Sách trong “thế giới phẳng”

CHÂU NỮ 21/04/2020 14:48

Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều người vẫn có thể tìm đến sách và lan tỏa tình yêu với sách thông qua “thế giới phẳng” với hàng ngàn đầu sách phong phú, đa dạng.

Cô Trần Hoàng Yến - cán bộ thư viện Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm giới thiệu sách qua video-clip nhân Ngày sách Việt Nam năm 2020. Ảnh: C.N
Cô Trần Hoàng Yến - cán bộ thư viện Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm giới thiệu sách qua video-clip nhân Ngày sách Việt Nam năm 2020. Ảnh: C.N

Hội sách online

Lần đầu tiên, Ngày sách Việt Nam (21.4) được tổ chức dưới hình thức trực tuyến (online) từ ngày 19.4 - 20.5 tại địa chỉ book365.vn với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”. Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 thu hút 49 đơn vị xuất bản tham gia.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ cho biết, đơn vị tham gia hội sách trực tuyến lần này với gần 500 đầu sách, thuộc nhiều thể loại, phù hợp với các độ tuổi khác nhau, trong đó tập trung dòng sách giáo dục gia đình, văn học, ngoại ngữ, kỹ năng… để nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách và trau dồi kỹ năng. NXB Phụ nữ có chính sách ưu đãi dành cho khách hàng như giảm 25% giá sách. Đồng hành với NXB Phụ nữ và hội sách, Bưu điện Việt Nam hỗ trợ bằng cách miễn 100% phí vận chuyển cho 20 nghìn đơn hàng đầu tiên.

Tiết đọc thư viện năm học 2018 - 2019 ở Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ). Ảnh: C.N
Tiết đọc thư viện năm học 2018 - 2019 ở Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ). Ảnh: C.N

Tham gia Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, NXB Phụ nữ tạo điểm nhấn với chương trình giao lưu trực tuyến cùng Giám đốc - Tổng biên tập Khúc Thị Hoa Phượng vào sáng 24.4, về chủ đề: Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho trẻ và Hướng dẫn xây dựng tủ sách gia đình. Qua đó hy vọng giúp bạn đọc tăng cơ hội tiếp cận với sách và khơi dậy tình yêu, thói quen đọc sách ngay trong những ngày cả nước phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, đây cũng là dịp có thể mở ra một hướng đi mới, giúp ngành xuất bản bước vào nền kinh tế số.

“Dạo” hội sách trực tuyến, nhiều người không thể dứt ra được vì sự cuốn hút của nhiều loại sách. Chị Phan Thanh Nga (xã Đại An, Đại Lộc) chọn mua một số sách văn học và sách kinh tế. “Hội sách có nhiều sách để chọn lựa, hầu như sách nào cũng giảm giá và nhờ mua sớm nên tôi được miễn phí vận chuyển. Tôi nghĩ đây là dịp để nhiều người có thêm cơ hội tiếp cận với sách một cách thuận lợi” - chị Thanh Nga nói.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) trong Ngày sách Việt Nam năm 2019. Ảnh: C.N
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) trong Ngày sách Việt Nam năm 2019. Ảnh: C.N

Đọc sách trong thế giới phẳng

“Chúng ta cùng chung tay xây dựng văn hóa đọc trên 3 chân kiềng: dạy trẻ đọc sách trong gia đình; dạy trẻ đọc sách trong nhà trường; dạy trẻ đọc sách trong cộng đồng. Việc này chúng ta cần cùng nhau làm, đặc biệt là bố mẹ, ông bà, anh chị em... cần tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với sách từ rất sớm thì lớn lên trẻ mới có thói quen đọc sách. Bố mẹ và mọi người trong gia đình hãy đọc sách cùng con; cùng con đi thư viện; rèn thói quen mua sách. Hy vọng bố mẹ, thầy cô giáo làm gương về việc đọc sách. Và cũng hy vọng các doanh nhân thực hiện trách nhiệm cộng đồng bằng các dự án tặng sách cho trẻ em, trường học, bệnh viện...”.

(Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thể tập trung đông người để tổ chức đọc, giới thiệu sách theo kiểu truyền thống như đã từng làm trong dịp ngày sách những năm trước đây, nhiều trường học, tổ chức, cá nhân đã kích hoạt, làm lan tỏa tình yêu sách cho cộng đồng bằng nhiều cách thức thú vị.

Cô Trần Hoàng Yến, cán bộ thư viện Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ), chọn cách giới thiệu sách online qua video-clip kèm hình ảnh sinh động để đưa sách đến với học sinh.

“Tôi luôn mong muốn giới thiệu đến các em những cuốn sách hay, giúp học sinh duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ việc giới thiệu sách online là phù hợp và tôi đã thực hiện không chỉ vì trách nhiệm của cán bộ thư viện mà còn vì tình yêu và niềm đam mê sách của mình” - cô Hoàng Yến nói.

Cuốn sách mà cô Hoàng Yến giới thiệu lần này là “Đảo mộng mơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, với mong muốn học sinh có ước vọng đẹp như những trang sách.

Cũng với hình thức đọc sách online, nhưng chị Khiếu Thị Hoài - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Không gian đọc Hội An, chọn cách đọc “chân phương” để có thể truyền tải cảm xúc và phát trên Youtube. Những clip chị Hoài thực hiện rất chỉn chu nhờ con trai chị, vốn đam mê công nghệ thông tin chỉnh sửa.

“Mình đọc sách trước hết là để các con của mình tiếp cận sách theo cách dễ dàng, thân thiện, vừa góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách với mọi người” - chị Hoài nói.

Trong dịp này, các nhóm, fanpage đọc sách trên mạng xã hội như “Trạm đọc”, “Người đọc sách”, “Hội những người thích đọc sách”… ngày càng thu hút khá nhiều thành viên tham gia. Nhiều bậc phụ huynh cũng tranh thủ tận dụng thời gian con cái nghỉ học để gieo niềm mê với sách bằng cách đọc sách hoặc nghe đọc sách cùng con.

Chị Phạm Cẩm Vân - phường Trường Xuân (Tam Kỳ) chia sẻ: “Khi đọc sách cho con, tôi cảm thấy rất vui, con tôi cũng luôn háo hức để nghe mẹ đọc sách”. Loại sách mà chị Cẩm Vân chọn đọc cho con là sách dạy kỹ năng và truyện cổ tích.

CHÂU NỮ