Lục huyền cầm đã vắng ai
(QNO) - Nhớ anh, quý mến anh, nay tôi lại nhớ đến câu thơ anh viết đã lâu: "Lục huyền cầm vô tri âm thướng/ Xuân đáo mai hoa lạc dạ tiền". Hoa mai đã rụng nhưng vẫn còn đây hương mai thoáng bay trong dư âm của lục huyền cầm...
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay".
Tự dưng tôi lại nhớ đến câu thơ của Thôi Hiệu, khi nghe hung tin anh Vũ Đức Sao Biển vừa mất. Bài thơ này, chính là một trong vài cảm hứng để anh có được "Thu, hát cho người" - làm nên chân dung một nhạc sĩ. Tự dưng bao nhiêu kỷ niệm về anh lập tức ùa về như thác lũ, và trong sâu thẳm tình cảm ấy, bỗng dưng tôi lại nhớ đến họa sĩ Ớt.
Vào một buổi chiều nhạt nắng năm 1988, khi phóng chiếc xe Vespa chạy dọc theo bờ sông Tân Quy, nhìn thấy người đàn ông trung niên đang cởi trần lặn hụp đánh cá, anh Ớt phát hiện ra đó là bạn học chung tại Đà Nẵng, bèn kêu to lên: "Thôi đủ rồi! Mày về làm báo với tao". Câu nói ấy, vào lúc ấy đã đưa nhà giáo Võ Hợi (tên khai sinh của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển) chính thức bước chân vào làng báo.
Anh về làm Báo Công an TP.HCM, một thời gian sau chuyển qua Báo Thanh Niên, rồi Báo Pháp Luật TP.HCM…, cộng tác với nhiều tờ báo khác, tôi quen anh từ dạo ấy. Sức viết của anh dữ dội, hầu như ở lãnh vực nào, anh cũng có những đóng góp nhất định.
Phải nhìn nhận rằng anh giỏi viết từ thời còn rất trẻ, đã ký bút danh Sao Biển. Bút danh này do người cha giỏi chữ Hán, thích đọc sách kim cổ đã gợi cho anh, vào một buổi chiều khi hai cha con từ Hội An xuôi dòng Thu Bồn về nhà. Nhìn phía Cửa Đại vừa mọc lên vì sao trên nền trời xa tít, cha anh bảo: "Đó là ngôi sao biển. Người Pháp có một bài hát rất dễ nhớ là "L’Étoile de mer". Ngôi sao biển sáng lung linh nhưng không cô độc. Người ta sinh ra để sống với người, rồi con sẽ có bạn bè, có anh em, đừng lo chi, con ơi".
Anh Vũ Đức Sao Biển có nhiều bạn hay không, thú thật, tôi không rõ lắm. Nhưng giữa anh và tôi luôn có tình cảm dành cho nhau bằng tất cả sự quý mến của quan hệ đồng nghiệp mà anh vừa là người anh, hơn tôi đúng một con giáp, vừa đồng hương xứ Quảng. Đây là mẫu người khó tính nhưng rất đỗi chân tình, nếu một khi đã hiểu nhau. Chừng hơn mười năm trước, khi in cuốn "Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại", tôi có nhờ anh viết giúp lời tựa như một cách lưu lại kỷ niệm, anh vui vẻ nhận lời.
Qua đó, tôi được biết quan niệm của Vũ Đức Sao Biển khi viết trào phúng, châm biếm dưới nhiều thể loại khác nhau mà đây cũng là thế mạnh của anh làm nên tên tuổi Đồ Bì. Rằng, theo anh: "Viết văn cười, nghiên cứu về nụ cười tạo ra tác dụng tích cực về nhiều mặt. Bản thân tác giả đạt được niềm vui khi nhìn mọi hoạt động xã hội dưới cái nhìn hài hước, trào phúng. Người đọc cũng nhận được niềm vui, có nơi giải trí và giải tỏa tâm hồn. Không có gì đáng sợ hơn nếu hằng ngày ta phải đọc và suy nghĩ về những thông tin xấu của cuộc sống. Cho nên, kiếm được một nụ cười, đọc được cái đáng tức cười là điều hết sức quý giá đối với bạn đọc".
