Những ngày tháng Năm ở Tam Kỳ
Sau 104 năm nhìn lại, chúng ta dễ dàng đồng tình với nhận định: “Tam Kỳ là trung tâm điểm của cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội ở Trung Kỳ năm 1916”. Vì chỉ duy nhất ở Tam Kỳ là “thực sự có khởi nghĩa vũ trang”!
Nơi duy nhất có khởi nghĩa
Cuộc khởi nghĩa năm 1916 do Việt Nam Quang phục hội, một tổ chức chính trị chủ trương quân chủ lập hiến do tầng lớp sĩ phu và tiểu tư sản tổ chức và lãnh đạo có sự tham gia của vua Duy Tân, ông vua yêu nước của triều Nguyễn.
Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ từ trong trứng nước, vì vậy sau này trên nhiều tài liệu người ta chỉ gọi đây là “Vụ âm mưu khởi nghĩa ở Huế năm 1916”, “Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân” hay “Cuộc vận động khởi nghĩa ở miền Trung năm 1916”.
Đến giờ khởi nghĩa các nơi đều… im lặng. Chỉ duy nhất Tam Kỳ thực sự diễn ra khởi nghĩa vũ trang. Chính vì vậy “Tam Kỳ là trung tâm điểm của cuộc khởi nghĩa”. Điều này không có gì là “cường điệu”!
Theo kế hoạch thì khuya ngày 3.5, đại bác được bắn ở kinh đô Huế để báo hiệu tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Đại bác cũng báo hiệu cho Quảng Trị, Quảng Bình. Theo tiếng đại bác ở kinh đô lửa sẽ đốt trên đèo Hải Vân để báo hiệu cho Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thế nhưng do việc đã bị bại lộ trước đó nên tối 3.5 không có hiệu lệnh nào được ban ra. Khắp nơi đều im lặng. Tại Quảng Nam, dân binh do Phan Thành Tài chỉ huy án binh bất động ngoài thành tỉnh, đến sáng thì rút chạy. Ở Hội An, Lê Đình Dương bị bắt ngay trong đêm.
Chỉ duy nhất Tam Kỳ hành động. Từ chiều ngày 3.5, có 650 nghĩa binh bí mật tập kết tại căn cứ Gò Chùa để làm lễ xuất quân. Tổng lãnh binh Trần Huỳnh đọc tuyên cáo rồi bắn một phát súng lệnh khởi nghĩa.
Lê Tiện dẫn một cánh quân tiến đánh đồn Trà My. Nghĩa quân chiếm được đồn, bọn lính phải chạy trốn vào rừng. Nguyễn Tình chỉ huy một đội nghĩa binh tiến đánh đồn Thương Chánh Hiệp Hòa. Còn lực lượng chính, đông đảo và hùng hậu nhất do Tổng lãnh binh Trần Huỳnh chỉ huy có sự tham gia của hai Phó tổng lãnh binh Trần Ni và Trầm Tùng Vân. Đội dân binh kéo thẳng về phủ lỵ Tam Kỳ với mục tiêu đánh chiếm phủ đường và Tòa Đại lý của Pháp.
Theo TS.Trần Văn Phương và TS.Trần Quốc Tuấn thì: “Do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ ở Huế nên viên đại lý và Tri phủ Tam Kỳ Tạ Thúc Xuyên đã tìm cách bảo vệ phủ đường và Tòa Đại lý. Tổng đốc Từ Thiệp thông báo khẩn với Khâm sứ Trung Kỳ Charles cử một trung đội Âu Phi cấp tốc vào Tam Kỳ đàn áp cuộc khởi nghĩa. Trước những bất lợi đó, lực lượng khởi nghĩa không chùn bước, tiếp tục tấn công chiếm tòa Đại lý Tam Kỳ, phá kho và thu được một số đạn dược, quần áo và vài khẩu súng. Tiếp đó quân khởi nghĩa tiến đến bao vây phủ đường. Tại đây địch bố trí quân phục kích đánh trả quyết liệt.
Khi Trịnh Uyên, chỉ huy đội nghĩa binh Kim Đái leo lên cột cờ của phủ đường để hạ lá cờ Nam triều xuống và treo cờ Ngũ tinh lên thì bị bắn chết. Hai bên tiếp tục giao chiến quyết liệt. Sáng ngày 4.5 lực lượng khởi nghĩa chiếm đóng phủ lỵ Tam Kỳ, chung quanh Tòa Đại lý và một số vùng chung quanh...” (Kỷ yếu hội thảo 100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội 1916 - 2016 - Sở VH-TT&DL Quảng Nam, năm 2017, trang 87, 88).
