WHO: Tái dương tính Covid-19 không phải là tái nhiễm
(QNO) - Ngày 6.5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin về việc bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi bệnh nhưng sau đó lại xét nghiệm dương tính với vi rút corna mới (SARS-CoV-2) gây bệnh này.
Vào tháng 4 vừa qua, Hàn Quốc xác nhận gần 300 trường hợp tái dương tính với Covid-19 sau khi phục hồi lâm sàng, làm dấy lên mối lo ngại rằng những bệnh nhân đã hồi phục có thể bị tái nhiễm.
Phát ngôn viên của WHO nói với hãng tin AFP: “Chúng ta biết rằng một số bệnh nhân kiểm tra dương tính Covid-19 sau khi họ phục hồi lâm sàng. Từ những gì chúng tôi đang biết - và điều này dựa trên dữ liệu rất gần đây - có vẻ như những bệnh nhân này đang đào thải các tế bào còn sót lại từ phổi của họ, như là một phần của giai đoạn phục hồi”.
Nghiên cứu cho thấy những người nhiễm vi rút corona chủng mới tạo ra các kháng thể sau một tuần hoặc sau khi nhiễm bệnh hoặc xuất hiện các triệu chứng.
Tuy nhiên, WHO cho biết cần nghiên cứu thêm về các ca tái dương tính với Covid-19 để xác định liệu họ có thể lây nhiễm vi rút corona mới cho người khác hay không.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Maria Van Kerhove thuộc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO giải thích về kịch bản “tế bào chết”. Bà Maria Van Kerhove nói: “Khi phổi hồi phục, những tế bào chết trong phổi xuất hiện. Đây là những phần của phổi cho kết quả dương tính. Chúng không phải là vi rút truyền nhiễm, chúng không hoạt động trở lại. Đây thực sự là một phần của quá trình lành bệnh”.
Các chuyên gia y tế cho biết thêm, đối với một số loại vi rút, chẳng hạn như vi rút gây bệnh sởi, những người mắc bệnh này miễn dịch suốt đời. Đối với các loại vi rút corona gây bệnh khác như SARS (hội chứng suy hô hấp cấp nặng), khả năng miễn dịch kéo dài từ vài tháng đến vài năm.
Tính đến ngày 7.5, thế giới ghi nhận hơn 3,8 triệu ca nhiễm, trong đó có 264.000 người tử vong do Covid-19.
Bên cạnh đó, một cuộc nghiên cứu của Chính phủ Mỹ phát hiện là chủng vi rút corona mới đang hoành hành trên toàn thế giới lây lan nhanh hơn những chủng trước đây. Nghiên cứu này nhằm đề ra “nhu cầu cấp bách phải cảnh báo sớm” cho những hãng sản xuất thuốc và vắc xin đưa ra những giải pháp hữu hiệu chống lại corona chủng mới.
Nghiên cứu trên cũng cảnh báo nếu đại dịch không giảm bớt khi thời tiết ấm hơn, vi rút có thể tiếp tục biến đổi.