V-League bao giờ trở lại?
Cuối tuần qua, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thông báo kế hoạch tổ chức các giải chuyên nghiệp quốc gia 2020 sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 15.5 tới.
Cúp quốc gia khai màn
Theo VPF, quyết định này trên cơ sở cuộc họp trực tuyến với các CLB V-League hôm 31.3 và ý kiến bằng văn bản của các CLB hạng Nhất. Các trận đấu ở đấu trường Cúp quốc gia vào ngày 15.5 sẽ mở màn cho sự trở lại của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sau thời gian dài tạm ngưng vì dịch Covid-19.
Như vậy, theo lịch thi đấu thì đây là vòng loại đầu tiên giải Cúp quốc gia. Sẽ có 10 trận đấu với 20 đội bóng tham gia vòng đấu này, trong đó 9 đội V-League và 11 đội hạng nhất. Ngay ở lượt trận đầu tiên xuất hiện cặp đấu hấp dẫn giữa 2 đội đang chơi ở V-League là Dược Nam Hà Nam Định gặp Hoàng Anh Gia Lai. Còn lại, các đội V-League khác đều “dễ thở” khi chỉ đối đầu với đối thủ hạng dưới dù 5/7 đội phải chơi trên sân khách.
Tuy nhiên, thông báo lại không nhắc đến thời gian cụ thể V-League khởi động trở lại sau 2 vòng tạm hoãn cũng như thời điểm khởi tranh giải hạng Nhất. Trong khi đó, đây lại là 2 đấu trường chính và quan trọng nhất đối với mỗi đội bóng. Thậm chí, trong tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến lịch thi đấu, vừa qua có ý kiến đề xuất bỏ hẳn Cúp quốc gia để có thời gian tập trung cho V-League và giải hạng Nhất. Dù vậy, có thể hiểu nếu như tổ chức các trận đấu ở Cúp quốc gia thì V-League và hạng Nhất sẽ tiếp tục diễn ra ngay sau đó, trễ nhất là 1 - 2 tuần.
Sau những tranh cãi không đáng có từ phương án đá tập trung ở các sân địa phương phía Bắc, các nhà tổ chức có quay trở lại phương án thi đấu truyền thống lâu nay “sân nhà - sân khách” nhằm đảm bảo công bằng về chuyên môn lẫn vấn đề tài trợ, quảng cáo cho tất cả đội bóng hay không, vẫn chưa có câu trả lời. Dù sao thì các đội bóng và người hâm mộ đang trông chờ quả bóng mùa giải 2020 sẽ sớm lăn trở lại bất kể khán giả có thể không được vào sân như 2 vòng đấu đầu tiên của V-League.
Thế khó
Đến nay, ngoại trừ V-League mới diễn ra được 2 vòng, còn lại giải hạng Nhất và Cúp quốc gia chưa đá trận nào. Do đó, nhiều khả năng lịch thi đấu các giải sẽ phải “dồn toa” để kết thúc sớm, dành thời gian cho đội tuyển Việt Nam tập trung chuẩn bị bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup diễn ra vào cuối năm 2020 cũng như các trận đấu vòng loại World Cup. Việc này chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn và khán giả cũng khó đến sân theo dõi vì nhiều trận đấu diễn ra vào giữa tuần.
Nhưng lịch thi đấu này cũng chỉ dừng lại ở “kế hoạch dự kiến”, bởi vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và sự cho phép của các ngành chức năng trong thời gian đến. Có thể hiểu được thế khó của VPF khi phải chủ động trong việc xác định phương án tổ chức hợp lý nhất, kể cả thời điểm diễn ra giải đấu, song lại hoàn toàn bị động vì không phải do mình tự quyết định.
Không chỉ VPF, các đội bóng cũng có những cái khó của riêng mình. Nếu diễn ra như dự kiến kế hoạch 15.5, có nghĩa các đội bóng tham gia Cúp quốc gia có chừng một tháng để chuẩn bị các công việc và tổ chức tập luyện.
Tuy nhiên, đó là về mặt lý thuyết. Trên thực tế, cả nước đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19. Kể từ 15.4, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục giãn cách xã hội thêm một tuần. Điều này cũng có nghĩa, phần nhiều đội bóng vẫn còn ở chế độ chờ và chỉ có thể tập trung trở lại để tập luyện sau thời điểm 22.4 khi Chính phủ dỡ bỏ dần hạn chế tập trung.
Theo các chuyên gia, thể lực rất quan trọng trong thi đấu bóng đá. Dù cầu thủ nhà nghề hiện nay có ý thức và tính chuyên nghiệp cao song việc giữ gìn sức khỏe trong thời gian dài “xả trại” cực khó. Đó là chưa nói đến việc, không phải cầu thủ nào cũng có điều kiện để tập luyện, nâng cao thể lực khi trở về sinh hoạt cùng gia đình.
Thế nên, nếu tập trung quá trễ, không có nhiều thời gian tập luyện sẽ khó giúp các cầu thủ lấy lại sức khỏe và phong độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thi đấu. Nhiều HLV hiện nay đang lo lắng quân của mình sau quãng nghỉ dài tản mác khắp nơi làm sao để trở lại trạng thái tốt nhất cho các trận đấu căng thẳng ở phía trước.