Một số suy nghĩ về phát triển Quảng Nam

VŨ NGỌC HOÀNG 27/04/2020 11:00

LTS: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (Báo Quảng Nam đã công bố toàn văn) đặt ra mục tiêu đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.Báo Quảng Nam mở “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”, với mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu nêu trên. Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ “toasoan@baoquangnam.vn”, chuyên mục “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”).

Quảng Nam có điều kiện để trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn. TRONG ẢNH: TP.Hội An - một trong những địa phương có thế mạnh phát triển du lịch - dịch vụ của tỉnh. Ảnh: T.S
Quảng Nam có điều kiện để trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn. TRONG ẢNH: TP.Hội An - một trong những địa phương có thế mạnh phát triển du lịch - dịch vụ của tỉnh. Ảnh: T.S

Quảng Nam phải thành một vùng phát triển năng động và bền vững, nhất là sự phát triển toàn diện của con người, có thu nhập cao, môi trường tự nhiên và xã hội tốt cho cuộc sống.

Quảng Nam có lợi thế (và bất lợi) gì?

Lợi thế lớn nhất của Quảng Nam thuộc về địa kinh tế và địa chính trị. Một tỉnh nằm ở vị trí trung độ của đất nước, tiếp giáp với Biển Đông, Tây Nguyên và nước Lào. Tất cả loại hình giao thông xuyên Việt đều đi ngang qua tỉnh; có 2 sân bay và 4 cảng biển ở hai đầu; nằm gần các trục đường xuyên Á, trên hành lang của đường hàng hải quốc tế và dưới cánh bay của đường hàng không quốc tế. Từ đây, hàng hải và hàng không có thể tỏa về bốn hướng một cách thuận lợi. Bờ biển dài, có nhiều bãi tắm tốt. Những dòng sông, các hồ nước và núi rừng với các phong cảnh đẹp. Nhiều di sản văn hóa quốc gia và thế giới. Phía tây có nhiều mặt bằng với độ cao đáng kể so với mặt nước biển, đủ mát quanh năm.

Với các lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị và đặc điểm của hệ thống giao thông kể trên, có thể tính đến những ý đồ lớn và lâu dài của chiến lược phát triển. Nơi đây phù hợp nhiều nhất cho việc mở cửa giao thương, phát triển một trung tâm du lịch lớn, cùng với trung tâm thương mại và dịch vụ, phát luồng bán buôn, trung chuyển quốc tế và trong nước. Lịch sử cho thấy Quảng Nam đã từng là vùng đất mở, có truyền thống của văn hóa mở - đây là một lợi thế về con người và văn hóa.

Quảng Nam cũng có một số lợi thế đối với phát triển công nghiệp, nhưng không phải nhiều lắm, không bằng lợi thế đối với du lịch và thương mại dịch vụ. Có thuận lợi về đầu mối giao thông và một ít khoáng sản các loại, nhưng nói chung là xa vùng nguyên liệu và cũng xa thị trường tiêu thụ. Khoáng sản tuy đa dạng, nhiều loại, nhưng đủ sản lượng công nghiệp thì không nhiều. Đối với các loại hàng cồng kềnh, siêu trường siêu trọng mà từ đây chuyển đi các vùng khác hoặc chở nguyên liệu thô về đây thì chi phí vận chuyển tốn kém nhiều hơn so với các vùng khác. Trong điều kiện như vậy, tốt nhất là phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có khối lượng nhỏ nhưng giá trị lớn.

Khí hậu và địa chất ở Quảng Nam giao thoa cùng lúc giữa nam - bắc Hải Vân và đông - tây Trường Sơn, giữa vùng đá granit và vùng đá vôi; địa hình nhiều dốc dễ bị xói mòn và sạt lở núi; đất đai nông nghiệp nhìn chung kém độ màu mỡ (trừ một số ít ở đồng bằng phía bắc tỉnh), bị manh mún chia cắt bởi sông suối,  núi đồi và các tiểu vùng khí hậu. Với những đặc điểm như vậy, nông nghiệp Quảng Nam không có lợi thế để sản xuất lương thực hàng hóa, ngược lại, có lợi thế đáng kể về trồng cây dược liệu.

Mục tiêu phát triển và cơ cấu kinh tế

Những năm qua, nhiều văn bản, nhiều người, nhiều lần đã từng nói về tái cơ cấu kinh tế. Đúng rồi, nhưng tại sao phải vậy và tái cơ cấu như thế nào, bằng cách nào thì còn nhiều vấn đề nên thảo luận thêm cho thật rõ.

Với điều kiện của Quảng Nam nên lựa chọn cơ cấu kinh tế nào? Xem xét lợi thế so sánh và xu thế phát triển, nên đưa khối dịch vụ lên vị trí đứng đầu, tiếp theo là công nghiệp, rồi đến nông nghiệp. Nói cách khác là chuyển từ một tỉnh nông nghiệp sang tỉnh công nghiệp. Đặc điểm đầu tiên và quan trọng nhất của một tỉnh công nghiệp sẽ phản ảnh trong cơ cấu lao động. Tuyệt đại bộ phận lao động xã hội sẽ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Số lao động nông nghiệp còn lại rất ít (thay vì trước đó lao động nông nghiệp chiếm phần lớn). Ở nhiều nước phát triển hiện nay tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn lại chỉ vài ba phần trăm. Ngay cả trong nông nghiệp, số lao động dịch vụ khoa học kỹ thuật cũng nhiều. Nói vậy không có nghĩa, muốn thành tỉnh công nghiệp thì không cần quan tâm nông nghiệp, không tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Mục đích của hoạt động kinh tế là tạo ra thu nhập. Bất kể nông nghiệp hay phi nông nghiệp mà đem lại giá trị gia tăng và thu nhập cao là mục đích của sự lựa chọn. Sở dĩ ta lựa chọn dịch vụ và công nghiệp để tập trung thúc đẩy là vì nó có khả năng cho thu nhập cao hơn. Cuối cùng sự chuyển dịch cơ cấu lao động là kết quả “tự nhiên” của quy luật kinh tế, do cuộc sống và công việc dẫn đến như vậy, chứ không phải là ý chí chủ quan.

