Phục hồi du lịch Quảng Nam sau dịch
Mặc dù dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, việc xây dựng giải pháp phục hồi hoạt động du lịch sau dịch vẫn được doanh nghiệp, các địa phương và ngành du lịch Quảng Nam triển khai.
SỨC CHỐNG CHỊU CỦA DOANH NGHIỆP
Dịch Covid-19 như cơn siêu bão quét qua khiến các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đóng cửa hoặc cầm cự chờ qua đại dịch.
Gắng gượng
Khách sạn Sea’Lavie Boutiqe Resort &Spa (An Bàng, TP.Hội An) là một trong số ít cơ sở lưu trú còn đón khách du lịch tại Hội An kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Bà Phạm Thị Hải Nguyên – Giám đốc khách sạn cho biết, mặc dù hầu hết nhân viên đã nghỉ việc vì sợ dịch bệnh nhưng Sea’Lavie vẫn quyết định tiếp tục đón khách, ngoài lý do không thể quay lưng lại với khách trong mùa dịch thì việc đón khách cũng giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu trang trải các chi phí vận hành, duy trì hoạt động chờ dịch kết thúc.
Đến nay, trên địa bàn Hội An còn khoảng hơn 1.000 khách nước ngoài lưu trú và tạm trú, phần lớn tại những cơ sở nhỏ như homestay, biệt thự du lịch. Theo bà Hứa Thị Anh - Tổng Giám đốc Khách sạn Phú Thịnh, yếu tố quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp du lịch Hội An “sống sót” qua mùa dịch chính là không phải chịu áp lực trả nợ ngân hàng. Hiện hầu hết ngân hàng đã đồng ý giãn nợ cho doanh nghiệp từ 3 - 6 tháng. Nhân viên cũng đã đồng ý tạm nghỉ việc và nhận bảo hiểm thất nghiệp nên chi phí cho khách sạn ít hơn.
Tại khách sạn Phú Thịnh, dù đã tạm đóng cửa từ giữa tháng 3 nhưng đơn vị vẫn giữ lại bộ phận kinh doanh làm việc trực tuyến nhằm thường xuyên kết nối với các hãng lữ hành chờ dịch kết thúc. Đồng thời duy trì 8 lao động để vận hành hồ bơi, chăm sóc cây, bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh buồng phòng, đảm bảo khách sạn luôn sạch đẹp.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An nhìn nhận, một đặc điểm của du lịch Hội An là nhiều cơ sở kinh doanh quy mô vừa hoạt động chừng mực nên dễ dàng thích ứng với tác động bên ngoài. Chưa kể, Hội An cũng từng trải qua biến cố như dịch SARS 2003, suy thoái kinh tế năm 2009, do đó có kinh nghiệm để cầm cự qua đại dịch Covid-19. “Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa ghi nhận thông tin nào về việc doanh nghiệp tuyên bố phá sản vì tác động dịch bệnh Covid-19” - ông Lanh khẳng định.
Chật vật làm lại
Du lịch là ngành phát triển sau các ngành kinh tế khác vì vậy các chiến lược kích cầu, phục hồi du lịch địa phương luôn phải dựa vào tình hình hồi phục kinh tế chung của cả nước và thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, với “quãng nghỉ” bất đắc dĩ gần 4 tháng và thời gian để tái khởi động các hoạt động du lịch vẫn còn bỏ ngỏ thì các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam nên tận dụng thời gian này để nâng cấp, mở rộng sản phẩm ra vùng ven Hội An kể cả vùng trung du phía tây của tỉnh. Hiện, một số đơn vị như The Deckhouse An Bàng, The Field, Silk Sense Resort, An Farm… đang tập trung xác lập sản phẩm du lịch xanh thông qua việc quảng bá hình ảnh “từ nông trại đến bàn ăn”, “chuỗi tuần hoàn từ nguyên liệu đến thành phẩm”…
Trong tình hình khó khăn của ngành du lịch, bên cạnh những dòng sản phẩm được dự báo sẽ sớm bắt nhịp lại khi có nguồn khách nội địa như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf… thì nhiều dòng sản phẩm khác vẫn sẽ còn ảm đạm bởi tình hình dịch bệnh phức tạp tại các thị trường khách truyền thống Âu - Mỹ. Bà Trần Thị Bích Hoa - Quản lý khu du lịch Dừa và bạn (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) bộc bạch, việc cầm cự, duy trì điểm đến tới khi dịch bệnh ở trong nước lắng xuống khả năng cũng tương đối ổn, tuy nhiên lo lắng lớn nhất là dịch bệnh vẫn hoành hành trên toàn cầu, nếu tình trạng này kéo dài thì thật sự nhiêu khê bởi khách tham quan, giải trí ở đây chủ yếu là khách quốc tế.
