Cơ chế đặc thù cho đầu tư xử lý chất thải rắn

HỮU PHÚC 20/04/2020 06:04

Trước áp lực của các khu xử lý rác thải tập trung trong tình trạng quá tải, đã và đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, việc thông qua một cơ chế hỗ trợ đặc thù cho đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết hiện nay.

Nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều cơ chế hỗ trợ về đầu tư khu xử lý rác thải nếu HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp đến. Ảnh: H.P
Nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều cơ chế hỗ trợ về đầu tư khu xử lý rác thải nếu HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp đến. Ảnh: H.P

Cần thiết và cấp bách

Theo đề xuất cơ chế hỗ trợ của UBND tỉnh, 10 địa phương đồng bằng chỉ được hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 khu xử lý rác thải tập trung cấp huyện; mỗi huyện miền núi được hỗ trợ đầu tư xây dựng tối đa 3 khu xử lý rác thải tập trung theo Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với khu xử lý rác thải tập trung cấp tỉnh xử lý rác thải cho cụm các huyện cũng thực hiện khuyến khích đầu tư, hỗ trợ xử lý theo nghị quyết này. Nhà đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn tập trung sẽ nhận được nhiều ưu đãi.

Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện công tác bồi  thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất. Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng các tuyến đường bê tông nông thôn vào khu xử lý rác thải tập trung theo tiêu chuẩn đường đạt chuẩn nông thôn mới đối với khu xử lý cấp huyện; theo tiêu chuẩn đường huyện đối với khu xử lý liên huyện. Hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng công trình cấp điện khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung.

Hơn 563 tỷ đồng hỗ trợ xử lý chất thải rắn

Theo Sở TN&MT, tổng kinh phí thực hiện cơ chế tăng cường quản lý chất thải rắn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030 cần hơn 563 tỷ đồng (giai đoạn 2020 – 2025 là gần 296 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2030 hơn 267,2 tỷ đồng). Trong đó, hỗ trợ cho nhà đầu tư xây dựng khu xử lý tập trung, giải phóng mặt bằng là 256,4 tỷ đồng; hỗ trợ 152,5 tỷ đồng cho chính quyền cấp xã xây dựng công trình thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất người dân, bảo vệ môi trường và số tiền còn lại phục vụ phân loại rác thải tại nguồn.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin thêm, nội dung cơ chế đề xuất cũng hỗ trợ cho cộng đồng địa phương. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ UBND cấp xã kinh phí xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như cấp nước sạch, giao thông, thủy lợi, mương thoát nước…

Về công nghệ xử lý chỉ áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ đốt hoặc công nghệ tiên tiến khác đối với các khu xử lý có công suất hơn 50 tấn/ngày đêm.

Đối với nhà đầu tư, ngân sách nhà nước hỗ trợ các nội dung về giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông, công trình cấp điện sau khi hoàn thành và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, căn cứ hồ sơ thiết kế, dự toán và khối lượng nghiệm thu, hồ sơ quyết toán, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí (hỗ trợ sau đầu tư).

Lấy ý kiến đa chiều

Quy hoạch đầu tư xử lý chất thải rắn của tỉnh đã có từ năm 2011 nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường bền vững. Chính sự quy hoạch, đầu tư hệ thống xử lý rác thải thiếu đồng bộ đã dẫn đến các sự cố đáng tiếc như vừa qua.

Vài năm tới, các bãi rác tập trung của tỉnh sẽ hết công suất cũng như thời gian hoạt động, cụ thể khu xử lý Đại Hiệp (Đại Lộc) sẽ đóng cửa tháng 6.2021; khu xử lý rác Tam Xuân (Núi Thành) sẽ đóng cửa cuối năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, tỉnh không thể chạy theo tăng trưởng kinh tế mà trả giá cho môi trường, phát triển kinh tế phải hài hòa với kiểm soát ô nhiễm. Vì vậy, một cơ chế hỗ trợ đặc thù về xử lý chất thải rắn giai đoạn 2020 – 2030 là phù hợp với thực tiễn phát triển.

Theo Sở KH&ĐT, đối với những địa phương không có khu xử lý rác thải thì thỏa thuận với địa phương lân cận trong năm 2020 để hỗ trợ xử lý trước mắt nhưng về lâu dài, địa phương phải lựa chọn địa điểm để đầu tư khu xử lý rác thải tập trung tại địa phương mình theo tinh thần Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy.

Ban Dân tộc thuộc UBND tỉnh thì kiến nghị hỗ trợ kể cả hồ sơ đánh giá tác động môi trường và lập dự án. Thống nhất cao với cơ chế hỗ trợ nhưng cơ quan này đặt vấn đề cần kiển soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường không khí và trong lòng đất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho biết, bài toán trước mắt là đầu tư nâng công suất để giải quyết tình trạng quá tải ở khu xử lý Đại Hiệp như dự án chống rò rỉ, thấm bằng 100% vốn ngân sách tỉnh. Thêm vào đó, bắt buộc 10 địa phương khu vực đồng bằng phải tự làm một khu xử lý cho chính địa phương mình kể từ năm 2022 và cần đưa ra chế tài.

“Để tạo điều kiện cho các địa phương thì ngân sách tỉnh hỗ trợ theo một trong các hướng là: hỗ trợ theo tỷ lệ trên vốn đầu tư; hỗ trợ trên khối lượng rác thải xử lý hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Riêng với khu vực miền núi thì thống nhất hỗ trợ tối đa không quá 3 vị trí và cách thức hỗ trợ như 10 huyện đồng bằng; bỏ việc đầu tư khu xử lý rác thải của tỉnh” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đề xuất.

Một số địa phương đề nghị  tăng phạm vi khoảng cách hỗ trợ lên 3km với khu chôn lấp và 1km đối với nhà máy sản xuất compost; ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thu gom và xử lý rác thải, đóng bảo hiểm cho người dân trong vùng được hỗ trợ. Về công trình thiết yếu như cấp nước sạch, giao thông nông thôn, thủy lợi, thoát nước thống nhất hỗ trợ 1 lần.

Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, cơ chế đặc thù lần này sẽ mạnh dạn đưa dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án khu xử lý tập trung và bố trí tái định cư. Điểm thuận lợi là hiện trạng đề xuất xây dựng khu xử lý tập trung của các địa phương không có nhà ở của dân.

Liên quan đến cơ chế hỗ trợ, đến nay Sở TN&MT và UBND tỉnh tổ chức rất nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các ngành và địa phương. Khi tổ chức lấy 25 ý kiến của Ủy viên UBND tỉnh, Sở TN&MT nhận được 23 ý kiến đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ và 2 ý kiến thống nhất thông qua nhưng đề nghị chỉnh sửa bổ sung.

HỮU PHÚC