Thủ tướng cho xuất khẩu khẩu trang, nới lỏng các hoạt động xã hội
(QNO) - Cần bảo đảm một kỳ nghỉ lành mạnh, an toàn cho người dân, an toàn với dịch bệnh, bảo đảm an toàn giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh riêng hệ thống phòng chống dịch bệnh phải tiếp tục hoạt động 100%.
Thông tin trên được đưa ra trong kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng chủ trì chiều nay 28.4.
Nhắc lại phát biểu tại phần khai mạc cuộc họp là Việt Nam đã cơ bản đầy lùi dịch bệnh, làm chủ được tình hình, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống dịch, bởi "lúc này chưa phải là lúc xả hơi hoàn toàn".
Theo đó, vẫn phải tiếp tục ngăn chặn dịch xâm nhập, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch một cách kịp thời, hiệu quả; tránh tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch thông thường.
Tiếp tục cho phép nhập cảnh đối với các trường hợp là chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư… nhưng phải thực hiện biện pháp cách ly phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch. Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp với các bộ ngành, địa phương có phương án giám sát y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam mà không phải cách ly tập trung 14 ngày.
"Chúng ta bảo đảm một kỳ nghỉ lành mạnh, an toàn cho người dân, an toàn với dịch bệnh, bảo đảm an toàn giao thông" - Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh riêng hệ thống phòng chống dịch bệnh phải tiếp tục hoạt động 100%.
Về các đề nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng chấp thuận cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, các thuốc điều trị COVID-19 và vật tư y tế trên cơ sở tạo thuận lợi nhưng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín quốc gia.
Trước đó, Ban Chỉ đạo đã thống nhất phương án bỏ chế độ cấp giấy phép và cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế mà không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu. Căn cứ diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp để bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước.
Với các hoạt động chung, Thủ tướng lưu ý là cần nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, khởi động tích cực, tăng tốc phát triển kinh tế ở lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở phương án phòng dịch.
Theo đó, lãnh đạo các địa phương phải chủ động đề ra các biện pháp chống dịch theo mức nguy cơ lây nhiễm. Cân nhắc không áp dụng các biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt là một số ngành đạt quá thấp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng như là du lịch, dịch vụ ăn uống và đặc biệt là ngành hàng không.
Các khu công nghiệp, khu du lịch, các đô thị đông dân cư, chợ, siêu thị, các nơi có mật độ giao lưu, giao thương lớn có sự kiểm soát, đôn đốc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch. Bảo đảm an toàn khi học sinh đi học trở lại, triển khai các biện pháp kiểm soát y tế đối với những người về Việt Nam qua đường mòn, lối mở.
Bảo đảm an toàn và quyết định việc tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa phù hợp, cũng như khách đi tàu lửa, đi ôtô, bảo đảm số chuyến, không để dồn ứ hành khách có nhu cầu đi lại.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân kịp thời. Đồng thời ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng lợi ích nhóm trong vấn đề mua các thiết bị y tế; nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.