Hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng Covid-19: "Khoảng hở" từ chính sách đến thực tế

DIỄM LỆ 16/05/2020 06:22

Việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được các ngành, địa phương khẩn trương thực hiện. Những quy định về điều kiện hỗ trợ khá chi tiết song thực tế có nảy sinh khó khăn trong quá trình rà soát, xác định người thuộc diện được hỗ trợ ở nhóm lao động (LĐ) bị mất việc làm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Nghị quyết 42, Quyết định 15), Quyết định 1214 của UBND tỉnh.

Người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đang rất trông chờ gói hỗ trợ. Ảnh: D.L
Người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đang rất trông chờ gói hỗ trợ. Ảnh: D.L

CHI TIẾT NHƯNG KHÓ THỰC HIỆN

Việc quy định các nhóm đối tượng cần được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 một cách chi tiết nhưng việc áp vào thực tế vẫn có một số “khoảng hở”.

Khó xác định người hưởng

Trong các nhóm người được hưởng trợ cấp khó khăn, dễ thực hiện nhất là nhóm người có công, bảo trợ xã hội trong cộng đồng, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Khó xác định nhất là nhóm LĐ không có hợp đồng LĐ bị mất việc làm. Nhiều ý kiến của các địa phương cho rằng việc quy định chi tiết nhóm ngành nghề được hỗ trợ trên tinh thần của Nghị quyết 42 cũng như Quyết định 1214 của UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định người bị ảnh hưởng để lập danh sách. Tuy nhiên, dù chi tiết thế nào vẫn còn một số trường hợp đáng được hưởng chính sách do tác động rõ ràng nhất của dịch bệnh thì lại không thuộc nhóm hỗ trợ.

Băn khoăn nảy sinh từ cơ sở, qua quá trình rà soát đã xuất hiện. Ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng (Tam Kỳ) cho biết: “Người dân Tam Thăng sống bằng nghề nông nghiệp nhưng lại gặp thời tiết khắc nghiệt nên họ mở thêm việc bán buôn nhỏ lẻ, bán hàng rong, quán ăn, giải khát, dịch vụ bốc vác... Các hoạt động này bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên bị tạm dừng, thu nhập mất đi. Nhưng điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 15 phải là LĐ thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, nên nhóm này không thể được hỗ trợ. LĐ tự do mất việc làm trên địa bàn xã nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng chỉ có một số ngành nghề được hỗ trợ nên nảy sinh tâm lý so bì trong nhân dân”.

Chi tiết thành khó

Rất nhiều địa phương đã thắc mắc rằng, khi thực hiện Quyết định 15, tỉnh đã có chủ trương dừng một số hoạt động như khu vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, internet công cộng, trò chơi điện tử, mát-xa, rạp chiếu phim, spa, thẩm mỹ, bãi tắm công cộng, nhà hàng tiệc cưới... nên người LĐ làm việc ở các cơ sở dịch vụ này phải nghỉ việc. Như trên địa bàn TP.Tam Kỳ, TP.Hội An thì các dịch vụ này phát triển mạnh, nên số lượng LĐ bị ảnh hưởng khá nhiều. Nhưng họ lại không thuộc nhóm được hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ bắt đầu đến với người dân. Ảnh: D.L
Chính sách hỗ trợ bắt đầu đến với người dân. Ảnh: D.L

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Nghị quyết 42 được người dân rất trông chờ, vì đây chính sách nhân văn, chia sẻ với người dân trong lúc khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng khi triển khai ở cơ sở, nhiều tiêu chí, điều kiện ràng buộc nên chắc chắn sẽ “gói lại” một số đối tượng được hỗ trợ mà thôi. Việc thực hiện chặt chẽ từ triển khai đến giám sát, nhưng quy định đã khiến người thực hiện rà soát, giám sát gặp khó. Những người làm việc trong các quán ăn nhỏ lẻ, nấu ăn tiệc cưới, tổ sản xuất gia công tại nhà... không có đăng ký kinh doanh, không thuộc nhóm hỗ trợ nên họ cũng thắc mắc. Huyện kiến nghị cần bổ sung một số nhóm LĐ có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng của Quyết định 15”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ điều băn khoăn mà các cấp công đoàn kiến nghị đến LĐLĐ, rằng quy định nhóm ngành nghề quá chi tiết ở 6 nhóm đối tượng, nên khi áp vào thực tế không phù hợp, khiến cơ sở lúng túng, khó triển khai thực hiện. Ở ngành du lịch thì những người làm nghề ghe bơi, đan thúng, giữ xe ở bãi biển bị mất việc làm. Nhóm người như giáo viên hợp đồng ở các trường mầm non, tiểu học và các trường tư thục, nhân viên cấp dưỡng, các nhóm trẻ gia đình, người giúp việc gia đình... Khi dịch bệnh đến, họ cũng bị nghỉ việc nhưng giờ lại không được hỗ trợ thì không công bằng cho họ.

