Doanh nghiệp nên chuyển đổi số
Ông Nguyễn Bão Quốc hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lãnh đạo và doanh nhân trẻ thế giới tại Đà Nẵng (JCI Đà Nẵng) và là Giám đốc Công ty BQ Tranining & Consulting Solutions Co.Ltd (tư vấn DN), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ. Trăn trở trước thực trạng nhiều DN rơi vào suy thoái do dịch Covid-19, ông chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam về nguyên nhân và đưa ra các giải pháp vực dậy DN trong giai đoạn hiện nay.
PV:Thưa ông, có thể hình dung bức tranh chung về DN khởi nghiệp ở Quảng Nam như thế nào trong đại dịch Covid-19?
Thực ra, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không chỉ có những DN vừa và nhỏ, ở địa phương cụ thể nào, mà DN trên toàn thế giới đều bị tác động. Tuy nhiên, đối với DN đang khởi nghiệp thì sự tác động có phần lớn hơn, mang tính “sống còn” hơn. Theo Tạp chí Harvard Business Review - tạp chí dành cho những người hành nghề kinh doanh, các chuyên gia về kinh tế đều nhận định, sau đại dịch, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có thể xảy ra 3 kịch bản theo các ký tự “V”, “U” và “L”. Chữ “V” thể hiện mô hình khi đại dịch Covid-19 kết thúc trên toàn thế giới trong thời gian ngắn sắp tới thì DN chạm đáy khủng hoảng nhanh và phục hồi nhanh. Chữ “U” thể hiện mô hình khi đại dịch kéo dài, suy thoái chạm đáy một khoảng thời gian và bắt đầu khôi phục trở lại đỉnh như trước suy thoái. Còn với chữ “L”, DN tụt dốc nhanh và không biết được thời điểm phục hồi.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên chúng ta có quyền hy vọng quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 có thể là chữ “V”. Ở Quảng Nam, hầu hết DN khởi nghiệp đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có tuổi đời khá non trẻ, kinh nghiệm thương trường chưa nhiều, vì vậy đại dịch Covid-19 lần này là một thách thức không nhỏ mà DN cần vượt qua. Đối với một số DN có hệ thống quản trị và vận hành bài bản, sớm có kịch bản đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh như cắt giảm chi phí, tối ưu hóa nhân sự, tăng các hoạt động đào tạo nội bộ, chuyển kênh bán hàng truyền thống qua tư vấn online… thì vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh và nguồn lực để phát triển sau dịch. Phần lớn DN còn lại phải gồng mình gánh nhiều khoản chi, như lãi ngân hàng, nhân viên, mặt bằng…, thậm chí là phát sinh lãi chồng lãi, nợ chồng nợ, mất kiểm soát thì khả năng phục hồi sẽ chậm hơn.
PV:Vậy, cụ thể hơn, từng mô hình kinh doanh đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như thế nào?
DN khởi nghiệp trên địa bàn Quảng Nam chủ yếu đi theo các mô hình kinh doanh truyền thống như: cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, chuỗi quán cà phê, nhà hàng, sản xuất hàng tiêu dùng và một số DN sản xuất cơ khí, đồ thủ công mỹ nghệ… Các hoạt động thường ngày của DN phần lớn được quản lý bởi sổ sách, giấy tờ, hồ sơ cồng kềnh, không có phương pháp quản lý công việc khoa học, nhân sự đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều việc nên bình thường đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Các hoạt động mua bán theo dạng cửa hàng “vật lý” khi bị giãn cách xã hội thì gặp rất nhiều khó khăn do khách hàng rất e dè trong việc đi mua sắm thời gian này, nhưng tiền thuê nhân viên, mặt bằng, tiền điện, nước, lãi ngân hàng… thì người chủ vẫn phải chi ra. Doanh nghiệp FMCG - nhóm sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng, có mô hình bán hàng qua kênh phân phối, trước khi đến tay người tiêu dùng, thì càng khó khăn hơn do nhà phân phối đang hoạt động theo kiểu cầm chừng, hạn chế nhập hàng nhiều vì sức mua giảm, hàng tồn kho nhiều, tốn chi phí lưu kho. Các DN sản xuất những mặt hàng này bị động kế hoạch kinh doanh, sản xuất đến dự trù nguyên vật liệu đầu vào. Đối với DN có mô hình kinh doanh B2B (từ DN đến DN), thì chịu ảnh hưởng khá nặng bởi giãn cách xã hội làm cho các hoạt động thương thảo, tiếp cận khách hàng để tìm kiếm thị trường, bán hàng gặp nhiều khó khăn.