Lĩnh vực dịch vụ ở Quảng Nam có thể phát triển những gì? Đó là du lịch, thương mại, hậu cần cảng (hàng hải, hàng không) và vận tải trung chuyển, đi theo nữa sẽ là tài chính, ngân hàng; và cùng với đó là dịch vụ GD-ĐT, khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe. Quảng Nam có điều kiện để trở thành một trung tâm du lịch - dịch vụ lớn và chính điều này sẽ là nhân tố tác động quan trọng nhất để có thể trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Trong đó có vai trò rất đáng kể của sân bay và cảng biển trung chuyển quốc tế. Sân bay Chu Lai có lợi thế về vị trí địa kinh tế, về mặt bằng và tĩnh không để phát triển thành một sân bay lớn. Vịnh An Hòa với vị trí địa kinh tế, điều kiện tự nhiên tốt và gần khu vực công nghiệp có thể hình thành một cảng thương mại lớn, kể cả trung chuyển. Gần cạnh cảng và sân bay, phát triển một vài khu thương mại tự do có các sàn giao dịch hàng hóa và tài chính, gắn với thương mại điện tử, phát luồng bán buôn và đi các nơi.

Du lịch đã (và đang tiếp tục) trở thành một ngành kinh tế lớn. Tại các trung tâm du lịch, đời sống nhân dân cao hơn hẳn so với các vùng chung quanh. Nhìn chung không bị ô nhiễm môi trường như khối ngành công nghiệp. Cảnh đẹp có thể “bán” để thu tiền nhưng không ai mang đi đâu được, không mất giá trị sử dụng. Cảnh quan được nâng cấp góp phần làm cho quê hương đẹp hơn lên. Nếu công nghiệp tiếp cận hằng ngày với máy móc thì du lịch lại tiếp cận với các nền văn hóa, và do vậy con người cũng sẽ được hoàn thiện. Đi với du lịch sẽ có nhiều ngành dịch vụ phát triển theo. Có ý kiến cho rằng, sau đại dịch Covid-19 này, ngành du lịch sẽ thu lại. Tất nhiên là có ảnh hưởng nhất định, nhưng đại dịch rồi cũng sẽ qua đi và nhu cầu du lịch của con người thì còn tăng lên nữa. Đây là ngành lưỡng tính, vừa là kinh tế vừa là văn hóa.

Môi trường đầu tư

Quảng Nam tự mình không đủ nguồn tài chính, không có công nghệ, không có thị trường và cũng chưa có kinh nghiệm quản trị kinh doanh lớn trên thị trường toàn cầu. Vì vậy, xây dựng cho được môi trường đầu tư tốt là việc có ý nghĩa quyết định đối với thành công. Môi trường đầu tư tốt chính là cách làm dẫn đến thắng lợi. Thực chất giải pháp quan trọng nhất của công việc quản lý nhà nước là nắm lấy công tác quy hoạch chiến lược và xây dựng môi trường đầu tư phát triển, chứ không phải các việc sự vụ khác.

Trong môi trường đầu tư bao gồm 3 vấn đề quan trọng nhất. Đó là cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và văn hóa ứng xử với các đối tác. Trong quãng thời gian sau khi tái lập tỉnh, Quảng Nam đã thực hiện khá tốt việc xây dựng môi trường đầu tư. Một số năm sau này nhìn chung không được như thế nữa. Cần phải đặt trọng tâm công việc quản lý nhà nước bằng việc chăm lo xây dựng môi trường đầu tư. Nếu không như thế thì các ý đồ lớn về chiến lược phát triển sẽ còn trên giấy, không bao giờ có thể trở thành hiện thực.

Cơ chế chính sách cần được vận dụng theo hướng thoáng mở và khuyến khích hơn, tất nhiên phải trên cơ sở quy định chung và động cơ trong sáng, không để lợi ích nhóm xen vào. Việc này nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản, đòi hỏi các lãnh đạo chủ chốt phải có bản lĩnh dám làm dám chịu trách nhiệm. Thủ tục hành chính cũng vậy, bớt đi những chờ đợi, những trung gian và không minh bạch rõ ràng. Tập trung xúc tiến một ít dự án có tính chất chiến lược để từ đó tạo nên sự thúc đẩy chung, đồng thời biết từ chối những dự án xét thấy không có lợi mặc dù có thể nó cám dỗ. Khoảng 15 năm trước đây Quảng Nam đã biết từ chối hai dự án lớn là lấy cảng Kỳ Hà để làm nhà máy đóng tàu thủy và một trung tâm nhiệt điện chạy than với quy mô đầu tư hơn 2 tỷ USD. Việc từ chối đó thật đúng đắn. Tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi đó đã bàn kỹ và quyết định đúng, tránh được những sai lầm về môi trường và ảnh hướng tiêu cực cho định hướng quy hoạch phát triển. Nói chung (và ngoại giao nữa) không phân biệt đối tác đầu tư là nước này hay nước kia, nhưng vẫn phải hết sức cảnh giác, không bị mơ hồ với kẻ luôn có ý đồ chi phối nước ta, không để bị lệ thuộc về kinh tế hoặc để họ chiếm giữ các vị trí quan trọng. Ông bà ta đã nói phải chọn bạn mà chơi, vận dụng trong trường hợp này là cần thiết.

VŨ NGỌC HOÀNG