Triển khai gói hỗ trợ Covid-19: Mặt trận vào cuộc giám sát
Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã và đang vào cuộc bằng nhiều hình thức để thực hiện hoạt động giám sát song song với việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 của các cấp chính quyền.
Giám sát ngay từ đầu
Căn cứ Hướng dẫn số 27 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Công văn 342 để chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận cấp dưới triển khai việc giám sát chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, về đối tượng và phạm vi giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị, Mặt trận cấp huyện tổ chức giám sát UBND cùng cấp và cấp xã thưc hiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng thụ hưởng: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thực hiện tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng sinh sống tại địa phương.
Bà Lê Thị Như Thủy - Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, trước mắt Mặt trận tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra việc vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn ủng hộ phòng chống dịch, vừa kiểm tra công tác thực hiện giám sát chính sách hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với một số Mặt trận cấp dưới. Việc tổ chức đoàn giám sát độc lập về thực hiện Nghị quyết 42 do Mặt trận tỉnh chủ trì, dự kiến sẽ được thực hiện sau đó.
Mặt trận cấp xã được đề nghị chủ trì giám sát UBND cùng cấp đối với các đối tượng: hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh; người lao động bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương.
Để nâng cao hiệu quả giám sát, Mặt trận cấp huyện cần hỗ trợ cấp xã về kỹ năng giám sát, hoặc trực tiếp giám sát một số nội dung, đối tượng thuộc phạm vi giám sát của cấp xã đối với những địa phương không đủ năng lực giám sát. Ngoài việc cử đại diện tham gia các tổ công tác do UBND cùng cấp thành lập, Mặt trận các cấp chủ động thành lập các đoàn giám sát độc lập với sự tham gia của một số tổ chức thành viên và ngành LĐ-TBXH.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, điểm đáng lưu ý là Ban Thường trực đã chỉ đạo cụ thể việc giám sát phải thực hiện ngay từ đầu - từ khâu rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng. Theo đó, Mặt trận chủ động đề nghị UBND cùng cấp thông tin cụ thể về kế hoạch rà soát, lập danh sách. Phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận giám sát và động viên người dân ở khu dân cư giám sát, nhất là việc niêm yết công khai đối tượng thụ hưởng tại nhà sinh hoạt thôn, tổ dân phố và trụ sở UBND cấp xã. Sau khi danh sách đối tượng thụ hưởng được UBND cấp trên phê duyệt, Mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp tục giám sát kỹ việc thực hiện chi trả.
Cơ sở vào cuộc
Tại khối phố Mỹ Hòa (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ), thực hiện rà soát đối tượng bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trước khi có Nghị quyết 42, khối phố chỉ đạo 13 tổ đoàn kết tiến hành phát phiếu cho người dân kê khai, kết quả thu được hơn 182 tờ khai. Nhiều người chưa được phát phiếu cũng chủ động đến xin mẫu tờ khai để tiến hành kê khai.
Ông Nguyễn Trọng Tuệ - Khối phố trưởng khối phố Mỹ Hòa thừa nhận, địa bàn rộng, dân cư đông, nên việc nắm bắt cụ thể, chính xác từng hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 chỉ ở mức tương đối. Việc rà soát chỉ làm cơ sở bước đầu, tiếp theo đó phường sẽ tiếp tục thực hiện các bước sàng lọc, xác minh nhằm chọn đúng đối tượng hỗ trợ.
“Trong quá trình rà soát, chúng tôi cũng phát hiện một số trường hợp khai báo không trung thực nên đã loại ra ngoài danh sách” - ông Tuệ chia sẻ.
Trong khi đó, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khối phố Mỹ Hòa - ông Huỳnh Kim Xuân cho biết, khối phố đã tổ chức họp, rà soát, xác minh đối tượng theo danh sách các tổ đoàn kết lập, trước khi báo cáo lên phường.
Ông Phạm Hoàng Đức - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ cho rằng, cấp trên chỉ đạo giám sát ngay từ đầu việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vấn đề trong triển khai chính sách. Bởi nếu chờ đến khi thực hiện hỗ trợ, phát sinh các vấn đề mới vào cuộc giám sát thì lúc đó chỉ giải quyết phần ngọn.
Theo đó, Mặt trận thành phố đã sớm quán triệt hệ thống Mặt trận cơ sở bám sát hướng dẫn của trung ương và kế hoạch triển khai của chính quyền để nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức việc giám sát quá trình thực hiện gói hỗ trợ an sinh tại địa phương mình.
Riêng Mặt trận thành phố, ngoài việc cử cán bộ tham gia các tổ công tác do UBND thành lập, thì sẽ lập riêng 1 đoàn giám sát độc lập do Mặt trận chủ trì để giám sát các nội dung theo hướng dẫn, chỉ đạo của Mặt trận cấp trên. Trong đó, với nhóm đối tượng người lao động thực hiện tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương, Mặt trận sẽ giao Liên đoàn Lao động thành phố chủ công giám sát.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thư – Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Trà My, để việc giám sát có hiệu quả, Mặt trận và các tổ chức thành viên cần nắm chắc tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện việc rà soát, lập danh sách.
Trong khi đó, ông Huỳnh Năm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức cho rằng, việc giám sát phải đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng Covid-19, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân phản ánh với cấp ủy và chính quyền…