LĐ làm việc cho các hộ kinh doanh không quy định rõ là hộ kinh doanh đó cần điều kiện đăng ký kinh doanh hay không nên không xác định đối tượng thuộc diện hỗ trợ hay không, như người làm cho các dịch vụ nấu ăn tiệc cưới không đăng ký kinh doanh, LĐ phục vụ cho các quán ăn nhỏ lẻ. LĐ làm việc ở ngành chăm sóc sức khỏe được hỗ trợ, như thế các địa phương rất lúng túng rằng người làm trong cơ sở thẩm mỹ, mát-xa, spa có phải là LĐ ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hay không để xác định đối tượng hỗ trợ.

VỪA LÀM VỪA GỠ RỐI

Tinh thần chung trong việc hỗ trợ người dân là thực hiện ngay đối với nhóm dễ xác định, và xác lập danh sách người LĐ, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng để hỗ trợ nhanh nhất. Trong chuyến kiểm tra thực hiện Nghị quyết 42 của Bộ LĐ-TB&XH tại tỉnh vào ngày 13.5, nhiều kiến nghị đã được gửi đến Bộ LĐ-TB&XH.

Hỗ trợ kịp thời

Đến nay, Quảng Nam là một trong 15 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện Nghị quyết 42, đưa chính sách đến với nhân dân sớm nhất. Những nhóm dễ xác định danh sách gồm người có công, người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội trong cộng đồng đã được hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể và các địa phương đều đang thực hiện chi trả. Trên cơ sở Nghị quyết 42 cũng như Quyết định 15, tỉnh đã ban hành Quyết định 1214 và có kế hoạch thực hiện cụ thể, giao trách nhiệm cho từng ngành, địa phương đối với từng nhóm người theo quy định. Địa phương rà soát, thực hiện sẽ sát với từng trường hợp, nếu  phát sinh vướng mắc sẽ kịp thời báo cáo về UBND tỉnh, để tỉnh có kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương sớm nhất, làm sao chính sách đến với người dân nhanh nhất.

Trong cuộc làm việc với đoàn kiểm tra Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho biết: “Tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, gồm các ngành của tỉnh cùng vào cuộc kiểm tra các huyện thị, thành phố đang thực hiện hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ ngày 15.5 sẽ bắt đầu rà soát, xác nhận nhóm LĐ bị mất việc làm, ảnh hưởng, nên các ngành, địa phương phải làm việc cật lực để thực hiện xác lập danh sách. Có vấn đề gì vướng mắc thì tỉnh sẽ hỏi ngay Bộ LĐ-TB&XH, đề nghị bộ trả lời nhanh để địa phương thực hiện. Khả năng từ thực tế của tỉnh thì có những nhóm đối tượng đáng ra được hưởng nhưng chưa thể hỗ trợ do không có trong Quyết định 15, thì đề nghị Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Chính phủ có nghiên cứu chính sách để đảm bảo tính công bằng cho người dân”.

