Những vị khách Nga cuối cùng
Trong khi phần lớn các thành phố du lịch nổi tiếng trên cả nước sạch bóng du khách nước ngoài thì ở Nha Trang, những vị khách Nga vẫn thong dong bát phố kể cả khi Việt Nam áp dụng biện pháp “giãn cách xã hội”. Tuy nhiên dịch Covid-19 đang vào giai đoạn quan trọng nhất, đã không cho phép họ lưu lại thêm nữa.
Có thể nói, du khách Nga là những người bạn thủy chung với thành phố biển này suốt nhiều thập kỷ qua. Nhưng lần này là ngoại lệ, họ phải về, phải xa Nha Trang trong một tâm thế chẳng đặng đừng.
Sáng ngày 27.4, chuyến bay thuộc hãng hàng không Siberia Airlines khởi hành tại sân bay quốc tế Cam Ranh mang theo 182 khách Nga về nước. Trước đó, một chuyến bay khác cũng đã đưa 149 khách Nga về thành phố Novosibirsk.
Đầu tháng 5 này, những vị khách Nga cuối cùng cũng sẽ rời Nha Trang, kết thúc 30 năm không một ngày nào vắng mặt người Nga tại thành phố biển này. Theo dự kiến của Tổng lãnh sự quán Nga tại TP.Hồ Chí Minh, số khách trên chuyến bay cuối cùng này không chỉ những người đang lưu trú tại Nha Trang mà còn có cả ở Phú Quốc, Phan Thiết và một vài nơi khác sẽ tập trung về Cam Ranh để đi chuyến bay “vét” ấy.
Tiếc lắm nhưng phải về!
Hỏi chuyện bất cứ một người Nga nào còn ở Nha Trang trong những ngày này, họ đều nói: “Tiếc lắm nhưng phải về!”. Tôi hỏi anh Sergei Rusborisov, một khách Nga khá quen thuộc với Nha Trang vì mỗi năm anh đều qua đây lưu lại hàng tháng trời để phụ giúp cô em đang là chủ một nhà hàng: “Ngoài chuyện dở dang công việc, anh còn tiếc điều gì nữa?”. Sergei nhún vai: “Tôi đi khá nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nước có bãi biển nhưng chưa thấy ở đâu mà khí hậu lại dễ chịu như Nha Trang. Không nóng bức nhưng cũng không quá lạnh. Gần như nơi đây quanh năm mát mẻ. Đẹp thì nhiều nơi chẳng thua gì Nha Trang nhưng thời tiết ở những nơi đó quá cực đoan. Tôi tiếc vì không “xài” hết thời gian tôi được phép ở lại”.
Tin tức về dịch Covid-19 từ nước Nga luôn được những vị khách Nga ở Nha Trang cập nhật. Không ít người rất đắn đo giữa về và ở lại. Về thì quá nguy hiểm mà ở lại thì visa hết hạn. “Ví như đến sáng nay, ngày 7.5, nước Nga có thêm hơn 10 nghìn ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm dịch SARS-CoV-2 ở nước Nga vượt mốc 166 ngàn, quá kinh khủng. Tôi còn một người mẹ đã 80 tuổi đang ở quê nhà, dù ngày nào cũng gọi về nhưng quả thật quá bất an” - chị Elena - một du khách đến Nha Trang từ 10 hôm trước, nói.
Những vị khách thủy chung
Hôm 8.3, khi nước Nga mới có vài ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, thông điệp của Tổng thống Putin được gửi tới tất cả công dân Nga trở về từ các vùng có dịch: “Hoặc là tự cách ly 14 ngày hoặc là đi tù 5 năm!”, kèm theo đó là một số biện pháp cứng rắn khác như phạt nặng bằng tiền nếu không chấp hành các quy định về phòng chống dịch của chính quyền. Thế nhưng, những chuyến bay từ các sân bay của nước Nga vẫn dập dìu đáp xuống sân bay Cam Ranh mỗi sáng sớm. Khi Chính phủ Việt Nam cấm tất cả chuyến bay đến từ Trung Quốc thì khách nước ngoài đến Khánh Hòa gần như chỉ hoàn toàn là người Nga.
Trước khi ban bố tình trạng cách ly toàn xã hội và cấm tắm biển một vài hôm, các bãi biển dọc đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng vẫn đông nghịt khách nước ngoài mỗi sáng, mỗi chiều. Khi khách Trung Quốc không còn đến Nha Trang nữa thì đi đâu cũng nghe tiếng Nga, nhìn đâu cũng thấy người Nga. Nói thế để thấy rằng, thành phố này có một ma lực ghê gớm để níu chân những vị khách Nga, bất chấp dịch Covid đang tung hoành khắp thế giới.
Không phải đến hôm nay, khách Nga mới nhiều đến vậy mà từ 30 năm trước, khi mà ngành du lịch Việt Nam còn tập làm quen với việc đón khách nước ngoài thì Nha Trang đã mở những tour du lịch đón khách đến từ nước Nga xa xôi.
