"Con vi rút" ở Đầu Gò

TRUNG VIỆT 24/04/2020 13:58

Từ trụ sở ủy ban xã Đại Sơn phải đi đò qua Đồng Chàm, từ đó thêm lần bước chân xuống thuyền mới tới Đầu Gò - nơi khó khăn nhất về giao thông, mưu sinh, nơi khổ nhất Đại Lộc.

Đang mùa thu hoạch thơm nhưng sông quá cạn nên ghe vận chuyển đành phải tập kết ngay bến Đồng Chàm. Ảnh: TRUNG VIỆT
Đang mùa thu hoạch thơm nhưng sông quá cạn nên ghe vận chuyển đành phải tập kết ngay bến Đồng Chàm. Ảnh: TRUNG VIỆT

Ước chi!...

Địa thế hiểm nghèo đã khiến cho Đầu Gò trở nên một trong 3 thôn khó khăn của xã Đại Sơn. Cứ tra google là biết liền, bao lần, bao tiếng kêu than xin cái cầu, điện, nước từ ủy ban qua bên kia sông. Cũng qua thời gian, đường bê tông nội bộ, điện đã có, nhưng nước uống và cây cầu thì bó tay, và khi có sự cố xã hội nào nghiêm trọng, ví dụ như dịch Covid-19 lần này, càng thêm thảm. Tôi thấy ngay điều đó khi chờ ở bến Đồng Chàm qua Đầu Gò. Chiếc xe tải và chiếc ghe máy đang chuyển, nhận thơm. Đây là mùa thu hoạch thơm, khi cả thôn Đầu Gò đều trồng với hơn 200ha.

“Rất khó em nghe. Anh buôn 30 năm rồi, từ đầu năm chừ thấy khó thiệt. Một, chợ không đông do con vi rút nớ, nên thơm rớt giá. Hai, thủy điện sông Bung cắt nước, sông cạn, nên ghe không chạy xuống chỗ ủy ban được mà phải dừng đây, mình phải thuê ghe nhỏ chở, mỗi ghe mất 30 nghìn đồng. Chưa hết mô, phải thuê xe tải lên đây, mỗi chuyến mất 300 nghìn nữa” - ông Thanh, chủ thu mua thơm nói.

Vụ thủy điện cắt nước, khiến ngã ba sông Bung và Vu Gia, như chừ  tôi đang ngó đây, nước sâu hơn đầu gối một chút. Ghe lớn bó tay. Bà Hồng - chủ chiếc ghe  nói: “Hết người ép chừ tới Covid ép, lời được mấy đồng mô”. Ông Thanh nói oang oang: “Ai trồng mới lỗ chứ mấy bà lỗ chi, lỗ thì đừng hòng mua”. Có cô gái  trùm kín mặt mũi, thuyết minh: “Một trái ở đây khoảng 5 nghìn đồng, về Đại Minh, Đại Thắng là 7 nghìn, chạy ra được Đà Nẵng là 10 nghìn”. “Chạy đường mô?”. “Đó là nói mọi khi, chứ  hơn tháng ni có đi mô được, phải chạy về ngõ Nông Sơn, Duy Xuyên bán”.

Tôi lên ghe, qua sông. Lại nhớ lần đó ngay mũi lợn ngã ba sông này, mùa mưa  lạnh cắt, như thể khói từ cây rừng đá núi cuộn thở tuộn hết xuống sông mịt mùng, tôi nói với ông cán bộ xã đi cùng, là kiểu ni biết khi mô mới khá được ông ơi. Trả lời tôi là tiếng cười như kiểu chẳng cần trả lời. Tại trời, tại đất. Gần 10 năm, tôi quay lại, như thêm... nóng người khi bà Lê Thị Bích Ngọc - Trưởng thôn Đầu Gò buông lời cay đắng mà tha thiết sau lưng: “Ước chi Nhà nước cho thôn ni 1 cái bơm ngay đây cũng được. Có  giếng bơm là ngon”. “Bao nhiêu một cái?’’ - tôi hỏi. “Khoảng 27 triệu đó em”. Ngay đây, chính là trang trại của anh Lê Hồng Trung, một mô hình nuôi heo lai, gà đồi, vườn rau nông thôn mới. Anh phải đóng giếng từ sát sông, kéo ống  vô. Một đồng nghiệp đi cùng, không giấu được cảm thán: “Hai bảy triệu hả trời, có đáng chi với đồng bằng”. Hình như bà Ngọc nghe được, không bình phẩm, bà thêm: “Đó em coi, cần chi hạn mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, ở đây không có hột mưa 4 tháng rồi, bưởi chết khô, rau cỏ cũng rứa”. “Rứa con Covid có chết không?” - tôi nói giỡn chơi. “Khổ lắm, từ ngày có Covid, thơm ế nhễ. Trước đây giá một cộ thơm (chừng hơn 200kg) khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, nay còn 500 nghìn đồng. Mà khổ lắm, muốn bán mình phải  đưa xuống tận bến, rứa là mỗi cộ phải mất thêm 200 nghìn đồng. Chợ búa ít hoạt động,  nhà hàng quán ăn đóng cửa, không nơi tiêu thụ nên thua thôi. Mình vùng sâu vùng xa càng thêm thiệt thòi”.

Tôi nhớ Chủ tịch UBND xã là ông Ngô Vinh nói, nơi đây nước uống đến chừ vẫn là bài toán khó khăn. Thông tin từ bà Ngọc là vừa rồi thôn được cho 2 cái giếng đóng, nhưng giờ khô đóng phèn. “Thủy điện không xả nước, sông cạn khô, nước thì đóng ngoài sông để dẫn vô, nên đành chịu thôi. Họ đóng xả nước không thông báo, toàn ban đêm, nên chịu thua”. Bà con sống thêm nhờ cây keo lá tràm, nhưng tính nhẩm thì 110 nghìn đồng/tấn ở đây, chở xuống tới cảng còn lại… 20 nghìn đồng. Thì 2 con đò, đường núi, xa lắc xa lơ…

Bó tay miết hay sao chứ, 45 năm rồi mà, khi những người  đi kinh tế mới tại nhiều địa phương trong tỉnh, về đây quần tụ, lập làng, dựng lại sinh khí cho vùng đất đi qua bom đạn? Đầu Gò có 70 hộ thì tới 33 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. Chủ tịch UBND xã Ngô Vinh nói rằng, chìa khóa để bà con yên tâm ở đây chính là nước sạch. Kiến nghị đến mỏi miệng mỏi tay mà cứ phập phù. Bao nhiêu công trình nước sạch cuối cùng bỏ hoang vì không nước. “Nếu có bể nước lớn thì giải quyết được, nhưng số tiền phải trên 1 tỷ, xã thì nghèo, dân thì càng chịu thua” - lời ông Vinh. Tức là sẽ có nước cho sinh hoạt và sản xuất, nếu khoan sâu và dự  trữ chứ không thể kiểu làm phập phù như cấy lúa trên đất sét. Sống sát sông, đất bãi bồi, ngay cả đất đồi cũng tốt, nhưng không có nước thì đành chết khát.

Ước chi! Tôi hiểu, với dân Đầu Gò, con vi rút gây khổ, đâu chỉ bây giờ mới hành hạ. Không làm được cầu thì tìm nguồn nước ổn định cho dân. Liệu có quá khó không? Xã không nổi thì huyện. Huyện bất lực thì tỉnh. Không lẽ tỉnh cũng lắc đầu  với giấc mơ này?

TRUNG VIỆT