và “lượng”

Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương, không chỉ Hội An, Quảng Nam mà rộng ra cả nước, lâu nay chúng ta cứ mãi chú trọng đến việc đặt kế hoạch năm nay phải đón bao nhiêu lượt khách, rồi năm sau phải tăng bao nhiêu phần trăm. “Tại sao chúng ta không đặt câu hỏi rằng ngành du lịch đóng góp bao nhiêu GDP, giải quyết bao nhiêu công ăn việc làm và chúng ta có được bao nhiêu khách du lịch chất lượng cao?” - PGS-TS. Phạm Trung Lương đặt vấn đề.

Nhìn lại con số thống kê, năm 2019 doanh thu từ tham quan, lưu trú đạt 6,2 nghìn tỷ đồng cộng thêm thu nhập xã hội từ tham quan, lưu trú hơn 14,5 nghìn tỷ đồng. Nếu đối chiếu với một số địa phương bạn, như Đà Nẵng hay Khánh Hòa trong khu vực miền Trung thì tổng doanh thu ngành du lịch địa phương mới chỉ bằng khoảng 70 - 75% trong khi Quảng Nam đón lượng khách quốc tế vượt trội hơn.

Cần thêm nhiều sản phẩm sáng tạo mang đặc trưng bản địa để thúc đẩy ngành du lịch Quảng Nam. Ảnh: Q.T
Cần thêm nhiều sản phẩm sáng tạo mang đặc trưng bản địa để thúc đẩy ngành du lịch Quảng Nam. Ảnh: Q.T

Ông Sự nêu thêm vấn đề dùng dằng nhiều năm nay: “Đã đến lúc phải xác định rõ chúng ta nên đón 1 khách tiêu 5 đồng hay 5 khách tiêu mỗi người 1 đồng”. Rõ ràng để so cán cân thiệt hơn nhằm phát triển du lịch bền vững thì ai cũng có câu trả lời, tuy nhiên sự bùng nổ của ngành du lịch với nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài” sẵn sàng phục vụ miễn là có khách để duy trì hoạt động sẽ khiến việc “nâng chất” còn nhiều chông gai.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành Hội An (Hoian Travel) nhận định, cần sớm đưa du lịch Cù Lao Chàm thành du lịch cao cấp mới phát triển bền vững được viên ngọc quý này. Nhiều đoàn khách cao cấp từng đề nghị cần có không gian riêng để cắm trại, nghỉ dưỡng ở một số khu vực biển nhưng không được đáp ứng. Chí ít cũng cần phải phân luồng dòng khách theo tuyến để giảm thiểu sự lộn xộn như hiện nay.

Việc có quá ít các mặt hàng đặc sản, lưu niệm đặc trưng, độc đáo để du khách khám phá cũng là tồn tại khiến ngày lưu trú cũng như chi tiêu của khách tăng trưởng chậm. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phan Việt Cường cho rằng, phần lớn du khách đến Quảng Nam tiêu không hết tiền, trong đó một phần nguyên nhân đến từ việc chưa tạo được nhiều mặt hàng lưu niệm đặc trưng bản địa và cả việc quảng bá các sản phẩm này đến các khu vực tập trung đông du khách quốc tế trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương nói: “Ở Hội An, cái dư thì dư rất nhiều nhưng cũng có một số sản phẩm du lịch rất phù hợp với thị hiếu du khách thì lại bỏ trống. Mọi người hay thấy cái gì “hot”, du khách chuộng thì lao vào kinh doanh mà thông thường thì vòng đời sản phẩm lúc đó đã chuyển sang giai đoạn bão hòa chứ ít chịu khai phá tìm cái mới nên vòng lẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại”. Theo khảo sát của dự án JICA tại Quảng Nam, có đến 80% các sản phẩm lưu niệm tại Hội An không phải nguồn gốc từ địa phương, điều này dẫn đến sự nhạt nhòa của các quầy lưu niệm trong mắt du khách.

Thôi làm điểm đến “trung chuyển”?

Khách đến Quảng Nam có số ngày lưu trú rất thấp, chỉ dao động ở quanh ngưỡng 2 ngày đêm/khách từ hàng chục năm qua là một thực tế khiến người làm du lịch phải suy ngẫm. Ông Phan Xuân Anh - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng - du ngoạn Việt cho rằng, dòng khách Đông Bắc Á vào Quảng Nam thường đến, đi trong ngày hoặc cùng lắm chỉ lưu trú trong vòng một, hai đêm để dành nhiều thời gian hơn cho những điểm đến khác là bởi họ vẫn chỉ xem Hội An, Mỹ Sơn là điểm “trung chuyển” để tham quan chứ chưa mặn mà trong việc lưu trú.

Bà Trần Thị Quý Thanh - Quản lý Hội An Discovery Villa chia sẻ: “Gần đây tại Hội An thường xuyên có hiện tượng giảm sâu giá phòng để thu hút khách từ những đơn vị lưu trú một sao, hai sao, thậm chí một số cơ sở villa cao cấp không có nguồn khách hàng ổn định, khiến cả hệ thống lưu trú lao đao theo và chất lượng phục vụ có nguy cơ giảm xuống khi mức giá quá thấp so với dịch vụ sử dụng”. Có thể thấy khi các chủ thể hoạt động du lịch chưa tìm được tiếng nói chung, rất khó để hướng đến sự bền vững.

Ở một góc nhìn khác, bà Phạm Thị Hồng Trang - đại diện Tập đoàn Thiên Minh khu vực miền Trung cho hay, các nguồn kết nối khách châu Âu đến Việt Nam của tập đoàn Thiên Minh hiện rất ổn định bởi ngoài hệ thống khách sạn thì đơn vị còn có dịch vụ lữ hành bài bản.

“Thời gian qua, khách châu Âu lưu trú lại Hội An trong khách sạn của đơn vị chúng tôi trung bình khoảng 3 đêm. Sắp tới đây, chúng tôi dự định sẽ giữ chân họ trong hành trình đến Quảng Nam từ 7 - 10 ngày một khi đưa dự án TUI Blue ở Núi Thành đi vào hoạt động, nhưng vấn đề là họ ăn gì, chơi gì, mua sắm gì trong ngần ấy thời gian, nhất là khu vực phía nam nơi sản phẩm vốn còn rất sơ sài. Đó cũng là một phần lý do mà tập đoàn Thiên Minh quyết định đồng hành với huyện Tiên Phước để phát triển thêm sản phẩm du lịch” - bà Trang nói.

QUỐC TUẤN