Không phải ngẫu nhiên mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng chọn Nha Trang làm nơi “khởi nghiệp” bằng ngành dịch vụ du lịch cho mình từ gần 20 năm trước. Vị tỷ phú trẻ tuổi khi ấy đã nhìn thấy tiềm năng từ nước Nga nếu như hình thành ở Nha Trang một trung tâm nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam. Khu vui chơi giải trí quy mô Vinpearl bên Hòn Tre hình thành từ “tầm nhìn chiến lược” này.
Rõ ràng, cho đến trước khi dòng người Trung Quốc tràn vào Việt Nam như thác lũ thì người Nga vẫn là “khách ruột” của Nha Trang cũng như khu Vinpearl. Chả thế mà, mấy người bạn học khoa tiếng Nga của tôi từ thời đại học ở Huế, những tưởng cái món ngoại ngữ khó nhằn này hết đất sống thì lại hồi sinh tại Nha Trang từ hơn mười năm nay!
SBHDHLQ_ ONGFE - Hẹn gặp lại!
Báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, năm 2019 Nha Trang đón hơn 3,5 triệu khách quốc tế thì khách Nga đã gần nửa triệu rồi, chiếm 71,6% tổng lượng khách Nga đến Việt Nam. Mỗi tuần, sân bay Cam Ranh đón 25 chuyến bay trực tiếp từ Nga. Bình quân mỗi chuyến chở 200 khách, thì hàng tuần, tại Nha Trang có khoảng 5.000 người Nga lưu trú - một con số không hề nhỏ và là mơ ước của nhiều thành phố ở miền Trung.
Anh Nguyễn Việt Hoàng, 52 tuổi, quê Nam Định, từng du học ở Nga cách đây hơn 30 năm, giờ vào Nha Trang thuê một căn nhà trên đường Hùng Vương để bán kính cho khách Nga. Anh nói: “Tôi thuê căn nhà chưa đến 100m2 này, mỗi tháng phải trả 80 triệu nhưng vẫn sống tốt nhờ vào lượng khách Nga. Trong hai tháng qua, nếu không có khách Nga thì dẹp tiệm chứ lấy đâu ra để trả tiền thuê nhà”.
Ngồi chơi với anh Việt Hoàng chưa được nửa tiếng mà hết đoàn khách nọ đến đoàn khách kia ghé tiệm kính của anh để mua. Anh nói, khách Nga khác khách Trung Quốc, họ hiếm khi ghé tiệm để “xem chơi” hoặc trả treo kỳ kèo mà luôn hào phóng trong việc mua sắm. Họ cũng là dạng khách có thời gian lưu lại lâu nhất với 12 - 15 ngày chứ không đi tour “không đồng” với thời gian chưa ấm chỗ đã phải ra về như khách Trung Quốc. Họ đặc biệt có cảm tình với những người đã từng du học hoặc xuất khẩu lao động ở Nga. Một phần là khi giao tiếp khỏi phải phiên dịch, nhưng cái chính là những người Việt Nam ấy rất “thuộc bài” về tính cách của người Nga. Có nhiều người Nga qua Nha Trang làm ăn lâu dài, họ mở quán ăn và buôn bán với chính những người đồng bào của họ đi du lịch Nha Trang.
Ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa nêu con số ấn tượng: Trong tháng 1.2020, Nha Trang đón 48.000 khách Nga, tháng 2 đón 52.000, sang tháng 3, khi dịch Covid phủ bóng khắp nước Nga và Việt Nam thì số khách vơi dần. Có thể nói, khách Nga đã lấp vào khoảng trống cho ngành du lịch Khánh Hòa giữa lúc các tour đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á khép lại hoàn toàn.
Biển Nha Trang trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua chỉ còn là những bãi cát trắng phau. Không chỉ người Nga mà cả những công dân của thành phố này cũng không được phép tắm biển. Những vị khách Nga thủy chung với bờ biển ấy cũng bắt đầu tìm cách quay về lại quê nhà dù bên Nga đang là điểm nóng của dịch.
Tôi học tiếng Nga đã 40 năm nay, giờ “heo ủi” cả rồi, nhưng câu chào và lời tạm biệt thì tôi vẫn nhớ. Bà Alena được nhắc ở đầu bài viết, nghe tôi “tạm biệt” bằng một thứ tiếng Nga ngọng nghịu, bà rất vui. Tôi phải nhờ anh Việt Hoàng chủ tiệm kính bày thêm cái câu “hẹn gặp lại”. Như hiểu ý tôi, bà nói luôn: “SBHDHLQ_ ONGFE!”.
Tôi cũng như bao người dân Nha Trang mong dịch chóng qua để sớm “gặp lại” những vị khách thủy chung từ xứ sở bạch dương xa xôi.