“Doanh nghiệp khởi nghiệp cần tiếp cận thị trường online, xây dựng website riêng, xây dựng thương hiệu và bán hàng qua mạng, tạo ứng dụng thông minh để tiện cho khách hàng đến với mình... là những bước chuyển đổi số nhằm vực dậy sản xuất, kinh doanh sau dịch covid-19”
(Ông Nguyễn Bão Quốc)
Nói tóm lại, DN khởi nghiệp đều bị vỡ trận kế hoạch kinh doanh của năm 2020 và định hướng trong nhiều năm đến. Vì tất cả dự định (kế hoạch bán hàng, marketing, các hoạt động khai mở thị trường, quy trình quay vòng vốn...) bị tắc lại trong một giai đoạn. Không ít DN không tự cân đối được nguồn lực đã phải phá sản chỉ trong thời gian ngắn vừa qua. Nói điều này để các DN khởi nghiệp đang còn hoạt động, dù chỉ cầm chừng vẫn phải vui mừng vì ít ra họ còn “sống”.
PV:Trước thực tế như vậy thì DN khởi nghiệp cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Đa số DN khởi nghiệp đều chưa có hệ thống quy trình bài bản về quản trị, quản lý DN. Chính vì vậy, khi có biến cố xã hội xảy ra, ảnh hưởng đến DN của mình thì họ rơi vào trạng thái lúng túng, bất lực, không biết phải làm gì. Ví dụ, dịch Covid-19 xảy ra, nhiều DN dù không bán được hàng nhưng vẫn phải duy trì khâu sản xuất, họ không dám cho nhân viên nghỉ việc tạm thời vì không biết có đúng với quy định pháp luật hay không; hay sợ sau khi nghỉ việc, nhân viên sẽ tìm kiếm việc làm khác. Nếu có hệ thống quy trình bài bản thì DN sẽ lường trước được những rủi ro khách quan, chủ quan mà có hướng đi cụ thể, hiệu quả.
Ngoài ra, DN cũng phải nghiên cứu lại cơ cấu tổ chức hiện tại đã ổn chưa? Các nguồn lực về tài chính, nhân sự, khoa học kỹ thuật có đảm bảo không? Mô hình kinh doanh có cần phải thay đổi... Đặc biệt, DN khởi nghiệp nên nghiên cứu phương thức bán hàng đa kênh, không chỉ là truyền thống mà phải bán hàng online. Lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp đề hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biến động xã hội đến DN mình.
PV:Lâu nay, chúng ta vẫn thường nhắc đến khái niệm tiếp cận thị trường online trong các diễn đàn nhưng nhiều DN vẫn chưa tham gia. Cụ thể, để phát triển phương thức bán hàng đa kênh thì DN nên làm gì?
Như đã nói ở trên, đa số DN khởi nghiệp ở Quảng Nam đều theo mô hình truyền thống, các kênh bán hàng đều ở dạng “vật lý”, dễ bị ảnh hưởng khi có biến động thị trường. Dịch Covid-19 ảnh hưởng chung nhưng không nhiều đến thị trường này. Tháng 3 vừa rồi, tôi có tham gia một hội thảo online chuyên đề chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ do Diễn đàn Chudoso Việt Nam tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của gần 1.000 DN và đặc biệt có các CEO lớn như Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Next Tech Group, Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade Việt Nam, Tuấn Hà - Chủ tịch Vinalink Academy, họ đều là những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, Sales & Marketing. Các CEO này cùng quan điểm, DN khởi nghiệp nên có kế hoạch xây dựng lộ trình triển khai chuyển đổi số để dễ dàng ứng phó với sự thay đổi, cũng như khai thác thị trường khách hàng online tốt hơn.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, 2018 - 2020, tốc độ tăng trưởng của chuyển phát cho thương mại điện tử là 60%, những DN có tốc độ phát triển thấp nhất là 30% và những đơn vị cao hơn có thể đạt 70%. Số liệu này cho thấy, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các DN khởi nghiệp khi chưa tiếp cận thị trường online. Vì vậy, họ cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho thương hiệu của mình trên mạng. Ngoài xây dựng website riêng có đầy đủ thanh công cụ ấn tượng, thu hút, DN cần nghiên cứu thêm các phương pháp bán hàng và xây dựng thương hiệu DN hiệu quả qua các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikTok… DN cần ứng dụng các phần mềm quản lý để tăng trải nghiệm khách hàng và đẩy mạnh hoạt động bán hàng, chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn như CRM. Thậm chí sẵn sàng chi tiền đầu tư hình ảnh bằng việc sản xuất video PR, chạy quảng cáo trên các kênh này để giới thiệu DN và sản phẩm của mình đến với khách hàng. Ngoài ra, một xu hướng mới nữa mà các DN cũng nên hướng tới là tạo một App (ứng dụng thông minh) trên thiết bị điện thoại di động cho riêng mình hoặc liên kết với nhiều DN khác trong cùng nhóm để tạo App. Tôi tin rằng, nếu hướng đi này được thực hiện quyết liệt thì DN nhanh chóng vực dậy.
PV:Xin cảm ơn ông!