Nhà băng đồng hành với doanh nghiệp
Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng nhà nước và thương mại dành cho doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất kinh doanh; Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất với tổng giá trị ước tính lên đến 180 nghìn tỷ đồng. Đây được xem là “liều thuốc” trợ lực kịp thời cho hơn 700 nghìn DN vượt qua khó khăn trong cơn đại dịch Covid-19.
Thêm những gói lãi suất thấp
Đến nay, cả hệ thống Ngân hàng Nhà nước và thương mại đã đồng loạt thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản vay, cũng như đưa ra những chính sách cụ thể, chuyên biệt dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố quyết định đồng loạt giảm lãi suất tiền vay đợt 2 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, khách hàng của Vietcombank được giảm 10% số tiền lãi phải trả nếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 (thời gian giảm lãi suất kể từ ngày 15.4 đến hết ngày 30.9.2020) và được giảm 5% số tiền lãi phải trả trong trường hợp bị ảnh hưởng gián tiếp (thời gian giảm lãi suất kể từ ngày 15.4 đến hết ngày 30.6.2020). Theo đó, khoảng 90.000 khách hàng được giảm lãi đợt 2, với quy mô tín dụng 300 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của Vietcombank.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã công bố triển khai gói tín dụng lên đến 30.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp tục sản xuất kinh doanh trong thời kỳ khó khăn bởi dịch Covid -19.
Trước đó, BIDV cũng đã đưa ra nhiều gói tín dụng chuyên biệt với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: Gói tín dụng hỗ trợ khách hàng cá nhân với quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 5,5 - 6,5% theo từng kỳ hạn; Gói tín dụng hỗ trợ khách hàng DN 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD với mức giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD; Gói tín dụng cho DN vừa và nhỏ với quy mô 100 nghìn tỷ đồng, lãi suất cho vay giảm 1% so với lãi suất thông thường...
Tương tự, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường.
Hay LienVietPostBank, từ ngày 9.4 đến 30.9, triển khai gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm mạnh tới 2%/năm, áp dụng cho cả các khoản vay mới và khoản vay hiện hữu của khách hàng DN và khách hàng cá nhân...
Liều thuốc trợ lực
Về Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ gia hạn thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, ông Phan Đức Tú - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng (huyện Thăng Bình) cho rằng, nghị định này sẽ là liều thuốc trợ lực tài chính rất quan trọng để DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Gia hạn nộp thuế có nghĩa rằng DN và người dân tạm thời chưa phải nộp thuế, được sử dụng tiền thuế đó vào các hoạt động sản xuất kinh doanh như: trang trải chi phí cố định, các khoản chi trả lương, hỗ trợ và trợ cấp lương cho người lao động... Khoản thuế gia hạn này là một khoản tài chính cần thiết, góp phần giúp DN duy trì và cầm cự qua mùa dịch, là cơ sở tiền đề cho phục hồi kinh tế trong tương lai.
Theo nhận định của Hiệp hội DN Quảng Nam, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều DN trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng. Hầu hết DN ở các ngành bị giảm sút doanh thu, rõ nét nhất là các DN du lịch lữ hành, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, dệt may, nông nghiệp.
Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Quảng Nam khẳng định, Nghị định 41/2020/NĐ-CP được ban hành vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp, kịp thời và là một giải pháp thiết thực, hiệu quả, thông qua đó khích lệ, động viên DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nỗ lực vượt qua khó khăn. Đồng thời đề nghị cơ quan thuế cần khẩn trương triển khai các quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để giúp DN yên tâm trụ trong đại dịch. Mặt khác, cần tuyên truyền rộng rãi chính sách này đến các DN, thành phần kinh tế nắm bắt để thực hiện.