Chọn lọc không gian cho du lịch nông nghiệp

HÀ SẤU 17/05/2020 06:29

Sở hữu nhiều làng mạc, cảnh quan đặc trưng đậm chất nông nghiệp, nông thôn nên cơ hội phát triển loại hình du lịch nông nghiệp ở Quảng Nam rất rộng mở. Tuy vậy chỉ nên tính toán, chọn lọc một vài điểm đến hội tụ đủ yếu tố thuận lợi nhất để tránh rơi vào cảnh đìu hiu du khách cũng như trùng lặp sản phẩm.

Du lịch nông nghiệp là loại hình được du khách châu Âu ưa chuộng. Ảnh: H.S
Du lịch nông nghiệp là loại hình được du khách châu Âu ưa chuộng. Ảnh: H.S

Đánh thức tiềm năng

Có thể nói, sản phẩm du lịch nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh chính là làng rau Trà Quế, nó nhanh chóng tạo được ấn tượng ấn tượng đẹp với du khách và đến nay vẫn là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng khi nhắc đến du lịch Hội An. Ở ven đô Hội An còn rất nhiều làng quê khác hội tụ nhiều tiềm năng có thể phát triển du lịch nông nghiệp và thực tế đã có một thời gian ngắn được du khách ưa chuộng nhưng lại nhanh chóng rơi vào cảnh đìu hiu như: Cẩm Kim (Hội An), Triêm Tây (Điện Bàn), Trà Nhiêu (Duy Xuyên)…

Ngay chính bản thân “sản phẩm” làng rau Trà Quế cũng đã bị phai nhạt nhiều trong thời gian qua dẫn đến việc TP.Hội An phải tổ chức làm mới, vực dậy hồi đầu năm. PGS-TS. Phạm Trung Lương - Viện Du lịch bền vững Việt Nam nhận định, tất cả sản phẩm du lịch đều có vòng đời, ngay cả làng rau Trà Quế cũng vậy, nó đã đi qua giai đoạn hưng thịnh và bắt đầu bão hòa nên buộc phải làm mới nếu không sẽ dần bị thải loại.

Ông Đỗ Đình Cương - chuyên gia du lịch gợi mở, ngoài các quy trình nông nghiệp căn bản, đặc trưng của điểm đến, nên chăng những người làm du lịch cần tìm tòi, đưa vào thêm dịch vụ mới gắn với nhu cầu của khách, đơn cử như ở Trà Quế có thể nghiên cứu dịch vụ massage, vật lý trị liệu với chất liệu từ… rau.

Tại Hội An hiện nay, cả nhà quản lý lẫn các doanh nghiệp đều đánh giá Cẩm Kim chính là vùng đất hứa hẹn nhất để phát triển du lịch nông nghiệp. Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam cho rằng: “Điều cốt lõi để phát triển du lịch nông nghiệp ở đây là phải giữ cho được nét đẹp nguyên sơ của Cẩm Kim. Chúng ta cần dựa vào vườn cau, con trâu, bụi chuối để gây dựng các dịch vụ chứ không phải bê tông hóa nó”.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin, thành phố đang tập trung xây dựng dự án “ngôi làng hạnh phúc” ở Cẩm Kim. Sắp tới địa phương sẽ khai thông, tổ chức lại nhà rường, vườn cây, đồng ruộng, kênh lạch… ở đó để phát triển du lịch theo hướng sinh thái, nông nghiệp.

Phát triển có chọn lọc

Với các điểm đến xa di sản Hội An, rõ ràng tồn tại nhiều khúc mắc trong việc thu hút khách dẫu không ít các làng quê sở hữu cảnh quan hữu tình cùng nhiều hoạt động nông nghiệp đặc sắc. Theo nhìn nhận của những người làm du lịch, làng Đại Bình (Nông Sơn), làng Lộc Yên (Tiên Phước) và vùng phụ cận của khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên) là những khu vực hội tụ được nhiều yếu tố để có thể phát triển du lịch nông nghiệp.

Làng rau Trà Quế cần cải tiến thêm sản phẩm du lịch nông nghiệp để thu hút du khách. Ảnh: H.S
Làng rau Trà Quế cần cải tiến thêm sản phẩm du lịch nông nghiệp để thu hút du khách. Ảnh: H.S

Theo chuyên gia Đỗ Đình Cương, nền tảng của du lịch nông nghiệp là du lịch cộng đồng nên nếu phát triển du lịch nông nghiệp thuần túy sẽ rất khó thu hút du khách mà phải đặt trong không gian của du lịch cộng đồng.

“Về nguyên tắc, khu vực nông thôn nào cũng có thể tổ chức du lịch nông nghiệp, nhưng nếu lựa chọn địa điểm không phù hợp thì sẽ rất khó hút khách. Tiêu chí khả năng tiếp cận và liên kết tour, tuyến du lịch hiện có rất quan trọng và nếu điểm đến nào đáp ứng được 2 tiêu chí trên thì cần ưu tiên phát triển” - ông Cương gợi mở.

Với điểm đến Lộc Yên, ông Lê Ngọc Thuận cho rằng, điều quan trọng nhất trong phát triển du lịch tại làng cổ này là tư duy chứ không phải tiền. “Ngay từ ban đầu chúng ta nên chia nhóm các hộ ra, hộ nào phát triển trình diễn nghệ thuật, hộ nào làm nông nghiệp hữu cơ, hộ nào tham gia chợ làng quê rồi spa, minimart… chứ không định hướng để giẫm chân nhau thì rất khó phát triển”.

Còn ông Nguyễn Phước Hùng - Tổ trưởng Tổ du lịch làng cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên) chia sẻ, quanh di sản Mỹ Sơn có nhiều địa điểm đặc sắc có thể phát triển du lịch nông nghiệp được và chúng tôi cũng có lên kế hoạch xây dựng tour 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm để khách khám phá làng Đại Bình, suối nước nóng Sơn Viên, leo núi xem rừng dầu rái… tuy nhiên để phát triển được thì vẫn phải chờ sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng và nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp để kết nối khách ở lại đây lâu hơn.

HÀ SẤU