"Sóng ngầm" lại nổi
Một vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đặc biệt nghiêm trọng nữa lại xảy ra, lần này là sông Thu Bồn, đoạn chảy qua gần cầu Cửa Đại.
Trước đó, chiều 25.2.2020, nước sông Vu Gia chảy qua địa phận thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường (Đại Lộc) dậy sóng làm lật ghe gia dụng đang chở 10 người đã khiến cho 6 người chết. Chưa đầy hai tháng rưỡi sau, vào buổi chiều 8.5, một chiếc ghe công suất nhỏ chở 11 người đang từ bờ Hội An trở về bờ xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) thì bị lật úp ở sông Thu Bồn khiến 5 người tử nạn.
Điểm chung của 2 vụ tai nạn đều đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân vụ việc chưa có kết luận cuối cùng, song cũng phải khẳng định cả 2 phương tiện vừa nêu được sử dụng không phải là dịch vụ chở khách.
Một lần nữa, hồi chuông cảnh báo về nguy cơ xảy ra vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại khi mà người dân dùng phương tiện gia dụng chở người xuất hiện nhan nhản tại các sông, suối, lòng hồ thủy điện, thủy lợi.
Một điều dễ nhận thấy là phương tiện thủy thô sơ phần lớn do người dân, hoặc các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông. Phương tiện đưa vào hoạt động mang tính tự phát, đáp ứng nhu cầu đi lại sản xuất, đánh bắt thủy sản phục vụ đời sống người dân. Tuy nhiên, chủ nhân hay người sử dụng lại không trang bị áo phao hoặc thiết bị cứu sinh theo quy định lại khoản 3, Điều 24 và Điều 80 của Luật Giao thông ĐTNĐ.
Trong khi đó, pháp luật đã quy định phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên ĐTNĐ phải mang theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, kẻ, gắn biển số đăng ký, kẻ vạch dấu mớn nước an toàn.
Tuy nhiên, Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt còn quá nhẹ. Chẳng hạn, chỉ phạt tiền 100 - 200 nghìn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không mang theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; không đăng ký lại phương tiện theo quy định hoặc không khai báo để xóa tên hoặc không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; không kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện theo quy định; không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn.
Quy định xử phạt phương tiện gia dụng không có thiết bị an toàn, phao cứu sinh hoặc thiết bị cứu sinh chưa đủ sức răn đe. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với hành vi đưa phương tiện vào hoạt động mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ an toàn theo quy định. Chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao (không mang dụng cụ cứu sinh) cũng chưa có. Ngoài ra, hiệu lực, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đi cùng tuần tra kiểm soát, xử lý còn hạn chế, ít được coi trọng. Để rồi, “sóng ngầm” ĐTNĐ nổi lên với nhiều hệ lụy khôn lường.