Bên cạnh đó, anh còn dày công khảo cứu về Kim Dung, sáng tác ca khúc phát triển các điệu thức dân ca như "Điệu buồn phương Nam", ký âm "Dạ cổ hoài lang" với solfège Tây phương, kể cả viết bút ký, dịch "Tiếu ngạo giang hồ", viết cả hàng ngàn bài báo…
Một khi đến tuổi nào đó, chính người viết cũng tự trách mình sao viết nhiều quá, viết không ngừng nghỉ, mải mê viết dù đã đến độ tuổi cần nghỉ ngơi. Biết làm sao được, với Vũ Đức Sao Biển, có lần anh tâm tình: "Ông Hàn Dũ lại nói văn chương như một trạng thái: Bất bình tắc minh (không vừa ý thì kêu lên). Tôi cũng chẳng có gì là không vừa ý nhưng vẫn phải viết (kêu lên). Con chim thì nó bay, con cá thì nó lội, người cầm bút thì phải viết". Một quan niệm đơn giản về nghề viết nhưng cực kỳ chuẩn mực!
Với những người cật lực cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng chữ nghĩa, bao giờ tôi cũng dành nhiều tình cảm ngưỡng mộ, trong đó có Vũ Đức Sao Biển. Anh là một người viết chuyên nghiệp và góp phần xứng đáng phục vụ bạn đọc bằng tài năng bẩm sinh của mình. Với những gì đã viết, có cái còn lại, có cái mất đi theo bụi mờ năm tháng, tất nhiên! Nhưng rồi, tôi tin rằng "Thu, hát cho người" của anh còn ở lại trong nhiều thế hệ. Phải nói rằng thuở anh sáng tác lúc mới 20, chính ca sĩ Hà Thanh đã có "mắt xanh" nhìn ra sức sống của ca khúc này và cũng là người đầu tiên đưa giai điệu của anh đến với người mộ điệu.
Nếu anh Ớt vì ái mộ "Thu, hát cho người" mời anh về làm Báo Công an TP HCM thì bây giờ tôi cũng xin bật mí thêm một kỷ niệm cũng liên quan đến ca khúc này. Rằng sau tiếng hát Hà Thanh, Anh Ngọc, Lệ Thu… "hớp hồn" công chúng, bấy giờ, có cô phóng viên ở đài phát thanh Sài Gòn đến phỏng vấn anh nhằm giới thiệu với công chúng gương mặt nhạc sĩ trẻ. "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ", 3 năm sau, ngày 12-1-1972, họ đã chính thức se duyên vợ chồng. Một kỷ niệm quá đẹp, anh Vũ Đức Sao Biển à!
Nhớ anh, quý mến anh - một người anh đồng hương đã ưu ái dành cho tôi nhiều tình cảm chân tình, nay tôi lại nhớ đến câu thơ anh viết đã lâu: "Lục huyền cầm vô tri âm thướng/ Xuân đáo mai hoa lạc dạ tiền" (Guitare đàn đã vắng ai/ Xuân sang đêm trước hoa mai rụng rồi). Thưa anh Vũ Đức Sao Biển, hoa mai đã rụng, nhưng vẫn còn đây hương mai thoáng bay trong dư âm của lục huyền cầm… Vĩnh biệt anh!
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh ngày 12-2-1947; quê quán Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam, qua đời vào lúc 23 giờ 25 phút ngày 6-5 tại nhà riêng ở quận 12, TP HCM, do bệnh ung thư vòm họng, di căn qua phổi.
Linh cữu ông được quàn tại nhà riêng (22/7 Tân Thới Nhất 18, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 15 giờ ngày 7-5. An táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 10-5.