Tạo đột phá hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo
Để có một môi trường khởi nghiệp sáng tạo sinh động và hiệu quả, thời gian qua Quảng Nam đã nỗ lực tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp có sức lan tỏa. Tuy nhiên, khởi nghiệp sáng tạo là cả một quá trình lâu dài, cần sự trợ sức hiệu quả và mang tính đột phá của cả xã hội.
Phát huy giá trị văn hóa
Quảng Nam chính thức khởi động chương trình khởi nghiệp vào tháng 1.2017 với việc thành lập Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (trước đây là tổ công tác) liên ngành - là đầu mối trực tiếp tham mưu UBND tỉnh thực hiện các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quảng Nam là địa phương thứ tư khu vực miền Trung - Tây Nguyên và thuộc nhóm đầu trong 52/63 tỉnh thành triển khai chương trình khởi nghiệp của Chính phủ.
Chương trình khởi nghiệp là một trong 8 sự kiện tiêu biểu của Quảng Nam
Sơ kết giai đoạn I (2017 - 2020), đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá chương trình khởi nghiệp là một trong 8 sự kiện tiêu biểu của Quảng Nam năm 2019. TS.Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng cho rằng Quảng Nam là địa phương thuộc nhóm đầu triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả. Đồng quan điểm, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhận xét mô hình triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp của Quảng Nam rất sáng tạo, phù hợp với xu thế và tinh thần khởi nghiệp. Khởi nghiệp Quảng Nam giai đoạn I (2017 - 2020) về đích trước một năm, nhiều chỉ tiêu vượt rất cao...
Ngày 18.12.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4396/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 – 2025 trên cơ sở tích hợp tất cả đề án của Chính phủ, chương trình khởi nghiệp thanh niên và sáng tạo, mở rộng hỗ trợ nông dân khởi nghiệp với định hướng xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, tập trung vào đối tượng thanh niên, học sinh các trường trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp toàn tỉnh; chú trọng nâng cao nhận thức và năng lực của phụ nữ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, gia tăng giá trị trong doanh nghiệp; lấy khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội... nhằm từng bước xây dựng Quảng Nam thành tỉnh khởi nghiệp vào năm 2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp, bình đẳng giới. Các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo là du lịch và thực phẩm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ nông nghiệp; nông nghiệp (bao gồm cả dược liệu), công nghệ thông tin - truyền thông và công nghiệp phụ trợ - cơ khí & tự động hóa.
Để đẩy mạnh và tăng tốc khởi nghiệp trong thời gian tới, Quảng Nam cần có cơ chế đặc thù, tập trung cam kết và hỗ trợ các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp. Trước hết, cần phát huy giá trị văn hóa Quảng Nam. Đây là giá trị cốt lõi, nền tảng để khuyến khích và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong xã hội, với định vị: Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trong thông điệp khởi nghiệp Quảng Nam cho rằng “Trong lịch sử hình thành, Quảng Nam - theo nghĩa rộng là đất mở về phương Nam, vâng mệnh vua tuyên dương đức hóa. Quá trình sinh sống, các thế hệ người dân xứ Quảng đã để lại trên mảnh đất này những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng biệt - vùng đất mở, luôn đổi mới, sáng tạo, canh tân…, là nơi văn hóa và là nơi nuôi dưỡng, phát triển, kết nối thành công ý tưởng sáng tạo”. Phải truyền đạt tinh thần khởi nghiệp biết vượt qua để thành công, đồng hành và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thất bại để họ tái khởi nghiệp. Cam kết của chính quyền và sự động viên của xã hội có ý nghĩa quyết định.
Cần hỗ trợ thiết thực
Trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo, nhóm cơ chế hỗ trợ đào tạo, tập huấn là rất quan trọng. Các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là chủ các ý tưởng/dự án khởi nghiệp về cơ bản thiếu rất nhiều kiến thức, kỹ năng để khởi nghiệp. Cần được quan tâm đào tạo, huấn luyện, thuê chuyên gia trong nước, quốc tế… ngay từ đầu; tránh nhiều rủi ro và giảm tỷ lệ thất bại. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp trong nước, quốc tế cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Đặc biệt, cần có chương trình xây dựng đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp tại chỗ mang tính bền vững. Nhóm cơ chế hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật và mạng lưới phục vụ hoạt động khởi nghiệp, trong đó quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của một số cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; nhiệm vụ tư vấn thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; không gian làm việc chung. Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng và phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp xã hội hóa, như trung tâm khởi nghiệp, hệ thống câu lạc bộ khởi nghiệp…
Cần tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo để kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm ở trong tỉnh, quốc gia, vùng, với khu vực và thế giới. Đặc biệt, đảm bảo tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh, huyện và tham gia các sự kiện khởi nghiệp tỉnh bạn, vùng, quốc gia, quốc tế. Kết nối là cơ hội ngàn vàng để phát triển khởi nghiệp. Không có kết nối, khởi nghiệp chỉ mang tính “ao làng”, trong lúc tính quốc tế của khởi nghiệp là yêu cầu và đòi hỏi cao. Ngoài ra, cần hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp để thành lập doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải luôn đổi mới để phát triển, gọi là tái khởi nghiệp. Khởi nghiệp phải luôn đổi mới. Đây là con đường để thành công. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thành tích xuất sắc, đạt thứ hạng cao tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, quốc gia, vùng hoặc quốc tế.
Cần đột phá, ưu tiên hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp được công nhận ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh hàng năm. Suy cho cùng, hệ sinh thái khởi nghiệp có thành công hay không, có hiệu quả cao đối với xã hội hay không chính là sự hình thành và phát triển dự án khởi nghiệp của địa phương. Họ là đối tượng đầu tiên được hưởng các cơ chế, chính sách về khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp. Tác giả/đồng tác giả các ý tưởng/dự án khởi nghiệp cấp tỉnh cần được đặc cách công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. Ý tưởng của họ chính là sáng kiến. Khen thưởng họ là động lực thiết thực, là khen đúng người, đúng việc... Ngoài ra, cần có cơ chế truyền thông để lan tỏa, khích lệ, truyền cảm hứng, giữ lửa khởi nghiệp. Xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công để nêu gương...