Tìm hướng bảo tồn chim yến Cù Lao Chàm

VĨNH LỘC 15/04/2020 12:48

Từng được mệnh danh là “vàng trắng” của xứ Quảng và mang lại nguồn ngân sách lớn cho TP.Hội An, tuy nhiên từ năm 2012 đến nay, sản lượng tổ yến Cù Lao Chàm liên tục sụt giảm. Việc giữ vững sản lượng yến sào Hội An đang trở thành bài toán chưa có lời giải.

Dựng giàn khai thác tổ chim yến. Ảnh: V.L
Dựng giàn khai thác tổ chim yến. Ảnh: V.L

Giảm 50% sau gần 10 năm

Ông Cao Văn Năm - Giám đốc Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm Hội An cho biết, từ năm 2012 đến nay, sản lượng khai thác tổ yến Cù Lao Chàm liên tục sụt giảm, bình quân mỗi năm gần 10%.

Chỉ tính riêng 3 năm gần đây sản lượng tổ đã giảm từ khoảng 727kg (năm 2017) xuống còn hơn 591kg (năm 2019), nếu so với năm 2012 (khoảng 1,3 tấn) thì sản lượng năm 2019 đã sụt giảm hơn 50%.

Với 4 mức giá (tương đương 4 loại yến) bán ra thị trường hiện nay gồm yến quang (giá 14,5 triệu đồng/lạng, trọng lượng tổ hơn 12gram), yến thiên (12,6 triệu đồng/lạng, tổ hơn 11gram); yến bài (9,7 triệu đồng/lạng, tổ hơn 5gram) và yến mảnh (yến tạp, giá 7,5 triệu đồng/lạng) tính ra số tiền thất thu từ sụt giảm sản lượng yến Cù Lao Chàm mỗi năm hàng tỷ đồng.

“Chỉ tiêu thành phố giao năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng sản lượng khai thác thì giảm dần nên vài năm nay chưa bao giờ đạt chỉ tiêu, nguyên nhân chính do đàn yến sụt giảm dẫn đến sản lượng tổ khai thác giảm theo” - ông Năm phân tích.

Yến Cù Lao Chàm được thị trường đánh giá cao về hàm lượng dinh dưỡng, trong đó hơn 70% sản lượng khai thác được xuất khẩu ra nước ngoài (phần lớn là Hồng Kông), còn lại tiêu thụ trong nước.

Hiện tại Cù Lao Chàm có khoảng 9 hang chim yến cư trú làm tổ, tuy nhiên tập trung nhiều nhất tại 4 nơi là hang Khô, hang Cả, hang Tò Vò, hang Lẻ. Trong đó, hang Khô có sản lượng cao nhất, riêng năm 2019 tại đây thu hoạch 28.133 tổ, trọng lượng hơn 205kg.

Theo ông Cao Văn Năm, mặc dù chưa thể xác định chính xác nguyên nhân, nhưng qua kinh nghiệm và những nghiên cứu sơ bộ cho thấy sự sụt giảm trên liên quan đến các yếu tố như môi trường sinh thái suy giảm, vùng thức ăn của chim yến (rừng núi, đồng ruộng…) bị thu hẹp; biến đối khí hậu, thời tiết thay đổi dẫn đến quy luật sinh học của chim cũng thay đổi. Đặc biệt, xuất hiện trường hợp chim tách đàn rời hang di dời nơi khác.

“Tuy chưa thể khẳng định việc chim yến bỏ đảo vào nhà dân làm tổ nhưng qua nghiên cứu, phân tích về giống dòng giữa yến nhà và yến đảo vẫn có một số yến lai tạp, tương đồng về mặt di truyền” - ông Năm cho biết thêm.

Ngoài ra, sự sụt giảm đàn cũng liên quan đến vấn đề săn bắt của con người, diều hâu, cú vọ hay dơi lấn chiếm hang động khiến yến không vào làm tổ.

Loay hoay giải pháp

Từ vài năm nay việc phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp dù được thành phố cũng như Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm Hội An triển khai thực hiện nhưng xem ra vẫn chưa có giải pháp tổng thể cuối cùng.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, do tập tính sinh sống tự nhiên “chim trời cá nước” nên việc nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng tổ và bầy đàn yến không đơn giản. Thời gian qua, đã có nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó tập trung nhiều vào 2 giải pháp chính là bảo hộ chim yến và bổ sung thức ăn bằng cách thí nghiệm một số loài côn trùng giúp chim yến không bay xa tìm mồi.

“Mình chưa thể gắn chíp cho chim yến nên không biết hoạt động kiếm ăn của nó nơi đâu, thật sự cũng lúng túng, bây giờ chỉ cố gắng nghiên cứu trong điều kiện có thể” - ông Hùng nói.

Với vận tốc bay liên tục khoảng 40km/giờ, chim yến Cù Lao Chàm có vùng kiếm ăn rất rộng, có thể hết Quảng Nam, thậm chí qua tới Lào. Theo ông Cao Văn Năm, ngoài các giải pháp tổng thể, đơn vị thường xuyên cải tạo môi trường tại các hang động, giúp nơi làm tổ của chim yến thoáng mát, tránh mưa gió, dột ẩm, hạn chế tác động của sóng đánh vào hang. Đặc biệt, đơn vị cũng kiến nghị thành phố chấp nhận sụt giảm doanh thu nhằm bảo trì bầy đàn chim yến bằng cách giảm số lần khai thác tổ trong năm từ 2 kỳ xuống 1 kỳ.

“Trước đây, việc thu hoạch tổ yến diễn ra kỳ 1 vào tháng 4 và kỳ 2 sau đó, chỉ cho chim ấp nở vào tháng 8 đến tháng 9 nhằm duy trì đàn, nhưng vì thời gian này thường bị gió mưa nên tỷ lệ chim non sống thấp, bây giờ mình chấp nhận khai thác 1 năm một lần, chuyển thời gian chim ấp nở từ tháng 8 sang tháng 4 để giúp chim sống sót tốt hơn. Đồng thời đơn vị cũng triển khai công tác cứu hộ chim non bằng cách giăng lưới hứng chim không rơi xuống đất trong quá trình nở hoặc bò ra ngoài mang về nuôi trước khi trả về đàn” - ông Năm chia sẻ.

VĨNH LỘC