Tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Quảng Nam sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa - nhiệm vụ mà đã qua 5 nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã kiên trì hoàn thiện và đạt được những thành tựu quan trọng.
Quảng Nam từ một tỉnh khi mới thành lập vào năm 1997, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với 90% dân số sống ở vùng nông thôn, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 57,7% trong GRDP, phi nông nghiệp chiếm 42,3% trong cơ cấu GRDP của tỉnh (trong đó, vốn các doanh nghiệp có khoảng 40 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 19,64%), đến năm 2020, nông nghiệp giảm chỉ còn 11%, các ngành phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng 89%. Quy mô nền kinh tế tăng lên đáng kể, năm 2020 đạt gần 110.000 tỷ đồng, từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước, đã vươn lên xếp vào nhóm 20 các tỉnh, thành; từ một tỉnh hầu như 100% ngân sách từ Trung ương hỗ trợ, đến nay đã có đóng góp ngân sách quốc gia… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại kéo dài nhiều nhiệm kỳ qua, nhưng chưa khắc phục triệt để, đáng chú ý là xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển chung của tỉnh, cần có những giải pháp tích cực, đồng bộ để khắc phục trong thời gian tới.
Để Quảng Nam phát triển vững chắc
Thực tiễn của thế giới, Việt Nam và Quảng Nam đang trong đại dịch Covid-19, dự báo kinh tế thế giới sẽ bị suy thoái, đã có các nền kinh tế tăng trưởng âm. Thế giới có nhiều chuyển biến khó lường, đúng như dự báo của Đảng. Vì vậy, các năm đầu tiên trong nhiệm kỳ đến, cần tập trung vực dậy nền kinh tế, giữ ổn định, sau đó mới có thể phát triển được. Thời gian này, chính là “thời gian lùi” của một chiến dịch sắp đến. Vì vậy, cần phải chuẩn bị những phương án cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội thời hậu Covid, mà trong dự thảo Báo cáo chính trị chưa tính đến. Vì, lúc dự thảo đến lần 3 cũng chưa dự báo được tình hình dịch bệnh Covid-19!
Trong 5 nhiệm kỳ qua, Quảng Nam đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng đánh giá một cách khoa học, toàn diện, thì phát triển chưa bền vững, còn mang nhiều yếu tố rủi ro nếu có vấn đề mới phát sinh về thị trường, về môi trường, thiên tai, dịch bệnh, thu ngân sách mới tập trung ở Khu liên hợp ô tô Trường Hải (khoảng 65%), phần còn lại 35% là từ các lĩnh vực, các ngành khác. Giả sử trong những năm đến, sản xuất ô tô bị đình trệ, thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và thu ngân sách.
Vì vậy, tính bền vững của nền kinh tế là rất quan trọng. Nếu phát triển không bền vững, để xảy ra sự cố rủi ro như rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh, thị phần tiêu thụ sản phẩm, các trọng án kinh tế, nhất là tham ô trong xây dựng cơ bản… thì chi phí cho việc xử lý, làm lại sẽ làm cho nền kinh tế kém hiệu quả, sụt giảm. Trong dự thảo Báo cáo chính trị chưa đề cập cán cân xuất nhập khẩu, để có thể tính toán về độ mở của nền kinh tế, cũng như tính toán về mức độ rủi ro của nó, nếu có sự chuyển biến về thị trường, nhất là thị trường hàng hóa nông, lâm, khoáng sản của tỉnh, mặt hàng gia công may mặc, giày da… thì có giải pháp đối phó.
Từ năm 2006, Chính phủ không còn cho phép các địa phương tự đề ra cơ chế vượt trội mang tính chất “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà phải bằng tư duy phát triển bền vững. Nên tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX (2010) đã chọn ba hướng đột phá để xây dựng và phát triển. Đó là, đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và đột phá trong tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Đây là vấn đề xem như nhiệm vụ chiến lược 10 năm của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Dự thảo Báo cáo chính trị nêu “Thực hiện ba nhiệm vụ đột phá không đạt mục tiêu đề ra; hệ thống giao thông kết nối giữa đồng bằng và miền núi chưa theo kịp phát triển kinh tế và du lịch của khu vực miền núi; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế”.