Đảm bảo nguyên tắc đúng và trúng

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh và một số xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), Tam Hiệp (huyện Núi Thành), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đã giải đáp một số thắc mắc của các địa phương.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, khi xây dựng dự thảo chính sách, Bộ LĐ-TB&XH tính từ 23.1.2020 - thời điểm đầu tiên có dịch bệnh xâm nhập Việt Nam, các hoạt động bắt đầu phải đình trệ. Nhưng qua nhiều công đoạn góp ý, hoàn chỉnh, thời gian hỗ trợ là vấn đề được bàn tính nhiều nhất, và cuối cùng thống nhất chọn ngày 1.4 là vào thời điểm giãn cách xã hội bắt đầu. Đối với kiến nghị về ngành nghề được hỗ trợ, Quyết định 15 đã giao các tỉnh, thành phố quy định ngành nghề nào thực sự bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì UBND tỉnh quy định cụ thể, tùy vào nguồn ngân sách hỗ trợ của địa phương, nhưng không trái quy định tại Quyết định 15. Đối với nhóm giáo viên mầm non, trường tư thục, nhân viên cấp dưỡng sẽ được hỗ trợ nếu trường mầm non, tư thục đó hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh được đăng ký với Sở KH-ĐT, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đối với người LĐ của địa phương làm việc tự do, cư trú ở nơi khác hoặc từ nơi khác đến địa phương đăng ký tạm trú thì LĐ cần có đơn và được xác nhận sẽ nhận hỗ trợ ở đâu, nhằm tránh trùng lắp nhận chế độ 2 lần ở hai địa phương tạm trú và thường trú.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu: “Chúng tôi thành lập nhiều đoàn đi làm việc với các địa phương là để ghi nhận vướng mắc, khó khăn nhằm kịp thời hướng dẫn thực hiện. Khó khăn nào vượt quá thẩm quyền, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp và có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ xem xét. Trước mắt, Quảng Nam đã thực hiện tốt đợt chi trả đầu tiên. Đợt tiếp theo, tỉnh cần rà soát cẩn thận, đảm bảo nguyên tắc đúng và trúng đối tượng, không để sót đối tượng theo quy định, không để nảy sinh khiếu nại khiếu kiện, trục lợi khi thực hiện chính sách. Đối tượng nào chắc chắn, đúng, thì địa phương liên tục thực hiện việc lập danh sách, xác nhận và chi trả, không nhất thiết phải chờ đủ mới đề nghị hỗ trợ. Chính sách này nhằm hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nên càng sớm càng tốt, để trễ sẽ mất ý nghĩa hỗ trợ của chính sách”.

KHÔNG DỄ TIẾP CẬN HỖ TRỢ

Những quy định chặt chẽ để được nhận hỗ trợ lại khiến nhiều doanh nghiệp, LĐ khó tiếp cận.

Chính sách hỗ trợ là phao cứu sinh giúp hộ khó khăn. Ảnh: D.L
Chính sách hỗ trợ là phao cứu sinh giúp hộ khó khăn. Ảnh: D.L

Khó cả với LĐ có hợp đồng

Theo quy định, người LĐ có hợp đồng được doanh nghiệp lập danh sách đề nghị địa phương hỗ trợ. Điều kiện bắt buộc gồm: thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng LĐ, từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1.4 đến hết ngày 30.6 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1.4.2020 đến ngày 1.6.2020; Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31.3.2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.  

Nói như bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thì các quy định điều kiện hỗ trợ đã “trói chân” doanh nghiệp, khiến họ khó tiếp cận với chính sách hỗ trợ cho LĐ của họ. Bà Ánh nói: “Trong các điều kiện quy định, có điều kiện là doanh nghiệp hết quỹ tiền lương, mất khả năng chi trả, không còn quỹ dự phòng; nếu vậy thì thực sự họ đã “chết yểu” mất rồi, còn đâu nữa mà đề nghị hỗ trợ. Nên điều kiện này ràng buộc doanh nghiệp, khiến người LĐ sẽ bị ảnh hưởng theo”.

Cơ quan tham mưu cũng bối rối

Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15, ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho rằng khi nghiên cứu các quy định, tham mưu UBND tỉnh soạn thảo, ban hành Quyết định 1214 thực hiện Nghị quyết 42 trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng thấy thắc mắc. Theo ông Triều, các yêu cầu người được hưởng đều phải hội đủ tất cả điều kiện, nên sẽ có ít người được hưởng, mặc dù thực tế họ bị ảnh hưởng. Nhóm LĐ thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng LĐ hoặc nghỉ không lương thì điều kiện để họ được hỗ trợ là doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương sau khi đã kiểm tra, kiểm soát tất cả khoản tài chính của DN. Đây là quy định chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách nhưng sẽ khiến LĐ khó được hưởng. Kể cả nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ có doanh thu không cao nên họ không có đăng ký thuế, không có thông báo thuế, thì lấy đâu ra thông báo thuế để kèm theo mà đề nghị được hỗ trợ.

Ông Triều cho biết: “Quy định điều kiện hỗ trợ cho LĐ làm việc tại doanh nghiệp tưởng dễ mà không dễ thực hiện. Ngoài những điều đã nói ở trên, quy định này còn bất cập vì các đối tượng khác làm việc theo chế độ hợp đồng tại cơ sở giáo dục, hợp tác xã và các tổ chức khác đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng lại không được hỗ trợ. LĐ làm việc ở lĩnh vực du lịch, chăm sóc sức khỏe thì địa phương lúng túng trong thực hiện khi thẩm định vì không có danh mục công việc cụ thể nên khó xác nhận để hỗ trợ. Nếu làm không đúng thì sẽ nảy sinh khiếu nại khiếu kiện, địa phương chịu trách nhiệm nếu có sai sót, nên đến nay việc rà soát, thẩm định vẫn rất lúng túng”.