Từ ngày 30.4 một số tuyến điểm tham quan ở Quảng Nam như Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn, rừng dừa Cẩm Thanh hay các bãi biển đã mở cửa đón khách trở lại nhưng hoạt động của doanh nghiệp vẫn rất chật vật do lượng khách khá ít ỏi, chủ yếu khách nội tỉnh. Tại khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) trong 5 ngày mở đầu tiên (28.4 - 2.5) chỉ bán được khoảng vài trăm vé tham quan, dù vậy ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Mỹ Sơn vẫn thấy vui vì hoạt động du lịch đã khởi động lại. “Việc mở cửa đón khách cũng là một nỗ lực của đơn vị nhằm từng bước đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường” - ông Hộ nói.
KỊCH BẢN SAU DỊCH
Du lịch sẽ bùng nổ hay tiếp tục ảm đạm do kinh tế suy thoái? Đâu là kịch bản mà Quảng Nam tính đến nhằm đề ra những giải pháp, kế hoạch phù hợp khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc?
Đồng bộ nhiều giải pháp
Bộ VH-TT&DL vừa có công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời đề xuất 3 kịch bản phục hồi du lịch Việt Nam gồm: Việt Nam hết dịch; châu Á hết dịch và thế giới hết dịch.
Theo đó, khi Việt Nam công bố hết dịch, ngành du lịch sẽ tập trung kích cầu nội địa với sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp dịch vụ du lịch; tập trung phân khúc khách du lịch kết hợp công việc, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo)...
Theo dự đoán, các nước châu Á sẽ có khả năng hết dịch sớm, vì thế trong kịch bản này, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông về một “Việt Nam an toàn và hấp dẫn”, khẳng định Việt Nam đã thành công trong đẩy lùi dịch Covid-19 và tiếp tục là điểm đến an toàn. Đây cũng là lúc giúp cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trên cơ sở kiến nghị Chính phủ xem xét các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách như miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực…
Ở thời điểm thế giới công bố hết dịch, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch mới; triển khai rộng rãi các gói kích cầu đối với các thị trường du lịch, cả nội địa, quốc tế; kiến nghị Chính phủ có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay, miễn thị thực…
Theo ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, việc triển khai đồng bộ giải pháp theo từng kịch bản là khá rõ ràng, dựa vào đó sẽ giúp các địa phương xây dựng kịch bản, kế hoạch cho riêng mình.
“Rất khó đưa hoạt động du lịch trở về như cũ, bởi so với một số ngành khác du lịch thường hồi phục chậm hơn, chưa kể trong trường hợp kinh tế suy thoái sau dịch cũng sẽ kéo theo thu nhập người dân sụt giảm, dẫn đến du lịch sẽ hụt cầu” - ông Tú phân tích.
Trung tâm này đã xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch Quảng Nam sau dịch, theo đó ngoài tăng cường quảng bá trực quan sẽ tập trung mạnh vào thị trường nội địa và thị trường mới Ấn Độ gắn với thu hút các đoàn famtrip quốc tế… nhanh chóng đưa hoạt động du lịch Quảng Nam trở lại bình thường.
Phụ thuộc diễn biến dịch bệnh
Theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch thế giới cũng như Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi sau Covid-19. Tiến sĩ Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch thừa nhận, nền tảng của du lịch hiện đã về số 0. Vì vậy, trong trường hợp phục hồi, thị trường nội địa sẽ hồi phục đầu tiên, sau đó là thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước châu Á khác và cuối cùng là các thị trường Âu, Mỹ. Thời gian để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn có thể từ 12 đến 18 tháng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng phải đến năm 2023 du lịch Việt Nam mới phục hồi lại như năm 2019.
Dịch bệnh tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng với thế giới thì vẫn còn khá phức tạp nên việc đưa ra giải pháp phục hồi các thị trường khách quốc tế, kể cả thị trường nội địa hiện nay xem ra khó khăn.
