Lọc vốn đầu tư
Mạnh tay cắt bỏ dự án kém hiệu quả, minh bạch, công khai để toàn dân, cơ quan dân cử giám sát và tính hiệu quả kinh tế - xã hội của công trình, tác động tích cực lên mức sống của người dân trong khi nguồn lực ngân sách ngày càng khan hiếm chính là thước đo, tiêu chí phê duyệt hay bác bỏ một dự án, công trình đầu tư công, dù yêu cầu phát triển hạ tầng là điều hết sức cần thiết.
Rút dự án và tăng mức đầu tư
Năm dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016 - 2020) đã được HĐND tỉnh thống nhất đầu tư với tổng mức đầu tư 459 tỷ đồng (phần ngân sách tỉnh 320 tỷ đồng) đã được UBND tỉnh trình không đầu tư lên HĐND tỉnh. Tất cả dự án này đều chưa triển khai thực hiện. Lý do “rút lui” của các dự án này không phải chuyện ách tắc giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư, nhà thầu thiếu năng lực hay thủ tục hành chính rườm rà để không thể tiến hành dự án, mà đến từ nguyên nhân bất ngờ khác.
Theo ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT, dự án hiện đại hóa hồ sơ địa giới hành chính Quảng Nam chỉ được thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp. Cầu Phước Trạch (Hội An) với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 20 tỷ đồng) không thể đầu tư hoàn chỉnh, một khi triển khai sẽ chồng lấn, không đảm bảo quy mô với dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò.
Kè cửa lở Tam Hải nằm trong quy hoạch cảng Chu Lai (sẽ hình thành, điều chỉnh theo hướng khác) nên không thực hiện đầu tư. Nhà máy cấp nước vùng đông sẽ ưu tiên xã hội hóa. Hiện vùng đông đang sử dụng nguồn nước từ dự án nhà máy nước BOO Phú Ninh nên không thể đầu tư.
Còn đường Hùng Vương (Tam Kỳ), theo quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, định hướng năm 2050 thì đường quy hoạch N24 là đường trục chính nằm trung gian giữa đường Phan Châu Trinh và đường Hùng Vương. Hiện lưu lượng giao thông trên tuyến đường này giờ cao điểm chưa gây áp lực do lưu lượng xe được điều tiết sang trục dọc song song với đường Hùng Vương là đường Phan Châu Trinh, nên chỉ có thể đầu tư nâng cấp đường Hùng Vương vào thời điểm thích hợp.
Không chỉ rút dự án, UBND tỉnh yêu cầu điều chuyển kế hoạch vốn đã dự kiến bố trí cho các dự án này (165 tỷ đồng) cho các dự án phê duyệt quyết toán hoàn thành, các dự án đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng chưa có nguồn vốn bố trí.
Ông Phong nói, cơ quan quản lý, UBND tỉnh sẽ rà soát báo cáo điều chuyển kinh phí này sang các dự án cụ thể khác có nhu cầu. Ngoài chuyện rút đầu tư, dự án xử lý nước thải vùng đông xin tăng vốn đầu tư từ trên 62,5 tỷ đồng lên 114,5 tỷ đồng và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam tăng tổng mức đầu tư từ trên 12 tỷ đồng lên 14 tỷ đồng cũng đã được đệ trình.
Hướng đến tính hiệu quả của dự án
Đề nghị rút đầu tư và tăng tổng mức đầu tư của các dự án đã nhanh chóng được chấp nhận. Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cho biết việc xin rút dự án là hợp lý. HĐND tỉnh chỉ yêu cầu vốn phải được đổ vào nền kinh tế ngay trong năm 2020 nên UBND tỉnh rà soát, sớm có phương án điều chuyển 165 tỷ đồng đã dự kiến bố trí cho các dự án có nhu cầu, nhất là các dự án hoàn thành, quyết toán, dự án đẩy nhanh tiến độ nhưng chưa có nguồn vốn bố trí, thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi phân bổ và tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Không kể đến chuyện tăng vốn của 2 dự án xét về mặt đồng bộ, tăng công năng sử dụng của dự án phù hợp với thực tế được dễ dàng chấp thuận thì câu chuyện của 5 dự án rút lui khỏi kế hoạch đầu tư vốn đã từng diễn ra những cuộc tranh luận giờ mới có kết quả cuối cùng.
Nếu như các dự án cầu Phước Trạch, kè cửa lở Tam Hải hay bản đồ địa chính được đưa vào kế hoạch trước khi có sự thay đổi mới là chuyện bất khả kháng thì các dự án nhà máy cấp nước vùng đông hay đường Hùng Vương lại là câu chuyện khác.
Cụ thể, ngày 1.12.2018 nhà máy nước BOO Phú Ninh công suất giai đoạn 1 là 50.000m3 ngày/đêm – được đánh giá lớn nhất miền Trung khánh thành thì ngày 12.7.2019 dự án cấp nước cho các khu nông nghiệp công nghệ cao vùng đông tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng (đã được khuyến cáo không nên đầu tư vì công suất nhà máy nước của tư nhân đầu tư đã đủ để cung cấp nước cho khu vực này) vẫn được thống nhất đầu tư.
Và đường Hùng Vương tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng đã được khuyến cáo chưa bức thiết, chưa cần thiết mở rộng đầu tư vẫn được quyết định chủ trương đầu tư ngày 12.7.2019.
Quyết định xem xét lại các quyết định đầu tư, rút các dự án đầu tư “thiếu chính xác” hay điều chỉnh tăng vốn dù muộn, nhưng sự thay đổi này có thể hàm nghĩa chính quyền nay đã không còn nhiều nguồn lực và sự kiên nhẫn để tiếp sức cho những dự án đầu tư công dàn trải, manh mún và lãng phí.
Mạnh tay cắt bỏ dự án kém hiệu quả, minh bạch, công khai để toàn dân, cơ quan dân cử giám sát và tính hiệu quả kinh tế - xã hội của công trình, tác động tích cực lên mức sống của người dân trong khi nguồn lực ngân sách ngày càng khan hiếm chính là thước đo, tiêu chí phê duyệt hay bác bỏ một dự án, công trình đầu tư công, dù yêu cầu phát triển hạ tầng là điều hết sức cần thiết!