Lo ngại từ những con số thống kê
Kinh tế sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao… là những thống kê rõ nét nhất của tháng 4.2020 khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành để chống dịch.
Giảm “toàn tập”
Sự suy giảm của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh thấy rõ qua chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 4 đã giảm hơn 13% so tháng trước và giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp giảm mạnh như dệt ( giảm 6,4%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (25,7%), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (5,3%), sản xuất kim loại (68%), sản xuất xe có động cơ (50,3%), sản xuất phương tiện vận tải khác (40,3%), sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (32,7%)…
Không chỉ sản xuất, lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nặng nề do sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Dự tính doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4.2020 chỉ đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, giảm 19,5% so tháng trước và so với cùng kỳ giảm 30,6%.
So tháng trước, nhóm hàng vật phẩm văn hóa giáo dục giảm sâu nhất (62,4%) do học sinh tiếp tục được nghỉ học, nhu cầu mua sắm vật phẩm giáo dục giảm; hàng may mặc giảm 51,2%; phương tiện đi lại giảm 34,3%; xăng dầu giảm gần 22%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 26,5%; hàng hóa khác giảm 25,4%... Riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm chỉ giảm nhẹ (6%), được lý giải đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống thường ngày của người tiêu dùng.
Thổng kê này cũng chỉ ra 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,08% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng âm đầu tiên so với cùng kỳ trong những năm qua (năm 2018 tăng 11,4%, năm 2019 tăng 16,8%).
Du lịch càng thê thảm hơn khi các hoạt động du lịch, dịch vụ tạm dừng. Tổng lượng khách lưu trú giảm 94,7% so tháng trước, so cùng kỳ giảm 98,9%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ đạt gần 1.397 tỷ đồng, giảm 16,4% và giảm sâu hầu hết nhóm dịch vụ (trên 10%), trừ nhóm dịch vụ y tế tăng 10,5%...
Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ tháng 4.2020 ước đạt 195 tỷ đồng; trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt 9 tỷ đồng, giảm 77,7% so tháng trước và giảm gần 88% so tháng cùng kỳ.
Một thống kê khác cho thấy nếu chỉ số lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 2,11%, FDI tăng 1,4% thì khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm đến 10,19%. Đặc biệt tháng 4.2020, ngành khai khoáng giảm đến 23,6% chỉ số lao động; ngành may mặc giảm 10,2%; máy móc, thiết bị (chưa phân được vào đâu) giảm 27,5%; sản xuất có động cơ giảm 27,65%...
Tiếp tục lo ngại
Sản xuất, kinh doanh đình trệ, nhất là doanh nghiệp dệt may thiếu hụt nguồn nguyên liệu, đối tác hủy đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp phải thực hiện phương án giãn giờ, giãn ca, giảm số ngày làm trong tuần, chuyển sang may khẩu trang để duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân người lao động.
Cụ thể, có 4 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cho công nhân tạm thời nghỉ việc hoặc giảm số ngày làm; 1 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, 3 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tam Thăng cho công nhân nghỉ luân phiên; 1 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai tạm đóng cửa; 1 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tam Hiệp cho 50% công nhân nghỉ luân phiên. Có đến 9 công ty tại 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho công nhân tạm nghỉ hoặc làm việc luân phiên để duy trì hoạt động sản xuất.
Nặng nề nhất là tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải (gồm 32 công ty con với 8.237 lao động), tính đến 31.3.2020, do sản phẩm đầu ra gặp khó khăn nên Công ty Ô tô bus với 800 công nhân tạm dừng hoạt động, toàn bộ 800 công nhân này được điều chuyển bố trí làm các công việc khác tại 31 công ty còn lại. Ngoài ra, cũng đồng thời cho nghỉ việc luân phiên đối với số công nhân làm việc tại Công ty CP Ô tô Trường Hải.
Bên cạnh đó, có 3 doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi một phần hoạt động sản xuất kinh doanh sang may khẩu trang phòng chống dịch để duy trì hoạt động và giữ người lao động; 1 doanh nghiệp ngừng hoạt động do chuyên gia, quản lý người nước ngoài không nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định.
Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Lê Quý Đạt – Cục trưởng Cục Thống kê là dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm hoặc luân phiên lao động làm việc nên hiệu suất công việc không cao. Hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được nên doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng. Không sản xuất hết công suất nhà máy hoặc một số doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa.
Lệnh giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng. Dấu hiệu dịch bệnh được kiểm soát đang ở mức đáng lạc quan. Nhà máy, công xưởng mở cửa trở lại. Các hàng quán như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày đã bật với mức độ kinh doanh sôi động hơn, nhưng sức mua vẫn ì ạch vì dân chúng không có nhiều tiền để tiêu dùng, chỉ “hấp dẫn” ở những mặt hàng thiết yếu. Hy vọng sẽ có một con số thống kê khác “đẹp hơn” trong tháng tới!
Tuy nhiên, khó khăn sẽ không dừng lại ở đó. Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, không dự đoán được thời điểm kết thúc. Sản xuất vẫn có thể đình trệ… Ngay như Mỹ Sơn đã mở cửa đón khách trở lại ngày 28.4.2020, nhưng lượng khách đến tham quan chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết việc mở cửa cũng chỉ để hâm nóng thị trường, thể hiện sự an toàn của điểm đến, chứ doanh thu không đủ bù đắp chi phí nhân viên. Đơn vị vẫn phải dùng kinh phí dự phòng, số tiền lích lũy lâu nay để trả lương cơ bản cho nhân viên, đợi ngày du khách đông đúc trở lại.
Những dự báo không khả quan cũng là điều dễ hiểu. Kinh tế địa phương không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực riêng lẻ mà còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới và đất nước, khả năng phục hồi của các nền kinh tế, của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Song song với dập dịch, nỗ lực nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội “sống chung với dịch” ở mức cầm cự, chống chịu và chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng thời cơ phục hồi nền kinh tế ngay khi dịch bệnh đi qua là điều cần thiết. Không thiếu những giải pháp, chính sách đã ban hành. Nhưng dù là giải pháp gì, cũng phải thực hiện thật nhanh thì mới có thể phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho nền kinh tế trong giai đoạn sau!