Thúc đẩy du lịch xanh

VĨNH LỘC 06/05/2020 10:51

(QNO) - Thời gian nghỉ tránh dịch Covid-19 cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp du lịch Hội An xây dựng lại sản phẩm dịch vụ, thị trường, sẵn sàng đón khách trở lại khi dịch bệnh kết thúc.

Một góc Kimibo Garden
Một góc Kymibơ Garden. Ảnh: VĨNH LỘC

Gắn với môi trường sinh thái

Chính thức khởi công từ tháng 7.2018, Kymibơ Garden (thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, TP.Hội An) là một khu vườn sinh thái xinh đẹp với gần 100 loại rau quả, kể đến như atiso đỏ, chanh dây, đậu bắp, đậu phụng, cà chua…

Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, chủ khu vườn cho biết, việc xây dựng trang trại không chỉ giúp đơn vị chủ động cung cấp nhiều sản phẩm xanh - sạch, mà còn hướng đến thay đổi nhận thức của du khách về môi trường khi tham quan, trải nghiệm nơi này.

“Từ năm 2019, công ty đã đề ra định hướng tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch gắn với cộng đồng. Trong đó, Kymibơ Garden được chúng tôi xây dựng để trở thành một mô hình sản phẩm khép kín với các khu nhà hàng, cà phê và nhiều giống rau đảm bảo cung cấp phục vụ khách, chủ yếu là khách truyền thống Âu - Mỹ hoặc khách Á cao cấp có trách nhiệm với môi trường” - ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Phạm Vũ Dũng, ngoài Kymibơ Garden, hiện công ty còn triển khai thêm 2 dự án khác trên địa bàn xã Cẩm Hà gồm vườn cây dược liệu và khu trải nghiệm nông nghiệp, chèo thuyền thúng, kayak… dành cho khách du lịch. Điểm chung của những khu vườn này là đều gắn canh tác với quy trình xử lý rác thải hữu cơ thông qua việc nuôi trùn quế. Bình quân một ngày mỗi khu vườn ủ hơn 100 ký rác, tương đương khoảng 400 tấn rác/năm.

Các sản phẩm du lịch xanh dự báo sẽ hút khách trong thời gian tới
Các sản phẩm du lịch xanh dự báo sẽ hút khách trong thời gian tới. Ảnh: VĨNH LỘC

Trong vài năm gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái đã trở nên quen thuộc với nhiều người và dự báo sẽ có đột biến khi du lịch phục hồi sau đại dịch Covid-19, bởi tâm lý e ngại nơi đông đúc, thích đến với thiên nhiên.

Tại Hội An, ngoài Kymibơ Garden còn có thể kể đến các mô hình du lịch sinh thái như An Nhiên Farm, Heal Organic Farm hay các vườn rau Trà Quế, Thanh Đông, An Mỹ... Trong đó, Heal Organic Farm quy tụ gần 10 doanh nghiệp cùng tham gia với mong muốn bảo vệ thiên nhiên, gửi trả lại thiên nhiên những gì vốn có để cùng hướng đến sự bền vững.

Cơ hội sau dịch

Suốt nhiều năm theo đuổi các sản phẩm du lịch sinh thái, thân thiện môi trường, ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality Hội An nhìn nhận, sau dịch bệnh Covid-19, hay chính xác hơn là 1 - 2 năm tới, du lịch xanh sẽ đóng vai trò chủ đạo. Do vậy, ngay từ bây giờ Hội An nên chọn phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng này, điều đó vừa mang tính bền vững nhưng cũng đảm bảo những lợi thế trong quá trình cạnh tranh thu hút khách sau dịch.

“Sản phẩm nông nghiệp xanh sẽ gắn với chế biến rác, ủ rác thành phân tạo ra những vườn rau cho khách trải nghiệm. Vấn đề này không những phù hợp với xu hướng sau dịch mà cả trong tương lai, đó là kinh tế tuần hoàn gắn với phân loại, chế biến rác” - ông Thanh phân tích.

Mặc dù việc mở cửa du lịch Hội An chưa biết khi nào diễn ra vì còn lệ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19, nhưng theo ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đây chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Vậy nên không vì thế ngồi chờ Chính phủ công bố hết dịch mà ngay từ bây giờ ngành du lịch, Hội An và doanh nghiệp phải chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch có thể ứng phó ngay khi hết dịch.

“Phải nhìn nhận dịch đã làm cho phố, khu du lịch, điểm lưu trú... “vắng vẻ” chứ không “hoang phế”, hoạt động du lịch chỉ “dừng lại” chứ không “đổ bể”. Chúng ta không phải mất tất cả mà chỉ tạm thời nên phải sẵn sàng tâm thế để khởi động đón khách lại ngay khi hết dịch” - ông Phùng nói.

Do vậy, từng đơn vị, doanh nghiệp du lịch phải có trách nhiệm, thậm chí san sẻ cơ hội cho nhau, trong đó Nhà nước cần đóng vai trò nhạc trưởng. Phải có giải pháp đồng bộ như nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, lưu trú, cung cách phục vụ; tập trung chăm sóc tốt hơn những sản phẩm đặc trưng đã trở thành thương hiệu của Hội An như “lối sống, nếp sống”, phố cổ yên bình, bãi biển sạch - xanh, làng quê thanh bình... Gắn với đó là thu hút thị trường khách nội địa và một số thị trường châu Á bằng các sản phẩm phù hợp.

Về lâu dài, cần có chiến lược tôn tạo, nâng cấp, đa dạng sản phẩm với chất lượng thật tốt cho từng đối tượng khách, không lệ thuộc vào một vài thị trường khách như vừa qua. Khách có nhu cầu sống chậm, thư giãn thì có phố cổ, làng quê, làng nghề, các hoạt động nghệ thuật; thích trải nghiệm thì có biển đảo, lễ hội; thích sôi động thì có các trung tâm vui chơi giải trí ăn uống 24/24 giờ...

VĨNH LỘC