Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập xã hội
Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng chủ trì thực hiện từ năm 2019 - 2021 sẽ góp phần đắc lực giúp người khuyết tật nâng cao vị thế trong xã hội.
Thúc đẩy tiếp cận
Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) là tổ chức phi chính phủ Việt Nam, hoạt động với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). ACDC đến với Quảng Nam vào năm 2019, bắt đầu bằng việc nghiên cứu mức độ tiếp cận dành cho người khuyết tật (NKT) ở các công trình công cộng, giao thông, công sở, trường học...
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng ACDC chia sẻ: “Khi ACDC khảo sát thực tế, các sở ngành đã cung cấp thông tin cũng như chia sẻ những thuận lợi và khó khăn gặp phải về hỗ trợ NKT. Nhờ vậy, chúng tôi mới có thể triển khai dự án một cách thuận lợi. Về hòa nhập của NKT, trước đây nhiều người hay cho rằng chỉ cần hỗ trợ họ về mặt vật chất là đủ. Nhưng không phải, cần phải cho họ cái cần câu và hướng dẫn họ cách câu cá, tạo đường đi lối lại tiếp cận để họ có thể đi câu và câu được cá. Chúng tôi nhận thấy rằng các công trình ở Quảng Nam chưa thực sự đảm bảo tiếp cận được cho NKT. Công trình công cộng như nhà văn hóa, trụ sở cơ quan, các trường học, trạm xá, đối với giao thông gồm bến xe buýt, bến tàu... không phải nơi nào cũng đảm bảo tiếp cận”.
Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” được thực hiện tại Quảng Nam trong 3 năm 2019 - 2021, tổng kinh phí thực hiện 7,8 tỷ đồng; mục tiêu chính là cải thiện việc thực thi các chính sách đối với NKT. Dự án bao gồm các hoạt động hỗ trợ phát triển các chính sách về NKT, nâng cao năng lực cho địa phương và vận động thực hiện các chính sách dành cho NKT. ACDC làm việc với các đối tác chính gồm Sở LĐ-TB&XH, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Y tế. Dự án này được thực hiện tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, kỳ vọng đến năm 2021 sẽ hỗ trợ cho ít nhất 2.000 NKT của 3 tỉnh được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án.
Với những số liệu nghiên cứu ban đầu, sự hỗ trợ đắc lực từ Viện Quy hoạch và phát triển đô thị (Bộ Giao thông vận tải), ACDC triển khai thực hiện dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho NKT”.
Theo bà Lan Anh, dự án kỳ vọng các tổ chức hội của NKT và chính bản thân NKT được nâng cao nhận thức về vấn đề tiếp cận vật lý cũng như tiếp cận các dịch vụ công, nhất là trong chăm sóc sức khỏe. Sau đó là tác động, thúc đẩy để các sở, ngành, địa phương có sự thay đổi, trợ giúp NKT đủ điều kiện tiếp cận các công trình theo quy chuẩn đảm bảo cho họ sử dụng được. Những tác động của ACDC góp phần vào việc xây dựng mô hình bền vững để hòa nhập xã hội cho NKT.
Hỗ trợ hòa nhập
Quảng Nam có gần 37 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở mọi khía cạnh của cuộc sống.
Theo ACDC, NKT vẫn còn bị xem là người hưởng lợi từ trợ cấp xã hội và từ thiện; vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới. Không chỉ gặp khó khăn trong tiếp cận các phương tiện giao thông và công trình công cộng, NKT thậm chí không thể tiếp cận được tại ngay chính nhà riêng của họ. Việc hỗ trợ y tế, đặc biệt là phục hồi chức năng chưa đầy đủ...
Hợp phần “Thúc đẩy việc vận động chính sách về quyền của người khuyết tật” sẽ hỗ trợ hai yếu tố là “thái độ cộng đồng và nhận thức” và “hỗ trợ chính sách” trong mô hình bền vững của USAID.
Giao thông tiếp cận đóng vai trò rất quan trọng đối với NKT, đó là một trong những cách hỗ trợ họ hòa nhập tốt hơn vào xã hội. Ở các nước phát triển, định nghĩa về khả năng tiếp cận không chỉ dành cho NKT mà còn đối với những nhóm người yếu thế khác như người già, trẻ em, do đó được gọi chung là “thiết kế phổ dụng”. Mặc dù Luật NKT và các văn bản pháp lý khác đã có đề cập về giao thông tiếp cận nhưng “thiết kế phổ dụng” vẫn là định nghĩa và kỹ thuật mới, chưa được ứng dụng trong thực tế. Sau khảo sát, các chuyên gia sẽ xem xét và đánh giá tình hình hiện tại để đề xuất các giải pháp phù hợp về “thiết kế phổ dụng” cho NKT trên địa bàn Quảng Nam.
Theo bà Lan Anh, mô hình nhà trung chuyển (nhà sống độc lập) sẽ được phát triển để hỗ trợ NKT hòa nhập tốt hơn trong xã hội sau khi từ bệnh viện trở về cộng đồng. Mô hình nhà trung chuyển này là sự kết hợp giữa hai lĩnh vực y tế và xây dựng. NKT sau khi được phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế địa phương, trước khi về nhà, họ và gia đình được khuyến khích sử dụng nhà trung chuyển như một nơi để tham khảo các vấn đề về tiếp cận hoặc liên quan khác để giúp hòa nhập tốt hơn với cuộc sống.
Mô hình này được đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp xây dựng dưới sự quản lý, hỗ trợ của nhóm dự án và các cơ sở y tế địa phương. Quan trọng hơn, nhà trung chuyển có thể tiếp cận được với tất cả dạng tật và mức độ khuyết tật. ACDC đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Nam để cùng xây dựng mô hình này tại bệnh viện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam.