Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19: Mặt trận phải giám sát chặt chẽ

VINH ANH 01/05/2020 07:06

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu Mặt trận và tổ chức thành viên các cấp vào cuộc ngay từ đầu, song hành với chính quyền trong việc rà soát đối tượng, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chính xác, kịp thời.

Người dân có hoàn cảnh khó khăn đến nhận gạo hỗ trợ từ “ATM gạo” do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tài trợ. Ảnh: A.Đ
Người dân có hoàn cảnh khó khăn đến nhận gạo hỗ trợ từ “ATM gạo” do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tài trợ. Ảnh: A.Đ

Không để trục lợi chính sách

Quán triệt nội dung giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại hội nghị trực tuyến toàn quốc vào ngày 27.4 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sự vào cuộc giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ kịp thời ngăn ngừa tiêu cực nếu có. Đồng thời đảm bảo việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ được triển khai đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời.

Theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ tập trung chủ yếu giám sát việc hỗ trợ người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1.4.2020; hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21.10.2013 của Chính phủ; giám sát việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ. Bên cạnh đó cũng giám sát việc hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; giám sát việc hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Về phương thức giám sát, ngoài việc phát huy vai trò giám sát của người dân ở khu dân cư, nhất là việc lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và việc niêm yết danh sách tại trụ sở UBND các xã phường đảm bảo thời gian để không phát sinh khiếu kiện, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành lập đoàn giám sát nhóm đối tượng “NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương”, với thành viên tham gia gồm Mặt trận và lãnh đạo các tổ chức thành viên có đối tượng đoàn viên, hội viên được hưởng chính sách. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc giám sát của cấp huyện, xã.

Phải chặt chẽ, kịp thời

Công khai số điện thoại tiếp nhận phản ánh của người dân

Liên quan đến công tác giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ đại dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn yêu cầu Mặt trận các cấp phải cung cấp số điện thoại, địa chỉ email để nhân dân trực tiếp phản ánh. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân. Ở Mặt trận Trung ương, yêu cầu phải công khai 3 số điện thoại của Trưởng ban Phong trào, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân.

Để việc triển khai chính sách một cách nhanh chóng, chính xác, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát lên danh sách, chứ không chờ lập trong danh sách mới giám sát. Bộ LĐ-TB&XH sẽ lập đường dây nóng và một trang điện tử để cập nhật giải đáp các vướng mắc của địa phương. “Hơn hết, chúng tôi mong một là tự giác, hai là kiểm tra, giám sát thật kỹ để không xảy ra tình trạng tiêu cực với gói an sinh dành cho người nghèo” - ông Đào Ngọc Dung nói.

Tại Quảng Nam, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có hơn 350 nghìn người cần được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, với tổng số tiền dự kiến hơn 780 tỷ đồng. Theo ông Võ Xuân Ca - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ngoài những nhóm đối tượng cần giám sát theo hướng dẫn của Trung ương thì Mặt trận và các tổ chức thành viên cần chú ý đến đối tượng mất việc làm. Việc giám sát cần phải thực hiện song song với công tác rà soát, lập danh sách của chính quyền.

Ông Võ Xuân Ca nhấn mạnh: “Phải giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa, không sót đối tượng, không để lợi dụng chính sách…”. Ông Võ Xuân Ca cũng đề nghị Mặt trận và các tổ chức thành viên phải giám sát… “chính chúng ta”. “Những đồng tiền nào người dân đóng góp ủng hộ phòng chống dịch qua Mặt trận, đoàn thể phải minh bạch, công khai trên các phương tiện đại chúng. Đây không đơn thuần là chuyện “tiền nong” mà đó là nghĩa cử của đồng bào, của nhân dân, chúng ta không được phép làm sai” - ông Ca nói.

VINH ANH