Nhiều công ty Nhật Bản chọn điểm đến ASEAN

NAM VIỆT 20/04/2020 15:12

(QNO) - Nối gót các công ty Mỹ và châu Âu, hàng loạt công ty Nhật Bản rời Trung Quốc để di chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Thủ tướng Abe Shinzo phát biểu trong cuộc họp báo tại dinh thự chính thức của thủ tướng ở Tokyo vào ngày 17.4 vừa qua
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 17.4 vừa qua. Ảnh: AFP

Ngày 16.4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc, kéo dài đến ngày 6.5 để ngăn chặn dịch Covid-19.

Trước đó, nhà lãnh đạo Nhật Bản công bố gói kinh tế lớn nhất từ trước đến nay trị giá 108 nghìn tỷ yên Nhật (khoảng 989 tỷ USD hay tương đương 20% ​​GDP của cả nước) để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động của đợt bùng phát vi rút corona mới.

Đáng chú ý, gói cứu trợ bao gồm một quỹ hỗ trợ kinh tế trị giá khoảng 2,4 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc di dời hoạt động sản xuất trở về nước hay chuyển sang các nước khác ở Đông Nam Á. Động thái này nhằm giảm rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng như trong thời gian dịch bệnh Covid-19.

Lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Nhật Bản đã giảm gần một nửa trong tháng 2 do ảnh hưởng của Covid-19 khiến các nhà máy Trung Quốc đóng cửa, trong khi các nhà sản xuất Nhật Bản thiếu các thành phần cần thiết để vận hành.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc trở thành nhà máy của thế giới. Nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc để giảm chi phí và để được gần với một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới.

Giờ đây, nhiều nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc và từ nhiều nước khác tại Trung Quốc cảm nhận được tác động từ việc một số thành phố lớn Trung Quốc bị phong tỏa, chuỗi cung ứng gữa các đối tác thương mại lớn bị phá vỡ. Đây cũng chính là một trong những động lực mới khiến các công ty sản xuất nước ngoài tại Trung Quốc, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tìm địa chỉ mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc.

Bởi thời gian qua, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều công ty có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đã bắt đầu chuyển một số hoạt động sang ASEAN để tránh các lệnh trừng phạt ngày càng tăng của Mỹ.

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 2 của Tokyo Shoko Research Ltd., 37% trong số 2.600 công ty tham gia khảo sát cho biết họ đang đa dạng hóa mua bán đến những nơi khác ngoài Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19.

Theo báo cáo tháng 2.2020 của Nikkei Asian Review, Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất của họ sang Việt Nam và Thái Lan từ Trung Quốc.

Google, Nikkei báo cáo, dự kiến ​​sẽ bán điện thoại thông minh được sản xuất một phần tại Việt Nam, Pixel4A và Pixel5 vào tháng 5 và nửa cuối năm 2020, tương ứng. Google báo cáo thêm, cũng sẽ bán loa thông minh Nest Mini được sản xuất tại Thái Lan với một đối tác địa phương vào cuối năm nay.

Microsoft dự kiến bắt đầu sản xuất tại Việt Nam một số mẫu máy tính để bàn và máy tính xách tay Surface phổ biến vào quý II.2020.

Cạnh đó, Malaysia là một trong những thành viên ASEAN hưởng lợi từ xu hướng mới này vào năm ngoái. Trong giai đoạn từ tháng 1 - 9.2019, Malaysia thu hút ​​một dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 8,9 tỷ USD. 

NAM VIỆT