LAO ĐỘNG DU LỊCH THIỆT THÒI

Khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng và tác động đến kinh tế, một số địa phương phát triển du lịch bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nhất. Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 42, LĐ ngành du lịch đứng trước nguy cơ thiệt thòi.

Ràng buộc về thời gian hỗ trợ

Dịch bệnh bắt đầu xâm nhập TP.Hội An từ tháng 2.2020, nên cũng từ đó quán xá, nhà hàng, doanh nghiệp du lịch bắt đầu ngưng trệ và đóng cửa, LĐ bị mất việc làm. Tại đảo Cù Lao Chàm, người dân sinh sống chủ yếu bằng những nghề phục vụ du lịch. Du lịch đình trệ, người dân cũng mất đi sinh kế, nhà hàng, quán xá, homestay đóng cửa. LĐ bị mất việc làm, chỉ biết chờ cho dịch bệnh qua đi.

Ông Huỳnh Giang Chín - chủ hộ kinh doanh ở thôn Bãi Làng (xã Tân Hiệp) nói: “Hộ kinh doanh thì bình thường làm ăn đã có tích cóp, nên nghỉ vài ba tháng chắc cũng không đến nỗi nào. Như tôi có quán ăn, bán nước uống, có homestay, khi du lịch ngừng thì tôi cũng phải ngừng hoạt động tất cả. Tôi bị ảnh hưởng nhưng có thể cầm cự. Nhà nước có nguồn lực hỗ trợ thì tốt quá, nhưng không có cũng không sao. Tôi chỉ mong rằng người LĐ làm việc cho những quán xá ở đảo có thể được nhận nguồn hỗ trợ, bởi LĐ mà mất việc làm là mất đi sinh kế, đời sống họ rất khó khăn”.

Theo quy định của Quyết định 15, LĐ chỉ được hỗ trợ khi mất việc làm từ ngày 1.4 đến ngày 30.6.2020. Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An cho biết: “Chính quy định về thời gian này đã khiến LĐ du lịch bị thiệt thòi. Ở Hội An, khi dịch bệnh xâm nhập cũng là lúc LĐ bị ảnh hưởng, các ngành nghề du lịch, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch bị tác động nặng nề do phải đóng cửa từ tháng 2. Nhiều LĐ bị mất việc trước đó thực tế là hơn 3 tháng (tháng 2, 3, 4), nhưng có thể họ chỉ được hỗ trợ 1 tháng là tháng 4.2020. Kể cả hộ kinh doanh phục vụ du lịch, cũng sẽ chỉ được hỗ trợ 1 tháng 4.2020 nếu tháng 5.2020 họ mở cửa đón khách trở lại, LĐ được đi làm lại.  Có lẽ chỉ có một số ít người được hỗ trợ đủ 3 tháng ngừng việc nếu tháng 5, 6 họ chưa đi làm lại”.

Cần thiết xem xét

Các sở, ngành thực hiện, giám sát thực hiện chính sách cũng rất băn khoăn, kiến nghị cần bổ sung, xem xét về thời gian LĐ bị mất việc làm để hỗ trợ. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Đối với du lịch bị ảnh hưởng sớm, từ đầu năm đã diễn ra rồi nên LĐ bị tác động sớm. Tỷ lệ khách châu Âu đến Hội An lớn, khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì Hội An bị ảnh hưởng nặng nề về du lịch. Đối với tỉnh thì từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 thì đã yêu cầu các cơ sở lưu trú tạm dừng, nên LĐ phải nghỉ việc. Chính vì thế, bây giờ hỗ trợ từ 1.4 thì một lượng lớn LĐ phải nghỉ việc từ trước đó không được hỗ trợ là thiệt thòi cho họ”.

Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cũng băn khoăn về thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ: “Khoản 1 Điều 1 Chương I Quyết định 15, quy định thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1.4 đến ngày 1.6. Nhưng hầu hết doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, dệt may, da giày và các ngành bị ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc đã phải thỏa thuận với người LĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ tháng 2.2020. Người LĐ ở các DN này thực sự bị ảnh hưởng nặng nề nhưng lại không được hỗ trợ đủ thời gian mất việc thực tế. Quy định về thời gian này đã gặp nhiều thắc mắc của cơ sở, doanh nghiệp nhưng chúng tôi cũng chỉ căn cứ vào quy định để trả lời, không thể thoát ly khỏi quy định được. Vì thế cần thiết xem xét, kiến nghị điều chỉnh quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người LĐ”.

DIỄM LỆ