Theo ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, vấn đề đầu tiên là phải xác lập điểm đến an toàn. Tiếp theo là giá, vì sau dịch, giá cả sẽ là vấn đề so kè giữa các điểm đến ở Việt Nam. Điều quan trọng nhất là phải xác định được giá trị đặc trưng sản phẩm của vùng miền nhằm tạo sức hút với khách. Đối với doanh nghiệp du lịch thời gian này cũng là cơ hội để tái cấu trúc về tổ chức, bộ máy, con người, đầu tư và định dạng lại thị trường, sản phẩm, khách hàng để có những bước đi tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, rất khó đề ra giải pháp cụ thể để phục hồi du lịch trong thời điểm này. Nên ưu tiên giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế nói chung. Đồng thời, kêu gọi những doanh nghiệp còn nguồn lực tập trung sửa chữa khách sạn hoặc đầu tư trong giai đoạn này vì vật liệu, nhân công... đều rẻ và cũng không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan môi trường.
“Dự kiến trong tháng 5 này chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề bàn hướng phục hồi du lịch, chủ yếu tập trung vào các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Hàn Quốc, Trung Quốc. Ngoài ra, sẽ triển khai các hoạt động lễ hội như Giao lưu văn hóa Việt Nhật, Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An…” - ông Sơn nói.
CHỜ KHÁCH
Mọi giải pháp, kịch bản sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có khách. Trong khi điều này thì phụ thuộc hoàn toàn vào các chính sách của Chính phủ và một số đơn vị liên quan trong việc "mở cửa lại bầu trời".
Ngày 28.4, khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) chính thức mở cửa đón khách đầu tiên ở Quảng Nam sau hơn một tháng tạm ngừng hoạt động, đây được xem như bước khởi động nhằm đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường. Tiếp đến, ngày 30.4, Hội An mở cửa tham quan miễn phí các điểm di tích phố cổ và Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, ở các điểm đến trên, lượng khách tham quan khá ít ỏi, chủ yếu khách nội tỉnh. Nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch, đặc biệt là các đường bay quốc tế chưa được nối lại, đồng nghĩa khách nước ngoài chưa thể vào Việt Nam.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, nếu việc đón khách được khơi thông sớm hơn sẽ tác động lớn đến thị trường, giúp các doanh nghiệp lữ hành kích cầu du lịch.
“Doanh nghiệp và du khách đã bị lỡ nhịp dịp du lịch 30.4 - 1.5 do thông tin và chính sách các tỉnh thông báo về việc đón khách rất muộn. Vì vậy, các địa phương, ngành du lịch cần tiếp tục nắm tình hình dịch bệnh và độ mở ngành du lịch các nước trong khu vực để có thể phối hợp mở ngay khi dịch bệnh được kiểm soát” - ông Dũng đề xuất.
Ông Trần Thái Do - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas, chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort dự báo, trong lúc thị trường khách quốc tế, nhất là thị trường khách truyền thống của Quảng Nam khó thể hồi phục do tác động của dịch bệnh và hạn chế đường bay thì thị trường khách nội địa sẽ giúp ngành du lịch lấy đà phục hồi. Để đón đầu xu thế này, thời gian qua đơn vị đã xây dựng những gói kích cầu nhỏ hướng đến dòng khách nội địa đổ về Hội An mùa hè nhằm bù đắp phần nào chi phí, nhưng tất cả cũng phải trông chờ vào khách, chưa kể hiện tại học sinh đã vào học, các doanh nghiệp phải khẩn trương bắt tay vào sản xuất kinh doanh sau dịch nên chắc chắn lượng khách sẽ hạn chế.
Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, các giải pháp phục hồi du lịch vẫn trong quá trình nghiên cứu. Dự báo lạc quan nhất thì hết năm nay Quảng Nam cũng chỉ thu hút được khoảng 2,6 triệu lượt khách, gồm khoảng 1,4 triệu lượt khách quốc tế, nếu ảm đạm hơn thì lượng khách quốc tế sẽ chỉ dừng ở mức 750 nghìn lượt (đã ghé Quảng Nam trong 3 tháng đầu năm).
“Các giải pháp Quảng Nam thực hiện bây giờ đều phải phụ thuộc vào các chính sách chung của Chính phủ vì còn căn cứ trên tình hình dịch bệnh. Kể cả việc quảng bá xúc tiến cũng phải chờ kế hoạch chung của Bộ VH-TT&DL, từ đó mới xây dựng giải pháp riêng cho Quảng Nam” - ông Tường chia sẻ.
NGÓNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Việc hỗ trợ doanh nghiệp sống sót qua dịch đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng lại vướng nhiều thủ tục, văn bản hướng dẫn từ Trung ương và các cấp ngành liên quan, khiến doanh nghiệp khó chồng khó.
Ngày 9.4, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có mục quy định người sử dụng lao động (doanh nghiệp) được vay lãi suất 0% để hỗ trợ 50% mức lương tối thiểu vùng trả cho người lao động. Đến nay đã tròn một tháng nhưng doanh nghiệp dường như vẫn chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ này.
Theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, doanh nghiệp không chỉ chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ mà còn phải tiếp tục trả lãi suất ngân hàng hàng tháng (chỉ giãn nợ gốc). Vì vậy, để giảm áp lực trả nợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, các ngân hàng nên giảm, giãn lãi vay, bởi đa phần doanh nghiệp du lịch Quảng Nam có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế nên rất chật vật khi dịch kéo dài nhiều tháng. Ngoài ra, UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chậm nộp các khoản thuế VAT, bảo hiểm xã hội, kể cả xem xét giảm 50% giá thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong năm 2020 và 2021...
Có thực trạng "doanh nghiệp ngóng… doanh nghiệp" bởi nguồn vốn đặt cọc bị “chôn”. Doanh nghiệp lữ hành có lẽ điêu đứng nhất bởi phần lớn vốn của họ đã trót đặt cọc cho các đơn vị lưu trú, hàng không, vận chuyển… từ trước cơn dịch. Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH du lịch Duy Nhất Đông Dương chia sẻ: "Đây là rủi ro không ai lường trước. Bây giờ khó khăn chúng tôi muốn có sự chia sẻ, thỏa thuận để tạm rút một phần vốn đặt cọc nhằm xoay xở nhưng vẫn chưa được vì các đối tác muốn giữ lại để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp mình".
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ, nếu các gói hỗ trợ của Chính phủ không được triển khai nhanh chóng và linh động thì doanh nghiệp khó trụ vững đến năm sau. Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ, theo quy định thì người lao động nghỉ việc từ ngày 1.4.2020 trở đi mới được xem xét hỗ trợ trong 3 tháng. Nhưng thực tế ngành du lịch Quảng Nam đã bị khủng hoảng từ tháng 2, tháng 3, nên lúc đó nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ không lương. Chiếu theo quy định trên, các doanh nghiệp này (cho nhân viên nghỉ trước tháng 4) không tiếp cận được chính sách hỗ trợ, điều đó rất bất cập.
“Dịch bệnh bắt đầu tàn phá ngành du lịch từ tháng 2 - 3, lúc đó nhiều doanh nghiệp cũng chỉ nghĩ đến giảm lương nhân viên 20%, nhưng đến đầu tháng 4, câu chuyện đã trở nên khác hẳn. Các công ty quy mô lớn đã đồng loạt giảm nhân viên lên đến 80 - 90%, giảm lương và chỉ còn giữ một số người chủ chốt. Những công ty nào không giảm nhân viên thì đồng loạt giảm lương đến 70%. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương có đề xuất lên cấp trên và hướng dẫn linh động hơn để doanh nghiệp và người lao động du lịch được tiếp cận chính sách ưu đãi này, giúp vơi bớt phần nào sự chật vật trong thời gian qua” - ông Thanh đề xuất.
Theo ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, qua thống kê mới có 165 doanh nghiệp với hơn 45 nghìn lao động có báo cáo tình trạng ngừng việc, giảm việc, thu hẹp sản xuất… chờ các chính sách hỗ trợ, bao gồm doanh nghiệp du lịch.
“Tất cả hồ sơ thủ tục để nhận hỗ trợ do doanh nghiệp làm đều được chuyển thẳng lên ngân hàng chính sách (nhóm này do tỉnh ký duyệt) hiện vẫn đang tiến hành. Đặc biệt, điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp phải dùng nguồn của mình trả lương tối thiểu 50% rồi mới được vay ưu đãi tối đa 50% để trả lương cho người lao động. Bên cạnh đó, nhóm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong đó có lao động du lịch cũng đã triển khai về các địa phương nhưng để có con số chính xác là chưa thể, dự kiến trong tuần này đơn vị sẽ trực tiếp về các huyện, thị xã, thành phố tập trung lượng lớn lao động để khảo sát kết quả, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ” - ông Chiến thông tin.