V-League sẽ đá kiểu gì?

ANH SẮC 10/05/2020 04:36

Không khí bóng đá đã bắt đầu được nhen nhóm trở lại khi đến thời điểm này, tất cả đội bóng đều đã tập trung tập luyện bình thường sau quãng thời gian dài buộc phải giải tán để phòng tránh dịch Covid-19. Song, điều mà các đội bóng quan tâm là không biết đến bao giờ các giải đấu mới diễn ra và V-League sẽ đá theo phương án nào? Bởi tất cả hiện vẫn “án binh bất động”, chờ sự cho phép của Chính phủ và các ngành chức năng để đảm bảo mục tiêu an toàn phòng dịch.

V-League sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với quỹ thời gian còn lại của mùa giải. Ảnh: A.S
V-League sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với quỹ thời gian còn lại của mùa giải. Ảnh: A.S

Đã bước sang tháng 5 song mùa giải mới 2020 của Việt Nam mới ở giai đoạn khởi động. V-League chỉ diễn ra được 2 vòng đầu tiên trên sân không khán giả trong khi Cúp quốc gia vẫn đang nằm ở vạch xuất phát. Đấu trường Cúp quốc gia nhẹ nhàng hơn nhờ số lượng trận đấu ít, thể thức thi đấu loại trực tiếp nên thời gian không kéo dài và tính chất cạnh tranh cũng không lớn.

Ngược lại, giải vô địch quốc gia, bình thường kéo dài đến 8 tháng với tổng cộng 26 vòng đấu đi và về, 182 trận đấu liên tục từ Bắc chí Nam và cuộc chiến chống rớt hạng luôn diễn ra căng thẳng. Do đó, việc tổ chức, điều hành và sắp xếp lịch thi đấu V-League khá công phu, phức tạp và mang tính khoa học nhằm thỏa mãn các điều kiện có thể. Ngay cả việc điều chỉnh một vài trận đấu liên quan đến các đội bóng thi đấu ở AFC Cup cũng đã là một vấn đề nan giải vì đụng chạm đến quyền lợi của các đội bóng khác.

Trong điều kiện mùa giải bị tạm dừng quá lâu mà thời gian ở phía trước không còn nhiều nữa, đã từng có phương án đề nghị dồn về các địa phương phía Bắc để đá song bất thành do không nhận được sự đồng thuận cao trong các đội bóng vì nảy sinh quá nhiều bất hợp lý. Phải thừa nhận là, khó có phương án nào hoàn hảo ở thời điểm này.

Thông thường, V-League diễn ra trong 8 tháng, xen kẽ là các trận đấu của giải Cúp quốc gia và một vài quãng nghỉ để các cầu thủ làm nhiệm vụ đội tuyển quốc gia. Nhưng tính đến thời điểm này, thời gian đã mất gần 2 tháng trôi tự do và sẽ còn kéo dài bởi chưa biết lúc nào trở lại. Thế nên, đá kiểu gì để đảm bảo mùa giải diễn ra trọn vẹn là câu hỏi khó trả lời không chỉ với các nhà tổ chức mà ngay cả các đội bóng.

Thời gian của năm 2020 không còn nhiều, muộn nhất cũng chỉ là cuối tháng 10 các giải đấu quốc nội phải kết thúc để nhường sân chơi cho AFF Cup - nơi mà thầy trò HLV Park Hang Seo có nhiệm vụ bảo vệ ngai vàng. Điều này buộc ban tổ chức V-League phải nghĩ đến phương án “dồn toa” mới có thể tải hết lịch thi đấu vì còn đến 24 vòng đấu, chưa kể Cúp quốc gia và các trận vòng loại World Cup của đội tuyển quốc gia. Mà hệ lụy dễ thấy nhất của mật độ thi đấu quá dày sẽ là tình trạng cầu thủ quá tải, dễ gặp chấn thương. Vì vậy, chỉ có cách làm thế nào để rút ngắn thời gian diễn ra V-League và có đề xuất lịch thi đấu không chơi theo kiểu truyền thống đi - về qua 26 vòng đấu. Thay vào đó, các đội chỉ thi đấu vòng tròn một lượt. Sau khi kết thúc 13 vòng đấu lượt đi, 7 đội nhóm trên sẽ đá với nhau để tìm nhà vô địch, còn 7 đội nhóm dưới thi đấu với nhau xác định đội xuống hạng (cũng đá vòng tròn 1 lượt).

Cũng có băn khoăn khi thi đấu theo phương án này dễ dẫn đến việc không hết mình, thậm chí phát sinh tiêu cực sau khi các đội bóng hoàn thành nhiệm vụ. Song, thực tế phương án nào cũng có những mặt hạn chế. Vấn đề quan trọng là, ban tổ chức phải có biện pháp giám sát chặt chẽ và các đội bóng cũng phải biết cách tôn trọng khán giả.

ANH SẮC