Lỗi không phải ở “ATM gạo”

CHÂU NỮ 28/04/2020 09:24

“ATM gạo” ra đời được cho là sáng kiến nhân văn trong mùa dịch Covid-19 khi kịp thời cung cấp một phần lương thực cho nhiều người khó khăn. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Quan trọng hơn, từ “ATM gạo”, tinh thần nhân văn, hành động nhân ái được lan rộng. Với người nghèo, họ như được tiếp thêm niềm tin vào một xã hội, một cộng đồng tốt đẹp, biết nhường cơm sẻ áo. Người có điều kiện cũng có cơ hội được sẻ chia. 

Nhưng rồi, sau một thời gian đi vào hoạt động, một số bất cập chung quanh việc nhận gạo từ ATM đã bộc lộ. Tất nhiên, lỗi không phải ở ATM gạo, mà từ chính con người. Máy móc càng hiện đại (tính tự động cao), thì yêu cầu tính tự giác, ý thức, tự trọng ở con người càng cao. Máy móc không phân biệt hoàn cảnh từng người.

Quảng Nam cũng có một số “ATM gạo” đặt ở Tam Kỳ, Núi Thành, Hội An...  Từ những ATM này, hàng tấn gạo được các nhà hảo tâm ủng hộ đã đến với người nghèo.

Chỉ tính riêng “ATM gạo” đặt tại trụ sở Hội Từ thiện Quảng Nam, qua 4 ngày hoạt động đã có gần 5 nghìn lượt người được nhận gạo, mỗi lượt 3kg. Song song với việc phát gạo, các điểm “ATM gạo” cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Ngoài gạo, người khó khăn khi đến nhận gạo ở các điểm đặt máy “ATM gạo” còn nhận được một số nhu yếu phẩm khác…

Để đáp ứng nhu cầu nhận gạo ngày càng nhiều của bà con và có thêm nhiều người nghèo nhận gạo, để “không ai phải ở lại phía sau”, các tổ chức, cơ quan phát gạo kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp sức. Tuy nhiên, đến sáng qua 27.4, một số “ATM gạo” ở Quảng Nam đã dừng hoạt động. Có nơi do hết gạo, có điểm do quá tải số người đến nhận. Mặc dù đã có tình nguyện viên nhưng do nhiều người chen lấn nhận gạo, dẫn đến “vỡ trận”.

Một người có trách nhiệm, làm công tác từ thiện lâu năm, tâm sự rằng trong những ngày phát gạo cho bà con qua “ATM gạo”, ông cảm thấy rất vui vì nhiều người khó khăn đã được giúp đỡ.

Nhưng cũng từ các điểm “ATM gạo” này, những người có lòng tốt lại phải chứng kiến nhiều chuyện không vui. Có những người già phải đi khá xa, chờ lâu để nhận được vài ký gạo. Vì đông người nhận, nên có người cố chen lấn, quên ưu tiên người già, người khuyết tật.

“Trong lúc khó khăn này mà ai cũng chen lấn, cũng cố giành phần hơn và giành cho nhiều, thì còn phần đâu cho những người ốm yếu, khốn khó thật sự?” - một người làm thiện nguyện cho hay.

Buồn hơn nữa là có tình trạng nhận gạo “chuyên nghiệp”: một ngày nhận nhiều lần; cả gia đình, vợ chồng con cái đều đi xếp hàng nhận gạo, dù mỗi điểm “ATM gạo” đều có câu: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, không khó khăn xin nhường cho người khác”.

Ông Trần Hồng Phúc - Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh cho rằng, việc lập các điểm “ATM gạo” để giúp đỡ người khó khăn được nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đồng hành chia sẻ, nhưng sau thời gian thực hiện cho thấy khó kiểm soát được đối với những người có lòng tham và cũng quá tội những người cao tuổi, khuyết tật.

Tới đây, Hội Từ Thiện tỉnh sẽ đổi phương cách phát gạo. Có thể sẽ lấy danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo từ địa phương, đóng gói gạo, để sẵn sàng cấp phát tận tay những người thực sự khó khăn; thậm chí đến tận nhà trao cho những người đi lại khó khăn...

CHÂU NỮ