Do âm mưu bị lộ trên toàn cõi Trung Kỳ, tại Tam Kỳ địch đã đề phòng nên tăng cường một lực lượng khá lớn. Cuộc khởi nghĩa của địa phương thất bại, chỉ làm chủ phủ lỵ trong 8 giờ đồng hồ. Ngay sau cuộc khởi nghĩa 31 nghĩa binh đã bị bắt trong đó có cả ban chỉ huy như Trần Huỳnh, Thẩm Tường Vân, Trần Thu, Lê Ngạn... Lực lượng còn lại rút chạy, phân tán về các làng.
Sau đó “thực dân Pháp điều thêm quân từ Hội An đến tiến hành việc lùng sục các tổng làng và bắt khoảng 500 người đưa về phủ đường tra tấn”. Nhiều lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa bị giết (Trần Huỳnh, Trần Ni), một số bị đày đi Buôn Ma Thuột, một số bị đày Lao Bảo. Cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu.
Chỉ huy trưởng Trần Huỳnh
Trần Huỳnh có tên thường gọi là Phó Bẻm. Phó là chức vụ Phó tổng (tổng Đức Hòa Trung, phủ Hà Đông, sau đổi thành tổng Phước Lợi, huyện Tiên Phước), còn Bẻm là tên người con trai trưởng của ông. Ngày trước người ta thường lấy tên người con đầu để gọi cho cha mẹ. Ông sinh ngày 27.4.1858 (14 tháng 3 năm Mậu Ngọ) tại làng Tân An Tây, tổng Đức Hòa Trung, phủ Hà Đông (nay là xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước).
Thời trẻ Trần Huỳnh đã từng tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam do TS.Trần Văn Dư rồi Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Sau khi phong trào thất bại ông về nhà cày ruộng. Do có uy tín đối với dân làng lại là nhà cự phách trong làng nên Trần Huỳnh được bầu làm Phó tổng. Khi Phong trào Duy tân được Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng ông tham gia. Ông mở hai ngôi trường tân học tại địa phương. Trường Tân Xuân dạy chữ Quốc ngữ và trường Dục Thanh chuyên dạy về võ nghệ cho thanh niên. Ông cũng tham gia xây dựng một Hội thương với quy mô nhỏ tại chợ Cây Cốc, chuyên cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho dân trong vùng.
Cuối năm 1915, trong cuộc họp bí mật tại nhà ông Lê Ngoạn ở làng Trung Đàn Tây (xã Tam An, Phú Ninh), để bầu ra Ban chỉ huy Nghĩa binh Việt Nam Quang phục hội phủ Tam Kỳ, Trần Huỳnh được bầu làm Tổng lãnh binh. Tối ngày 2.5.1916, Trần Huỳnh cùng Trần Ni và Thẩm Tùng Vân dẫn một đội nghĩa binh lớn tiến về đánh chiếm phủ lỵ Tam Kỳ.
Do bị bại lộ từ trước cuộc khởi nghĩa ở Tam Kỳ thất bại. Trần Huỳnh bị bắt cùng 31 người khác giải về giam ở nhà lao Hội An. Tại đây Trần Huỳnh khảng khái nhận hết trách nhiệm về mình và động viên anh em giữ vững chí khí, tuyệt đối không khai báo. Ngày 27.5.1916, tòa án hình sự tỉnh Quảng Nam xét xử và kêu án ông “trảm giam hậu” và đày đi Buôn Ma Thuột. Sau đó Pháp và Nam triều đổi ý đưa ông ra xử chém ở cầu Chợ Củi vào ngày 3.6.1916. Khi ra pháp trường ông còn vẫy tay chào vĩnh biệt mọi người và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam vạn tuế. Dòng giống Lạc Hồng thiên thu!”.
Việc xử tử Trần Huỳnh được sử quán triều Nguyễn viết: “Lúc bấy giờ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có nhiều người bị đảng giặc Trần Cao Vân mê hoặc làm loạn bị xử tử như Trần Huỳnh, Trần Thuyên cùng Nguyễn Sụy, Võ Cẩn, mỗi vụ án kéo đều kéo thêm tới năm sáu người cùng can trọng án bị xử tử, số còn lại hoãn xử tử hình, phát phối chung thân cũng rất thường thấy” (Đại Nam thực lục chính biên Đệ thất kỷ, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, năm 2012, trang 84).
Cái chết của Trần Huỳnh đã viết tiếp truyền thống anh hùng bất khuất của tộc Trần, tổng Phước Lợi. Trước đó 8 năm trong phong trào chống thuế cự sưu (1908), Trần Thuyết (Trùm Thuyết) cũng đã ra pháp trường với tư thế ung dung không kém.