Hạnh bố thí - của cho và cách cho
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy kinh tế, làm ảnh hưởng xấu đến công ăn, việc làm của rất nhiều người, rất nhiều gia đình. Để chia sẻ, rất nhiều người ở mọi miền phát tâm làm từ thiện, tặng lương thực, thực phẩm cho người gặp khó khăn. Nhà nước quyết định chi hàng chục ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động mất việc làm… Những việc làm đó đã góp phần không nhỏ trong việc bình ổn trật tự xã hội, mang lại nhiều lợi lạc cho kẻ khốn cùng.
Tuy vậy từ đây cũng nảy sinh nhiều tranh cãi về của cho, cách cho, sau sự kiện một em gái ở TP.Hồ Chí Minh bị nhóm từ thiện phát gạo qua cây ATM từ chối, vì… bị tình nghi gian dối.
Tự điển Hán - Việt của học giả Đào Duy Anh định nghĩa hành vi “đem của cải cho người khác”, gọi là bố thí. Bố là bày ra, ban rộng ra, trải đều ra - ban bố, phân bố, bày binh bố trận... Thí còn đọc một âm khác là Thi, nghĩa là thực hiện, áp dụng… Từ đó, bố thí hàm nghĩa làm cho trải rộng ra, phân chia cùng khắp hay ý nghĩa bóng bẩy hơn là chia sẻ, san sẻ… cho người yếu thế hơn mình.
Trong kinh điển Phật giáo, bố thí là một trong 6 hạnh của bồ tát. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-khưu, có ba phước nghiệp sự này. Đó là: phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác thành, và phước nghiệp sự do tu thiền tác thành”. Trong Tự điển Phật học, Hòa thượng Thích Minh Châu phân chia bố thí gồm 7 loại, trong đó “bố thí tài vật - giúp đỡ người thiếu thốn với của cải vật chất” - là việc nhiều người đã và đang làm trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Ngoài ra Hòa thượng còn đưa vào mục từ “Bố thí không trú tướng”, được giải thích: “Khái niệm rút ra từ kinh Kim Cương. Người bố thí giữ tâm hoàn toàn bình đẳng, không phân biệt, không chấp vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không chấp vào tướng mình bố thí, tướng người được bố thí, và vật bố thí. Kinh Kim Cương cho rằng, bố thí không trú tướng là lối bố thí hoàn thiện nhất và công đức vô lượng”. Cách bố thí theo Hòa thượng Thích Minh Châu chú giải trên, trong giới thiện nguyện xã hội hay gọi nôm na: “Của cho (không bằng) cách cho”.
Trong cuốn “Cuộc đời Đức Phật” có đoạn Đức Phật trò chuyện với trưởng giả Cấp Cô Độc. Trả lời câu hỏi về bố thí của Đức Thế tôn, trưởng giả nói: “Nhà con bây giờ cũng thường bố thí. Nhưng thức ăn uống xấu tệ, không bằng lúc thường”. Đức Thế tôn bảo: “Nếu lúc bố thí, hoặc tốt hay xấu, dù nhiều hay ít mà không dùng tâm ý, cũng không phát nguyện, lại không có lòng tin, nên do quả báo của việc làm này mà sanh ra không ăn không được ngon; ý không vui, quần áo đẹp mặc không thấy đẹp, tâm không vui ngũ dục... Vì sao thế? Chính vì trong lúc bố thí không dụng tâm, nên chịu quả báo này”.
Bản chất cách bố thí không trú tướng, trong Phật pháp vốn ăn sâu trong nếp nghĩ của người phật tử. Điều đó giải thích vì sao dư luận ném búa rìu vào nhóm thiện nguyện ATM gạo, từ chối tặng gạo cho một em gái, trong một đoạn phim ngắn, được đưa lên mạng xã hội. Thậm chí quá khích đến mức, nhiều lời đe dọa đã gửi đến tác giả phương thức thiện nguyện này, và anh phải cầu cứu đến cơ quan chức năng.
Triết gia Krishnamurti (Ấn Độ) nhìn bố thí ở một cảnh giới khác. Ông cho rằng: “Tiên khởi của việc giúp người, chính là giúp mình”. Có nghĩa, giúp người, là thỏa mãn cái tâm từ bi; ít nhất tâm ta cũng vui trước. Trong “Lịch sử văn minh Ấn Độ”, học giả Will Durant có viết: “Đối với đại đa số người Ấn Độ, sau khi làm xong ba việc lớn trong đời (xây ngôi nhà cho mình, lập gia đình, dựng vợ gả chồng cho con cái), nhiều người lui về với cuộc sống tâm linh. Có những thương nhân thành đạt, bỏ hết mọi lạc thú ở đời, tìm đến dãy núi tuyết (Hymalaya) tu tập, tìm kiếm chân lý cuộc sống. Trong số này có người theo trường phái khất thực, lang thang khắp nơi “xin ăn”. Theo họ, việc làm này công đức vô lượng vì họ mang ơn phước đến cho người bố thí; tạo điều kiện cho họ “dọn mình” ở kiếp sau sống đời sống sung sướng hơn”.
Chỉ số làm việc thiện World Giving Index (WGI), do Charities Aid Foundation (CAF) khảo sát hằng năm ở 120 nước cho biết, người dân Myanmar đứng đầu thế giới, với gần 92% dân số sẵn lòng bao dung, chia sẻ với tha nhân... Và Thái Lan xếp hạng cách đó không xa. Cả hai nước này đều lấy Phật giáo làm quốc giáo, phần lớn người dân là Phật tử.
Đạo Phật quan niệm, hạnh bố thí là nền tảng của các nghiệp lành, thiện duyên, giúp con người dẹp bỏ được tham lam, sân hận, si mê. Pháp môn này, ai cũng thực hành được. Tuy vậy muốn thực hành cho đến mức độ cao thâm, rốt ráo tột cùng, như quan niệm của người Ấn Độ thì không phải nhiều người dễ đã hiểu được chân giá trị đó.