Trước tình hình đó, tôi đề nghị trong nhiệm kỳ đến cần sớm đánh giá (đầu nhiệm kỳ) cụ thể, toàn diện việc thực hiện 3 nhiệm vụ trên và có những giải pháp cụ thể, khả thi nhằm tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ này. Đồng thời đề nghị đổi tiêu đề “Đẩy mạnh 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược” thành “Đẩy mạnh và tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược”. Đề nghị thôi dùng từ đột phá, chỉ dùng cụm từ “nhiệm vụ chiến lược” là cụm từ hoàn toàn mang ý nghĩa chính trị và trong các trước tác lý luận thường dùng (chiến lược, chiến thuật), đồng thời thêm cụm từ “và tập trung” sau cụm từ “đẩy mạnh” vì chỉ đẩy mạnh, nhưng không tập trung chỉ đạo, tập trung đầu tư thì chiến lược cũng không thể đạt được mục tiêu như đã làm trong giai đoạn vừa qua.
Về 3 nhiệm vụ chiến lược
Nhiệm vụ chiến lược thứ nhất, chỉ nên đưa một nội dung là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ”. Thêm cụm từ “đồng bộ”. Tách nội dung phát triển đô thị ra và đưa vào nội dung ở mục 3, nói về phát triển vùng (đồng bằng ven biển và trung du - miền núi). Và đề nghị định hướng phát triển đô thị ở 2 vùng này cho rõ hơn. Nhiệm vụ chiến lược thứ hai, đề nghị đổi tiêu đề như sau: “Chủ động, tích cực, có lộ trình nhằm ứng dụng có hiệu quả những thành tựu cơ bản, thiết thực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng vẫn còn là một đất nước, một địa phương tụt hậu khá xa về kinh tế, lẫn KH&CN so với các nước tiên tiến đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, nói “chủ động tham gia …” là chưa rõ quyết tâm chính trị nên thêm cụm từ “tích cực”, và phải hiểu sâu hơn về cách mạng công nghiệp 4.0. Thực chất là việc ứng dụng các thành tựu KH&CN của thế giới vào nền kinh tế, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, cần định hướng rõ hơn lĩnh vực nào cần chủ động, tích cực thực hiện và có lộ trình thiết thực, tránh nói chung chung. Nếu ở đâu cũng nói cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng không hiểu và không cụ thể thì cũng không biết thực hiện như thế nào hoặc thực hiện không hiệu quả.
Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng phải xử lý theo cơ chế thị trường, không vì thành tích và hình thức như trong các thời kỳ vừa qua. Xử lý theo cơ chế thị trường, có nghĩa là gia đình đầu tư đào tạo con cái của họ bằng việc đầu tư một khoản “chi phí cơ hội” trong thu nhập của mình hoặc vay tín dụng đào tạo, còn người sử dụng thì tuyển dụng và trả lương theo trình độ đào tạo và kết quả lao động của họ. Tỉnh không đầu tư trực tiếp việc đào tạo chuyên môn sâu thạc sĩ, tiến sĩ. Nên tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao và nhà đầu tư sẽ thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vừa qua, nhiều địa phương như Quảng Nam đã dùng ngân sách đầu tư cho đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng do công việc chất lượng cao không có, nên nhìn chung, hiệu quả không cao. Vì vậy, điều quan trọng là phải có công việc cần lao động chất lượng cao trước, chứ đào tạo con người mà không có việc, về làm việc hành chính thì không cần.
Nhiệm vụ chiến lược thứ ba, đề nghị chỉ tập trung “cải thiện môi trường đầu tư gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên nên tách ra và tập trung nói ở nhiệm vụ thứ 9. Bảo vệ môi trường chủ yếu là phải thực thi tốt pháp luật về môi trường chứ không phải là chủ trương phát triển mang tính chiến lược. Và trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường cũng nên quan tâm đến công nghiệp môi trường, nhiều nước trên thế giới đã có chiến lược xây dựng công nghiệp tái chế, coi chất thải là một nguồn tài nguyên! Nhiệm vụ chiến lược ở đây là tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước gắn với phát huy hiệu quả việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong phần này, theo tôi nên có một đoạn nói về kinh tế tư nhân và chủ yếu trong thời gian tới sẽ tập trung khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển ở Quảng Nam, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, cũng là nơi hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Quảng Nam. Cần phân biệt khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo với vấn đề lập thân, lập nghiệp đơn thuần để có chính sách, cơ chế phù hợp, nhất là chính sách chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong việc tạo lập doanh nghiệp. Việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vừa là phong trào vừa là chuyên nghiệp. Nhưng không nên quá chú trọng đến phong trào, dễ rơi vào hình thức, mà tập trung vào hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy tạo lập các doanh nghiệp thật sự về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.