Sứ mệnh của sách!
Luis Sepúlveda - một nhà văn Chile vừa ra đi vì đại dịch. Tôi chẳng nhớ gì nhiều về các tác phẩm của ông, ngoại trừ “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”. Lặng lẽ bay vào một tầng không khác, sau khi dành tặng những di sản chữ nghĩa của mình cho cuộc đời, hẳn Luis Sepúlveda đã thực sự bằng an…
“Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn. Con là chim hải âu và con phải sống cuộc đời của hải âu. Con phải bay”. Lời của con mèo mun, “to đùng, mập ú” Zorba với cô nàng hải âu non bé bỏng đã được cộng đồng mèo ở bến cảng Hamburg chăm sóc và bảo vệ từ khi còn trứng nước. Và đó cũng là những lời nói chứa đựng toàn bộ yêu thương đong đầy trong “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” - câu chuyện kể về lần đầu “làm mẹ” của con mèo đực - Zorba. Đứa con bé bỏng của nó không phải một con mèo, mà là một chú hải âu non vừa nở - Lucky.
Bạn hãy tìm đọc nó, giữa những ngày khát khao mọi thứ được trả lại đúng trật tự như trước cơn đại dịch, giữa những mong mỏi về một cuộc sống bình thường của mọi ngày cũ. Chấp nhận và yêu thương một kẻ không giống mình, giữ bản ngã của mình giữa bao nhiêu khuyến dụ, không phải là điều quá hay ho để ngẫm nghĩ trong những ngày buộc phải rỗi rãi hay sao? Và nữa, Luis Sepúlveda có lẽ muốn gởi đến chúng ta thêm một thông điệp nữa, rằng trong mỗi hành trình của đời người, sẽ có những lúc muốn trưởng thành chúng ta phải chịu trầy xước. Nhưng phải chăng, “mỗi vết thương lành, một nỗi vui”? Để ta tự mình lấp lánh sau mỗi vết xước…
Ngày sách Việt Nam năm nay, lần đầu tiên sau 6 lần tổ chức, một hội sách trực tuyến nhắc chúng ta về những lựa chọn khác. Lựa chọn của việc lướt mắt qua các tiêu đề, các dòng review của nhà xuất bản, các sắc màu của họa sĩ vẽ bìa. Như việc chúng ta đi trên đường nhưng lại nhìn qua một ứng dụng khác, không phải bằng chính mắt ta. Và hình như không một ai lạ lẫm. Như kiểu chúng ta đã quen dần với cách thức kết nối này, quen với những cô đơn giữa các phím chữ. Và thậm chí rằng quen với câu chuyện chơi cùng một người hiền mà không cần nhân dạng họ ra sao. Nên dầu sao đi nữa, trong những đóng băng của hàng loạt các sự kiện, hội lễ, hội sách online như một cứu cánh để người ta cùng vọng về một câu chuyện, ngoài sự “âm - dương” tin báo mỗi ngày giữa cơn đại dịch. “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” cũng nói về lựa chọn của chú chim bé nhỏ, của chú mèo béo ú. Khi hoàn cảnh thay đổi, thay vì ngồi than khóc, hãy tự mình đi tìm những lựa chọn khác.
Đại dịch cướp đi của nhân loại rất nhiều người tài. Những chao đảo thăng trầm của ngày tháng này sẽ trở thành một thứ ký ức không dễ gì nhạt nhòa. May thay, chúng ta có những nhà văn và những cuốn sách. Ít nhiều, chúng sẽ giúp ta xoa dịu được những lo lắng, giữ lại cho mình những ký ức cá nhân và trao nó qua nhiều lớp thế hệ. Và đó là sứ mệnh của sách!