Đầu tư phát triển y tế tuyến xã: Thừa và thiếu (bài 2)
Trạm y tế (TYT) xã thiếu nhân lực là nguyên nhân chính được các địa phương lý giải cho việc lãng phí cơ sở thiết bị hoặc chưa trang bị ở những nơi đang thật sự cần đầu tư. Bên cạnh đó, hoạt động của TYT còn nhiều khó khăn do những tác động khách quan.
Thiếu nhân lực
Ông Lê Tú Ân - Trưởng TYT xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) cho biết, ngay sau khi chấm dứt vai trò Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Cẩm Hà, hơn 10 năm nay, TYT xã Tiên Cẩm không có một bác sĩ; trạm hiện có 5 cán bộ, gồm 4 y sĩ và 1 nữ hộ sinh. “Hơn 10 năm nay, TYT không có bác sĩ là một thiệt thòi lớn với người dân. Đội ngũ nhân viên y tế trạm về số lượng cán bộ thì đủ, nhưng theo chức năng nhiệm vụ thì không đủ. Bác sĩ không có, cán bộ quản lý dược là dược tá kiêm nhiệm, thực hiện nhiều chức năng nhiệm vụ cũng gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn” - ông Lê Tú Ân nói.
Thiếu nguồn nhân lực là tình trạng phổ biến ở hầu hết cơ sở y tế tuyến xã. Nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại đưa về trạm phải nằm kho vì không có người sử dụng. Chưa kể, không có bác sĩ, người dân cũng không đặt nhiều niềm tin vào TYT. Theo thống kê, lượt khám bệnh BHYT ở TYT xã Tiên Cẩm năm sau đều giảm hơn so với năm trước. Theo chia sẻ từ cán bộ quản lý của trạm, ngoài các lý do khách quan, thì chất lượng khám chữa bệnh BHYT còn hạn chế do thiếu bác sĩ nên khám cận lâm sàng không có, thuốc men lại không được cấp đầy đủ. Cán bộ TYT phải kiêm nhiệm rất nhiều chương trình, từ truyền thông đến y tế dự phòng, dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng,… nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên, nhân lực cũng chính là vấn đề của câu chuyện muốn nâng cao hoạt động của TYT. “Ngay cả việc đầu tư máy móc tại các xã vùng đông của huyện như Duy Nghĩa, Duy Thành hay huy động tư nhân hỗ trợ máy móc tại TYT xã Duy Hải chẳng hạn, vì hồi đó nhân lực của chúng tôi khá dồi dào, không có tình trạng nhân viên y tế bỏ đi như hiện nay. Cách đây 3 năm, trung tâm tạo điều kiện cho 2 nhân viên quê ở các xã vùng đông này đi học chuyên sâu để về tăng cường cho TYT, nhưng những cán bộ này học xong lại bỏ đi làm nơi khác” - ông Thạnh nói.
Trong lúc nhân lực dành cho TYT gặp khó khăn, có một số nơi như Tam Kỳ, Phú Ninh chọn giải pháp đưa bác sĩ luân phiên từ Trung tâm Y tế về các TYT xã. Ông Phan Đình Mỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh chia sẻ, thực hiện Đề án 1816 về việc tăng cường bác sĩ ở Trung tâm Y tế về TYT, hiện nay tại Phú Ninh đảm bảo 2 buổi/tuần ở 11 TYT xã, thị trấn có bác sĩ luân phiên về khám chữa bệnh.
Thêm những nút thắt
Nhiệm vụ của các TYT xã được xác định nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, thực hiện quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, quan tâm trẻ em gia đình thuộc đối tượng chương trình suy dinh dưỡng; phòng chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, bệnh mạn tính; triển khai khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ; thực hiện hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân... Quảng Nam trước đây có 244 TYT cấp xã, sau này có 8 TYT xã được sáp nhập vào phòng khám đa khoa khu vực, cùng với đội ngũ y tế thôn bản phủ khắp hơn 1.700 thôn, bản trên toàn tỉnh.
Thống kê từ Bộ Y tế, hiện cả nước có 11.400 TYT xã, trong đó 87,5% số trạm có bác sĩ. Tại Quảng Nam, tỷ lệ TYT có bác sĩ hiện nay mới đảm bảo 56,5% (có 138 bác sĩ làm việc tại TYT xã); cơ cấu đội ngũ chưa đảm bảo, chất lượng hoạt động còn hạn chế, nhất là tại các xã miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bên cạnh khó khăn về nguồn lực tăng cường cho TYT, thực hiện quy định mới, các TYT hiện nay phụ thuộc khá lớn vào chính sách BHYT. Việc cấp danh mục thuốc bảo hiểm thiếu nhiều loại, khiến người dân có bệnh, dù là bệnh thường gặp, cũng vượt tuyến và chấp nhận chi một số tiền lớn hơn. Ngay ở khu vực xã Duy Châu, bà Võ Thị Tú Trinh - Trưởng TYT xã cho biết, không hiểu vì lý do gì TYT xã Duy Châu không được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, dẫn đến đa số người dân Duy Châu đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại TYT xã Duy Hòa hoặc TYT xã Đại Hòa (Đại Lộc) để được chuyển tuyến đến bệnh viện này...
Còn ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước cho biết, hiện nay nếu so với Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, Tiên Phước mới chỉ có 4/15 trạm đạt. Con số dễ thấy nhất về sự đìu hiu của TYT ở Tiên Phước là, tổng chi phí được BHYT thẩm định đối với tuyến xã năm 2018 của huyện này hơn 1,4 tỷ đồng, như vậy trung bình mỗi xã một năm chưa đến 100 triệu đồng.
Tương tự, chế độ thù lao cho y tế thôn bản cũng gây khó cho y tế cơ sở. “Chế độ này bị cắt nhiều năm nay, cùng với chế độ cộng tác viên dân số trong năm 2019 không có, do đó những đối tượng này không tiếp tục làm việc, gây rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cộng đồng về vấn đề sức khỏe” - ông Võ Hưng Lựu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình nói. Để đảm bảo công tác y tế dự phòng và dân số, chưa kể kiểm soát tình hình dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ về tiêm chủng, truyền thông,... các TYT đóng vai trò là “tuyến đầu” trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, đối diện với các thách thức không hề nhỏ từ nguồn kinh phí, nhân lực, cần phải có một “cú hích” để TYT về đúng chức năng và phát huy hiệu quả hoạt động của mình.
-----------------
BÀI CUỐI: Thay đổi tạo niềm tin