Công nghệ chung tay chống Covid-19
(QNO) - Ứng dụng công nghệ đã góp phần đắc lực để nhân loại nỗ lực chống đại dịch Covid-19.
1. Trí tuệ nhân tạo AI
Dùng camera tích hợp AI, kể cả trong bị cho kính đeo mắt để phát hiện và truy tìm nguồn gốc người bị mắc Covid-19. Có rất nhiều ví dụ về công nghệ AI trong cuộc chiến này, chẳng hạn: công nghệ AI đã được giới khoa học Australia ứng dụng để phát triển thành công một công cụ chẩn đoán hình ảnh gọi là CovED, cho phép nhân viên y tế xác định chính xác người mắc Covid-19 thông qua phương pháp phân tích hình ảnh chụp cộng hưởng từ (CT) phổi của bệnh nhân. Kết quả sẽ có sau khoảng một giờ đồng hồ.
Công nghệ CovED sẽ thay thế bác sĩ X-quang, cung cấp những phân tích cần thiết trong tình huống có quá nhiều bệnh nhân và không đủ nhân viên y tế, để xác định chính xác tổn thương phổi do vi rút SARS-CoV-2 gây ra.
2. Nền tảng 3D
Rất nhiều ứng dụng nhưng có thể nêu ra một điển hình là công nghệ in 3D cũng đã được áp dụng tại tâm dịch Italy và Tây Ban Nha trong việc cung cấp thiết bị điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Thiết bị van khuếch tán, một bộ phận quan trọng của máy trợ thở được sản xuất nhờ công nghệ in 3D đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân tại Italy. Trong khi đó tại Tây Ban Nha, một nhóm gồm 100 kỹ sư sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất 50 - 100 máy trợ thở/ngày cho các bệnh nhân mắc Covid-19, trước khi mở rộng sản xuất đến 300 máy/ngày. Những chiếc máy này có thể được sản xuất nhanh chóng do ít phức tạp hơn so với loại được dùng tại phòng điều trị tích cực, giúp bệnh nhân có thể hít thở dưới áp lực ổn định trong 3 - 4 ngày.
Nhiều sản phẩm ra đời nhờ công nghệ in 3D để bảo vệ các nhân viên tuyến đầu chống dịch. Ví dụ cặp kính tùy chỉnh để góp phần bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu chống đại dịch Covid-19, là sản phẩm mới của công ty khởi nghiệp Fitz. Fitz Protect là tên gọi của loại kính đeo mắt được thu thập thông số từng cá nhân rồi sẽ tùy chỉnh phù hợp thông qua ứng dụng iOS, dưới sự phối hợp của camera Face ID (nhận diện khuôn mặt) cảm biến sâu của Apple trên các mẫu iPhone thế hệ mới và tất cả mẫu iPad Pro…
3. Công nghệ giám sát, theo dõi
Công nghệ đã sớm được triển khai khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Trong số đó có hệ thống giám sát, tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt và phần mềm đo nhiệt độ của SenseTime để xác định người có khả năng bị bệnh, dùng dữ liệu lớn (Big Data) để xác định người dân bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thông qua phân tích dữ liệu lịch sử đi lại. Google và Apple đã gạt qua một bên các hiềm khích để cùng nhau phát triển công nghệ theo dõi dấu vết tiếp xúc, nhờ đó báo cho người dùng để tránh người đang nhiễm Covid-19, làm chậm lại sự phát triển của coronavirus…
4. Rô bốt vào cuộc
Đại dịch Covid-19 lại là một thời điểm đánh dấu sự khởi sắc của rô bốt. Rất nhanh chóng nhiều loại rô bốt đã ra đời như: rô bốt trợ giúp thầy thuốc lấy mẫu xét nghiệm, rô bốt làm vệ sinh và sát trùng, khử khuẩn bệnh viện, rô bốt vận chuyển thực phẩm, thuốc men đến tận tay bệnh nhân, rô bốt giao hàng, thậm chí là cảnh sát rô bốt đi tuần tra đường phố ở Tuynisia… Tất cả nhằm tránh tiếp xúc giữa người với người để tránh lây nhiễm.
5. Các giải pháp trực tuyến
Giãn cách xã hội là biện pháp giúp làm việc từ xa, tránh tiếp xúc, giảm chi phí từ lâu đã được phát triển bởi giới công nghệ. Thời đại dịch Covid-19 chúng ta nhận thấy đây cũng là thời điểm phát triển rầm rộ, ví dụ: Microsoft Teams, Zoom, Tencent Conference và WeChatWork trên toàn cầu đã tăng gần 5 lần. Ngoài ra còn có các ứng dụng video hội nghị như Zoom và Google Hangouts Meet. Một số dịch vụ mới như Rumii và Spatial cho phép người dùng tham dự các cuộc họp có thể tương tác theo hình thức 3D với đồng nghiệp.